Chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024
Sau khi khống chế tạm thời dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn đầu của thời kỳ 5 năm 2021-2025 với những kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Song, những thách thức cũ chưa qua thì lại có những thách thức mới từ tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế Việt Nam năm 2023 và giai đoạn 2023-2025. Bài viết này, tác giả đánh giá khái quát về chính sách tài khóa những năm gần đây, phân tích những thách thức đặt ra cho năm 2024 và đề xuất, khuyến nghị một số chính sách.
Khái quát về chính sách tài khóa năm 2023
Từ năm 2000 đến nay, do chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình kinh tế, chính trị thế giới, là quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất cao nên Việt Nam đứng trước nhiều thách thức về tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2021-2023, Việt Nam đã có những điều chỉnh về chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), gói hỗ trợ tài khóa chiếm phần lớn Chương trình nên nhiệm vụ của Chính phủ, nhất là Bộ Tài chính là hết sức nặng nề. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách như: Nghị định số 15/2022/NĐ-CP hướng dẫn về chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH13; Nghị định số 32/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2022.
Năm 2023, để hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng nội địa, Quốc hội thông qua giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10%.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023, với số tiền giảm khoảng 38 nghìn tỷ đồng. Với việc thực hiện Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110 nghìn tỷ đồng. Đây là năm thứ 4 liên tiếp, Bộ Tài chính tiếp tục trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách hỗ trợ với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thành thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 có thể coi là thành công.
Hình 1: Tỷ lệ thực hiện thu ngân sách nhà nước so với dự toán (%) giai đoạn năm 2006-2023
Thu NSNN đến hết ngày 31/12/2023 ước đạt trên 1.752 nghìn tỷ đồng, vượt 8,1% (tương đương 131,75 nghìn tỷ đồng) so với dự toán đầu năm. Trong đó, ngân sách trung ương (NSTW) vượt 5,9%; ngân sách địa phương (NSĐP) vượt 10,6%. Tuy vượt thu trên 8% so với dự toán nhưng kết quả thu ngân sách năm 2023 chỉ đạt 96,5% so với thực hiện năm 2022. Phân tích sâu hơn về cơ cấu thu NSNN 2023 thì thu nội địa vượt 10,1% dự toán, tăng 1,7% so với thực hiện năm 2022. Nếu không kể thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết có 48/63 địa phương hoàn thành và vượt mức dự toán thu 2023; 29/63 địa phương tăng thu so thực hiện năm 2022. Thu từ dầu thô vượt 47,5% (19,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tuy nhiên vẫn giảm 20,6% so với năm 2022. Giá dầu bình quân khoảng 88 USD/thùng, tăng 18 USD/thùng so dự toán (70 USD/thùng). Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 91,8% (giảm 19,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, giảm 23,1%% so với năm 2022, chủ yếu do tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có thuế năm 2023 ước giảm khoảng 13,9% so với thực hiện năm 2022.
Nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, ngoài việc tăng dự toán cho chi đầu tư, trong Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2023, Quốc hội đã cho phép từ ngày 01/7/2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Theo ước tính của Bộ Tài chính đến hết ngày 31/12/2023, chi NSNN cả năm 2023 ước đạt 1.731,9 nghìn tỷ đồng, bằng 83,4% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 79,8% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 81,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 87,6% dự toán; chi thường xuyên đạt 90,3% dự toán. Mặc dù, số liệu cuối cùng về chi đầu tư sẽ còn được cập nhật sau giai đoạn chỉnh lý NSNN đến hết tháng 1/2024 song để đạt được trên 90% dự toán là thách thức không nhỏ.
Đánh giá chính sách tài khóa năm 2023 và vấn đề đặt ra cho 2024
Hình 2: Tỷ lệ thực hiện các khoản chi ngân sách nhà nước so với dự toán năm giai đoạn 2006-2023
Chính sách tài khóa năm 2023 của Việt Nam qua một loạt nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn này được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý của Chính phủ đã góp phần tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước có nhiều khó khăn. Đánh giá khái quát về các chính sách tài khóa 2023 có thể thấy một số kết quả nổi bật như sau:
Thứ nhất, các gói hỗ trợ giảm thuế, nhất là thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã có tác dụng tốt với việc kiềm chế lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2021-2023, trung bình vẫn ở mức 3,25% và là năm thứ 10 liên tiếp được kiểm soát theo mục tiêu trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang đối mặt với lạm phát cao trong giai đoạn này.
