Chính sách tài khóa chủ động, tích cực ứng phó đại dịch Covid-19, hỗ trợ tăng trưởng
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ tiếp tục xác định “mục tiêu kép” vừa tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Chính sách tài khóa đã được điều hành theo hướng chủ động, tích cực ứng phóvới đại dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các chính sách khác để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, qua đó, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu trên. Bài viết phân tích những nỗ lực và hiệu quả của chính sách tài khóa nhằm chủ động thực hiện “mục tiêu kép” trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021, trên cơ sở đó, nhận diện một số thách thức và kiến nghị giải pháp.
Thực hiện miễn, giảm và giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước
Để ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Quốc hội, ban hành nhiều chính sách miễn, giảm một số khoản thuế, phí, lệ phí và giãn thời hạn nộp thuế và các khoản thu NSNN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân. Các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã có tác động tích cực và được cộng đồng DN đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) và duy trì tăng trưởng kinh tế. Cụ thể:
Thứ nhất, miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch Covid-19 (Quyết định số 155/QĐ-BTC ngày 7/2/2020) và miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư, nguyên liệu đầu vào của các DN da giày, dệt may, nông nghiệp, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020).
Bên cạnh đó, lệ phí môn bài cũng được miễn đối với hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu tham gia hoạt động SXKD trong năm đầu; cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động SXKD có doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống (Nghị định số 22/2020/ NĐ-CP ngày 24/02/2020). Đồng thời, Nghị quyết số 107/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội đã kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025.
Thứ hai, rà soát cắt giảm một số khoản thuế (thuế thu nhập cá nhân (TNCN), thuế thu nhập DN (TNDN), thuế bảo vệ môi trường), phí và lệ phí để hỗ trợ người dân và DN.
Về ưu đãi thuế, thực hiện nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN cho người nộp thuế và người phụ thuộc (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 ngày 2/6/2020) và giảm 30% sốthuếTNDN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác có tổng doanh thu chịu thuế năm 2020 không quá 200 tỷ đồng (Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020).
Trong 6 tháng đầu năm 2021, để hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất và xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.
Ngoài ra, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã hai lần điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay: (i) Giảm 30% từ tháng 8/2020 đến hết năm 2020 (Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020); và (ii) Tiếp tục mức giảm 30% đến hết năm 2021 (Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020).
Về các ưu đãi phí và lệ phí, để ứng phó với đại dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã chủ trì và chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành 21 thông tư giảm phí, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 với thời hạn giảm kéo dài hết ngày 31/12/2020. Cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 112/2020/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí, trong đó, có 29 khoản phí, lệ phí tiếp tục được giảm từ 50 – 100% từ tháng 1/2021 đến hết tháng 6/2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp DN, người dân vượt qua khó khăn, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19.
Theo đó, có 30 khoản phí, lệ phí được giảm từ 50% đến 90% nhằm hỗ trợ cho DN, người dân vượt qua khó khăn. Thông tư số 47/2021/TT-BTC sẽ tiếp tục gia hạn thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến 31/12/2021 cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với số giảm thu trong 6 tháng ước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Về các khoản thu NSNN khác, thực hiện giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng SXKD do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020).
Thứ ba, gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN, thuế TTĐB) và các khoản thu ngân sách.
Các DN chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 với thời hạn gia hạn 5 tháng (Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020). Các cá nhân của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh cũng được gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNCN đối với số tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2020 chậm nhất vào ngày 31/12/2020.
Thời hạn nộp thuế TTĐB đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cũng được gia hạn theo Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 của Chính phủ. Kết quả, triển khai thực hiện Nghị định số 41/2020/NĐ-CP và Nghị định số 109/2020/NĐ-CP, trong năm 2020, cơ quan thuế đã thực hiện gia hạn cho khoảng 184.900 lượt người nộp thuế với tổng số tiền thuế, tiền thuê đất đã gia hạn khoảng 87.300 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành đạt khoảng 123,6 nghìn tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, để tăng cường hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch bệnh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 (từ 3 đến 6 tháng). Đây là lần thứ 3 Chính phủ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo đề xuất của Bộ Tài chính để hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thêm nguồn lực tài chính giúp DN duy trì và khôi phục sản xuất. Dự kiến, tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP là 115.000 tỷ đồng. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện gia hạn 21 nghìn tỷ đồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí; qua đó giúp DN, người dân giảm bớt khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Thực hiện chính sách chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, ưu tiên chi cho phòng, chống dịch Covid-19
Để ứng phó với đại dịch, chính sách chi NSNN đã được điều hành theo hướng chặt chẽ, tiết kiệm, đồng thời, ràsoát hoàn thiện nhằm đảm bảo đời sống an sinh xãhội cho người dân, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho DN cũng như tăng cường đầu tư tạo nền tảng cơ sởvật chất cho phát triển kinh tế. Cùng với đó, NSNN đảm bảo đáp ứng các nhiệm vụ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội; Chi đầu tư từ NSNN được đẩy mạnh.
