Tiếp tục phát huy vai trò của chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô

Văn Trường (T/h)

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam còn dư địa tài khóa và tiền tệ để tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề để tạo thêm lòng tin của thị trường, nhà đầu tư, cũng như “thúc” doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này giúp nền kinh tế Việt Nam “bứt tốc” mạnh mẽ sau một thời gian bị “nén lại” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Việt Nam còn dư địa tài khóa và tiền tệ để tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
Việt Nam còn dư địa tài khóa và tiền tệ để tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

“Bức tranh” kinh tế khởi sắc

Số liệu 9 tháng năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

“Điểm sáng” trong bức tranh kinh tế là GDP quý III đạt mức tăng tới 13,67% so với cùng kỳ năm 2021, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng lên 8,83% - mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2011 - 2022. Với kết quả khả quan này, tăng trưởng kinh tế cả năm nay nhiều khả năng sẽ vượt xa so với mục tiêu đặt ra.

Phân tích kỹ hơn về tình hình kinh tế 9 tháng, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho hay, nhiều ngành, lĩnh vực đã khôi phục và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Kinh tế tăng trưởng trên cả 3 khu vực, như: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,63%; khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 10,57% cho thấy rõ sự phục hồi của nền kinh tế.

Đáng chú ý là Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, lạm phát và thương mại quốc tế. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm từ 2018 đến 2021. Kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt gần 559 tỷ USD, tăng 15,1%, xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp khởi sắc, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt hơn 163.000, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2021 cho thấy, xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh khá tích cực, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp vào việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Chỉ rõ nguyên nhân kinh tế nước ta khởi sắc trong 9 tháng qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế bắt nguồn từ việc điều hành chủ động linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Thêm vào đó, môi trường kinh doanh cải thiện tích cực đã tạo sự tin tưởng, ủng hộ của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở khía cạnh khác, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho hay, yếu tố tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế là do cộng hưởng từ kết quả giải ngân vốn đầu tư. Khi tỷ lệ giải ngân từ đầu năm đến hết tháng 9/2022 đạt 46,7% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

“Con số này tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 về tỷ lệ phần trăm (cùng kỳ là 47,38%) nhưng số tuyệt đối cao hơn năm trước gần 35.000 tỷ đồng. Điều này là do tổng lượng vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn tổng lượng vốn đầu tư công năm 2021 nên tỷ trọng phần trăm có thể thấp hơn, nhưng con số tuyệt đối về giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cao hơn so với năm 2021 là 16%”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lý giải.

Đảm bảo cân đối thu - chi NSNN góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Đóng góp vào "bức tranh" tăng trưởng của cả nước, có điểm sáng của công tác điều hành, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN).

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 9 tháng năm 2022 ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó: thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 213% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán.

Đạt được số thu NSNN khả quan trên là do Bộ Tài chính đã chủ động bám sát tình hình, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời, đồng bộ chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu; đẩy mạnh thu hoạt động kinh doanh bất động sản, thương mại điện tử; cải cách hành chính và hiện đại hóa tăng cường ứng dụng điện tử, triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, tăng cường số hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực thuế, hải quan... qua đó, góp phần tăng thu cho NSNN.

Bên cạnh nhiệm vụ thu NSNN, Bộ Tài chính đã bố trí chi NSNN đáp ứng kịp thời các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, 9 tháng năm 2022, tổng chi NSNN đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán Quốc hội quyết định; chi trả nợ lãi ước đạt 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt 68,3% dự toán.

Các nhiệm vụ chi NSNN 9 tháng năm 2022 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Nhìn chung, cân đối thu - chi NSNN trong thời gian qua đã được triển khai thực hiện tốt, đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thêm vào đó, tỷ lệ nợ công giảm, duy trì dưới ngưỡng Quốc hội cho phép... Những yếu tố này tạo thêm dư địa cho chính sách tài khóa trong phục hồi và phát triển kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Phát huy tốt dư địa của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Việt Nam còn dư địa tài khóa và tiền tệ để tiếp tục theo đuổi mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đặc biệt, việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô là tiền đề để tạo thêm lòng tin của thị trường, nhà đầu tư, cũng như “thúc” doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này giúp nền kinh tế Việt Nam “bứt tốc” mạnh mẽ sau một thời gian bị “nén lại” do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đánh giá về những nỗ lực của Bộ Tài chính trong điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, ở khía cạnh chính sách, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước điều hành các chính sách vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ trên cả 2 góc độ: vừa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, vừa giữ ổn định kinh tế vĩ mô; nhờ đó, tạo điều kiện tăng dư địa, linh hoạt của chính sách tiền tệ.

"Bộ Tài chính đã duy trì, cải thiện được vị thế của ngân sách nhà nước khi điều hành, duy trì tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức tương đối thấp; giảm tỷ lệ nợ công dưới ngưỡng rủi ro", Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nói.

Nhìn nhận về hiệu quả của chính sách tài khóa chi hỗ trợ cho lĩnh vực y tế, an sinh xã hội, PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là giải pháp rất trúng, rất đúng và kịp thời, nên đem lại lợi ích to lớn cả trước mắt và lâu dài cho nền kinh tế.

PGS., TS. Nguyễn Thị Mùi cũng đánh giá cao sự vào cuộc của Bộ Tài chính và cho rằng việc triển khai chính sách tài khóa là kịp thời, hiệu quả, có tác động mạnh, độ lan toả rộng, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh của DN và ổn định cuộc sống của người lao động.

“Chính sách tài khóa được cho là chính sách tiên phong hỗ trợ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế. Sở dĩ đưa ra nhận định này là vì chính sách tài khóa đã “thẩm thấu” hỗ trợ hiệu quả các đối tượng, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, PGS.,TS. Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) nhận định.

Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa đối với nền kinh tế, các chuyên gia khuyến nghị, cần tập trung đẩy nhanh gói tài khóa, tiền tệ đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo đúng tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.

Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh giải ngân các gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gói hỗ trợ về lĩnh vực y tế. Đẩy mạnh giám sát việc giải ngân vốn đầu tư công và có những động thái mạnh mẽ hơn theo hướng ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có tiến độ thực hiện dự án tốt.

Đưa ra khuyến nghị cụ thể hơn, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế cho rằng, yếu tố tiên quyết để phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa để góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là việc thực thi triển khai các giải pháp trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế để nhanh chóng đi vào cuộc sống. Cùng với đó, việc triển khai chính sách tài khoá cần bám sát tình hình thực tiễn để có điều chỉnh nếu cần thiết.

Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, cần tiếp tục phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát khoảng 4% năm nay và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát, cũng là để ổn định kinh tế vĩ mô và vẫn đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như đã đề ra.

Có thể khẳng định, Việt Nam đang còn dư địa tài khóa và tiền tệ để tiếp tục theo đuổi mục tiêu vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, vừa ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Đó là cách “lấy bất biến" để "ứng vạn biến”, lấy ổn định vĩ mô ứng phó với biến động mạnh từ tình hình kinh tế, chính trị không thuận lợi trên thế giới hiện nay.