Thứ hai, gói hỗ trợ tài khóa đã góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam (góp phần vào tăng trưởng năm 2023 ước đạt hơn 5%). Ngân sách các cấp đã chủ động đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 1/7/2023. Số liệu về chi tiêu dùng cho thấy năm 2023, chi tiêu cuối cùng của khu vực nhà nước ước tăng 3,7 % so cùng kỳ, cao hơn mức tăng tiêu dùng chung. Điều này là một phần từ việc tăng lương cho cán bộ, công chức và người về hưu vào tháng 7/2023.
Mặc dù, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng nhưng xét chung cả giai đoạn 2020 - 2023, tỷ lệ chi tiêu công của Việt Nam khi so với GDP vẫn đang giảm đi.
Thứ ba, đến cuối năm 2023, dư nợ công ước khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 (60% GDP). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách khoảng 17,5% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài quốc gia gần 6,9% kim ngạch xuất nhập khẩu. Việc duy trì tính bền vững của nợ công cho thấy vẫn còn dư địa tài khóa để thực hiện chính sách tài khóa ứng phó với biến động chu kỳ.
Hình 3: Quy mô chi ngân sách nhà nước so sánh với các quốc gia đang phát triển
Tuy nhiên, phân tích chính sách tài khóa năm 2023 và dự toán ngân sách 2024 cho thấy, Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Thứ nhất, ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp. Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội, nhưng triển khai trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng cả về phía người mua và doanh nghiệp.
Thứ hai, chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân vẫn chậm, cả năm khó có thể đạt 90% dự toán. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi KT-XH vẫn chưa thể giải ngân. Chi đầu tư cho các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng với phát triển kinh tế xã hội như điện lực, y tế vẫn còn khá chậm chạp. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế không chỉ của giai đoạn 2023-2025 mà cả trong dài hạn.
Thứ ba, Chương trình hỗ trợ và phục hồi KT-XH theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế chính trị thế giới như xung đột Nga – Ukraine, tình hình lạm phát toàn cầu. Do vậy, cần phải có những điều chỉnh trước những biến động của bối cảnh mới. Tuy nhiên, dường như, chính sách tài khóa vẫn còn khá thận trọng khi xu hướng chung là ít thay đổi qua các năm. Thận trọng là cần thiết song quá thận trọng sẽ không có lợi khi chi tiêu chính phủ được coi là động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay.
Thứ tư, vấn đề dự báo thu và chấp hành chi ngân sách cho đầu tư vẫn luôn là thách thức. Việc dự báo thận trọng là cần thiết song quá thận trọng có thể khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa của mình. Số liệu về kế hoạch tài chính trung hạn - NSNN 3 năm 2022-2024, dự kiến đạt tỷ lệ huy động vào NSNN bình quân khoảng 15,1% GDP (từ thuế, phí gần 13%). Nếu quy đổi theo GDP (cũ) thì quy mô thu NSNN giai đoạn 2022-2024 tương đương khoảng 18,5% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2015-2019 là 25,1% GDP.
Thứ năm, rủi ro bất ổn từ quá trình thay đổi chính sách vĩ mô toàn cầu trong đó có vấn đề chuyển đổi mô hình tiêu dùng và xung đột khu vực. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế (IMF, EU, OECD, WB), tăng trưởng kinh tế năm 2023 của hầu hết các quốc gia đều thấp hơn năm 2022 và thấp hơn mức kỳ vọng. Dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 tiếp tục giảm so với năm 2023. Các nền kinh tế phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái kinh tế tiếp tục tăng ở mức đáng kể, từ mức tăng trưởng 2,6% vào năm 2022 xuống còn 1,5% vào năm 2023 và tiếp tục giảm xuống 1,4% vào năm 2024, chủ yếu là do tác động từ các biện pháp siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ có mức suy giảm kinh tế ít nghiêm trọng hơn. IMF dự báo, nhóm các nước này sẽ có mức tăng trưởng giảm từ 4,1% vào năm 2022 xuống còn 4% cả vào năm 2023 và 2024.