Theo đó, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ đối với cơ sởy tế, hỗ trợ người dân, hỗtrợcông chức, viên chức tham gia phòng, chống và cách ly dịch bệnh. Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid- 19 đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về các định mức hỗ trợ đối với người bị cách ly y tế, chế độ phụ cấp chống dịch; chế độ đối với phụ cấp chống dịch 24/24h, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch hiệu quả, kịp thời, an toàn.
Bên cạnh đó, thực hiện hoãn thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 01/7/2020 nhằm chia sẻ khó khăn với Nhà nước và người lao động nói chung. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/ NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗtrợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; hỗ trợ thêm cho một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch.
Tính chung trong năm 2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ 12,95 triệu người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. NSTW đã sử dụng gần 12,4/17,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, đầu tư các dự án khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai...
Các địa phương cũng đã chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng NSĐP, quỹ dự trữ tài chính và nguồn cải cách tiền lương còn dư của địa phương để chi cho công tác phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, đã xuất cấp 36,57 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm. Đây là mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, chi NSNN tiếp tục được ưu tiên cho phòng, chống dịch, theo đó, Nhà nước hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp (Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg ngày 31/3/2021). Đồng thời, các địa phương chủ động sắp xếp điều chỉnh nhiệm vụchi NSNN phù hợp với khả năng thu NSĐP để đảm bảo các ưu tiên trong thực hiện chi phòng, chống dịch Covid-19 và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thực hiện để đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, NSTW cũng đưa ra những ưu tiên hỗ trợ đối với NSĐP nhằm cho việc hỗ trợ được xuyên suốt, đảm bảo ổn định một phần đời sống của người dân. Tổng số kinh phí đã cắt giảm, tiết kiệm được của ngân sách trung ương năm 2020 là 49,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,6% dự toán Quốc hội giao. Trong nửa đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xuất cấp 14,6 nghìn tấn gạo và vật tư, trang thiết bị dự trữ quốc gia để hỗ trợ một số địa phương cứu đói cho người dân và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Ngoài ra, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 còn diễn biến phức tạp khiến vắc-xin trở thành giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 779/ QĐ-TTg ngày 26/5/2021 thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 Việt Nam để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Thách thức đặt ra và đề xuất, kiến nghị
Việc thực hiện CSTK chủ động, linh hoạt và chặt chẽ cùng với thực hiện chủ trương cơ cấu lại NSNN và quản lý nợ công từ trước khi xảy ra đại dịch Covid -19 đã góp phần củng cố khả năng chống chịu của NSNN, của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện mục tiêu kép “vừa tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển KT-XH”.
Cụ thể, thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 đạt kết quả tích cực, các khoản thu từ hoạt động SXKD đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 18% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quảthực hiện 5 tháng đãgia hạn 21 nghìn tỷđồng tiền thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm 2,46 nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệphí; qua đó giúp DN, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều hành CSTK vẫn gặp một số thách thức khi dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp; Một số khoản thu NSNN đạt thấp, dư địa tăng thu NSNN ngày càng hạn chế, nợ đọng thuế của DN chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, áp lực chi NSNN trong thời gian tới sẽ lớn do phải thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa thúc đẩy phát triển SXKD, vừa phải đảm bảo nguồn lực để trả các khoản nợ đến hạn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là vốn đầu tư ngoài nước…
Năm 2021 là năm bản lề và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021- 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế- xãhội 5 năm (2021- 2025), do đó, để hỗ trợ người dân, DN và nền kinh tế vượt qua khó khăn và hoàn thành các mục tiêu tài chính - ngân sách đã đặt ra, CSTK tiếp tục được điều hành theo hướng chủ động, chặt chẽ. Một số giải pháp cần được quan tâm như sau:
Một là, điều hành CSTK chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Hai là, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thu NSNN theo hướng bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần tăng sức chống chịu, bảo đảm an ninh NSNN. Hoàn thiện chính sách thu phù hợp với trình độ phát triển và mở cửa nền kinh tế, đảm bảo tỷ trọng thu nội địa, tỷ trọng giữa thuế trực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý, hướng đến thiết lập một cơ cấu thu NSNN bền vững...
Ba là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, tạo điều kiện thuận lợi về mặt thủ tục cho các DN, hộ, cá nhân kinh doanh khi kê khai các thủ tục giãn thuế; cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ tốt cho người nộp thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, thu hồi nợ đọng thuế.
Bốn là, chủ động cân đối, đảm bảo đầy đủ nguồn lực NSNN, huy động tài trợ đóng góp tự nguyện từ cộng đồng DN, người dân trong và ngoài nước mua vắc-xin và cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia để ứng phó kịp thời các tình huống đột xuất, cấp bách.
Năm là, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ; Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển; Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tài chính (2020), Báo cáo tình hình ngân sách nhà nước hàng tháng và Báo cáo Hội nghị ngành Tài chính năm 2020;
2. NEU & JICA (2020), “Đánh giá các chính sách ứng phó với Covid-19 và Kiến nghị”, tháng 12/2020;
3. http://baochinhphu.vn/; https://www.mof.gov.vn.
(*) TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính.
(**) Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.