Ở trong nước, tuy thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng động lực truyền thống còn yếu, động lực mới chưa rõ ràng nên năm 2024 dự báo kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động từ sự suy giảm của nền kinh tế thế giới dồn nén từ thời đại dịch COVID-19 tới nay nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam ít nhất trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực, khả quan hơn. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tích cực hơn nếu các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế.
Một số gợi ý chính sách tài khóa cho năm 2024 và trung hạn đến 2030
Hình 4: Thay đổi hàng năm của thâm hụt ngân sách (%)
Với thực tế nêu trên, bài viết đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp chính sách cho năm 2024 và trung hạn đến năm 2030 như sau:
Thứ nhất, cần có giải pháp chính sách nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán.
Với dự toán thu NSNN, việc lập dự toán thận trọng là cần thiết song nếu quá thận trọng cho thấy những vấn đề nhất định với quản lý tài chính công. Dự toán tổng thu NSNN năm 2024 chỉ bằng 97%, thu nội địa chỉ bằng 98,3% con số ước thực hiện năm 2023 cho thấy điều này. Trong bối cảnh kinh tế năm 2024 dự kiến tăng trưởng 6-6,5% và lạm phát dưới 4% thì việc lập dự toán quá thận trọng cũng sẽ có những tác động đến việc lập dự toán chi NSNN năm 2024. Theo dự toán NSNN năm 2024, tổng chi NSNN là 2.119.428 tỷ đồng, trong đó: chi đầu tư phát triển là 677.349 tỷ đồng và chi thường xuyên: 1.175.720 tỷ đồng. So sánh với dự toán NSNN năm 2023 thì dự toán chi cân đối NSNN năm 2024 tăng chỉ 2% nhưng nếu so với con số ước thực hiện hết tháng 12/2023 thì tăng đến 22,3% trong đó chi thường xuyên tăng 14,5% (một phần do dự kiến tăng lương và trợ cấp xã hội trong năm 2024) và chi đầu tư tăng 16,8%.
Số liệu cho thấy việc lập dự toán và chấp hành dự toán là vấn đề còn hạn chế ở nhiều đơn vị khi mà số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao (tỷ lệ này giảm đi đôi chút vào giai đoạn 2012-2014 và lại tăng cao trở lại vài năm gần đây). Khi ngân sách chuyển nguồn quá lớn lên thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư.
Thứ hai, bối cảnh KT-XH giai đoạn 2024-2025 có vai trò quan trọng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 nên chính sách tài khóa cần những thay đổi để phù hợp với tình hình mới.
Chính sách tài khóa cần các các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế. Cần tiếp tục các chính sách tài khóa nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa. Trong đó cần mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội. Tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, lương tăng sẽ kích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu. Hiện Chính phủ và các đơn vị có quỹ dự phòng tăng lương rất cao. Nếu tiếp tục trì hoãn thực hiện tăng lương thì vừa giảm hiệu quả của chính sách tăng lương, lại giảm hiệu quả của chi tiêu chính phủ với tăng trưởng.
Việt Nam có thể xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí hỗ trợ doanh nghiệp, để kích cầu. Việc Quốc hội đồng ý tiếp tục giảm 2% thuế GTGT đến hết ngày 30/6/2024 là chính sách hợp lý, và nếu cần có thể xem xét kéo dài thêm đến hết năm 2024. Trên thực tế, việc giảm thuế và phí 2 năm (2022 và 2023) nhưng tổng thu ngân sách vẫn hầu như không ảnh hưởng. Cần chấp nhận thâm hụt NSNN cao hơn trong giai đoạn khó khăn, hay nói cách khác là áp dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ một cách chủ động.
Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt cần chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng "no dồn, đói góp” trong chi đầu tư. Trong đó, cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng. Có thể xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cho nhà ở xã hội sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp và hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…
Thứ ba, điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi trong ngân sách nhà nước.
Chi đầu tư cho xây mới là quan trọng nhưng chi đầu tư cho cải tạo, nâng cấp và đặc biệt là chi thường xuyên cho duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng cũng rất cần thiết. Việc cắt giảm chi thường xuyên một cách máy móc sẽ làm giảm hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, giảm chi thường xuyên một cách máy móc nhất là ở các địa phương dễ có nguy cơ làm trầm trọng hơn các vấn đề về thiếu biên chế cho ngành Y tế, Giáo dục hiện nay.
Thứ tư, vấn đề huy động nguồn ngân sách và vay nợ.
Để huy động nguồn có thể xem xét đẩy nhanh việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối. Trong giai đoạn hiện nay, có thể chấp nhận bội chi cao và vay nợ nhiều hơn trong ngắn hạn là để có không gian tài khóa tốt hơn cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội. Việc Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam cũng là cơ hội tốt để huy động các nguồn vốn với lãi suất thấp hơn. Tính toán của Vũ Sỹ Cường (2023) cho thấy, Việt Nam được đánh giá có năng lực quản trị nợ ở mức trung bình khá và các chỉ tiêu về an toàn nợ công được đánh giá khá tốt nên Việt Nam còn dư địa tài khóa cho việc thực hiện các chính sách hỗ trợ trong giai đoạn 2024-2025.
Thứ năm, trong trung và dài hạn, cần cải cách khuôn khổ thể chế về quản lý tài chính ngân sách cả chính sách về thu và chi.
Thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp cho thấy nguồn thu của Việt Nam đang dựa nhiều vào thuế tiêu dùng (chủ yếu là thuế GTGT). Vì vậy, cần có những điều chỉnh về chính sách thuế để đảm bảo tính ổn định và bền vững về nguồn thu. Về ngắn hạn, các chính sách thuế cần điều chỉnh là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế TNCN. Số liệu cũng cho thấy vai trò hạn chế của thuế liên quan đến tài sản như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và nông nghiệp. Vì vậy, trong trung hạn Việt Nam cần nỗ lực để có thể ban hành loại thuế bất động sản phù hợp thay vì chỉ tăng các loại thuế đánh vào tiêu dùng. Việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn, nhất là khi đối phó với dịch bệnh vì vậy cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, nhất là trong bối cảnh đang có sự cải cách mạnh mẽ về cơ chế tiền lương cho cán bộ, công chức.
Kết luận
Thực hiện tốt chính sách tài khóa năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự có những đột phá về mô hình tăng trưởng và nhiều thách thức từ bên ngoài là nhiệm vụ rất khó khăn song về cơ bản Chính phủ đã vượt qua thách thức và đạt được những thành công nhất định. Năm 2024-2025 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần chủ động sử dụng chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy các động lực tăng trưởng giai đoạn 2024-2025. Tuy nhiên, chính sách tài khóa cần phải được sử dụng cùng với các chính sách kinh tế khác và với quá trình cải cách thể chế chung mới có thể phát huy hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Tài chính (nhiều năm), Dự toán và quyết toán NSNN;
- Vũ Sỹ Cường (2016), Chính sách tài khóa và tăng trưởng kinh tế: tổng hợp từ nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm, Tạp chí Kinh tế tài chính;
- Vũ Sỹ Cường (2023), Bàn về chính sách tài khóa tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2022-2025, Diễn đàn kinh tế xã hội của Quốc hội;
- ADB (2023), Asian Development Outlook (ADO) 2023, 07/2023;
- IMF (2023), “Fiscal Monitor –A Climate Crossroads: Fiscal Policies in a Warming World” Washington DC. 10/2023;
- Leeper, Eric M. (1991), "Equilibria under 'Active' and 'Passive' Monetary and Fiscal Policies". Journal of Monetary Economics. 27 (1): 129−147;
- World Bank (2023), Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, tháng 11/2023.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và không phải của cơ quan nơi tác giả làm việc