Chính sách thuế thương mại điện tử tại một số nước và gợi ý cho Việt Nam

ThS. ĐỖ THỊ MAI HOÀNG HÀ - Đại học Tài chính Marketing

Những lợi ích mà hoạt động thương mại điện tử đem đến là cơ hội về việc mở rộng thị trường và các kênh phân phối cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội cũng là những thách thức cho cơ quan thuế trong việc quản lý thuế thương mại điện tử. Bài viết phân tích thực trạng chính sách thuế thương mại điện tử ở một số nước, từ đó đưa ra những gợi ý cho Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kinh nghiệm từ một số nước

Trung Quốc

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đến hết năm 2014, ở nước này có hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới. Các giao dịch xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài (Hoa Kỳ 17,2%, Anh 16,3%, Hong Kong 15,8%) được thực hiện bởi các thương nhân Trung Quốc. Từ tháng 7/2013 đến tháng 11/2014, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu của các DN TMĐT đạt lần lượt là 112,4 triệu USD và 118,8 triệu USD. Bên cạnh đó, theo hệ thống giám sát hải quan ước tính, tổng thời gian từ khi đặt hàng, thanh toán cho đến khi kiểm tra và thông quan hàng hóa ở Trung Quốc chỉ chưa tới 5 phút. Thời gian nhanh chóng khiến hoạt động buôn bán TMĐT có tiềm năng phát triển tại nước này.

Trong bối cảnh cần tăng cường nguồn thu ngân sách nhà nước, Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy việc quản lý các khoản thuế đối với hoạt động TMĐT, đặc biệt với hoạt động xuất, nhập khẩu. Ngày 30/12/2013, Bộ Tài chính Trung Quốc đã phối hợp với cơ quan quản lý thuế ban hành Thông tư số 89 về chính sách thuế cho xuất khẩu bán lẻ hàng hóa TMĐT xuyên biên giới, có hiệu lực kể từ 1/1/2014. Theo đó, hoàn thuế, miễn thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ dành cho hàng xuất khẩu của những DN bán lẻ TMĐT nếu DN đáp ứng được điều kiện sau:

- Là người đóng thuế và có giấy xác nhận được giảm hoặc miễn thuế bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Có tờ khai hàng hóa xuất khẩu (chỉ dùng cho mục đích hoàn thuế xuất khẩu) đối với hàng hóa xuất khẩu. Thông tin trên tờ khai này phải tương thích với các thông tin điện tử đi kèm;

- Đã nhận được ngoại tệ đối với hàng xuất khẩu trước khi hết hạn thời gian ghi trong tờ khai hoàn thuế (miễn thuế);

- Nếu đó là DN ngoại thương thì cần có hóa đơn giá trị gia tăng và biên lai thu thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho hàng xuất khẩu đã mua (hoặc hóa đơn thanh toán thuế giá trị gia tăng và biên lai thu thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho hàng nhập khẩu). Các nội dung trong các phiếu giảm giá (voucher) phải phù hợp với các thông tin liên quan trong tờ khai xuất khẩu.

Đối với các DN xuất khẩu TMĐT không đáp ứng những yêu cầu trên thì có thể miễn trừ thuế nếu như đáp ứng các điều kiện sau: đã hoàn tất đăng ký thuế; đã hoàn thành tờ khai xuất khẩu của hải quan; có giấy tờ hợp pháp và có giá trị để chứng minh đã mua hàng hóa để xuất khẩu.

Hàn Quốc

Là một trong những nước có tiềm năng thu hút đầu tư của các nhà phân phối, bán lẻ toàn cầu lớn trên thế giới, Hàn Quốc đã mở rộng các quy định về giá trị tính thuế giá trị gia tăng, trong đó đánh thuế đối với những nội dung số hóa dành cho khách hàng là người Hàn Quốc. Mặt khác, từ ngày 1/7/2015, các nhà cung cấp dịch vụ điện tử ở nước này sẽ bị tính 10% thuế giá trị gia tăng trên doanh số bán hàng cho khách hàng là người Hàn Quốc, bất kể họ có hiện diện tại Hàn Quốc hay không.

Cụ thể là, các nhà cung cấp dịch vụ điện tử và nhà cung cấp trung gian thứ ba đều có trách nhiệm nộp thuế. Ví dụ: Bên thứ ba là các nhà hoạt động thị trường ứng dụng như Google Play và Apple sẽ phải thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng cho phần doanh thu phát sinh của mình. Trước đây, các nhà cung cấp nội địa phải chịu 10% tiền thuế giá trị gia tăng, trong khi các nhà cung cấp ở nước ngoài thì không phải trả thuế giá trị gia tăng. Trong trường hợp này có sự bất bình đẳng giữa các nhà cung cấp, vì vậy các cơ quan hữu quan đang cố gắng để tạo sự bình đẳng giữa các chủ thể trong và ngoài nước trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Theo đó, một số điểm chính trong quy định mới này là:

Một là, đơn giản hóa quy trình đăng ký kinh doanh. Cơ quan thuế Hàn Quốc sẽ giảm thiểu các thủ tục đăng ký và cụ thể hóa các yêu cầu tại trang điện tử của cơ quan thuế. Các đơn vị kinh doanh có thể tải mẫu đăng ký trên trang điện tử http://nts.go.kr/eng và nộp thông qua thư điện tử email. Đối với những DN có ngày hoạt động đầu tiên vào trước 1/7/2015 thì người nộp thuế có thể làm thủ tục đăng ký với cơ quan thuế vào ngày 20/7/2015 (trong trường hợp này, các hoạt động kinh doanh được coi là bắt đầu từ ngày 1/7/2015 và người trả thuế có 20 ngày để hoàn thành thủ tục đăng ký này). Mục đích của hoạt động này là nhằm quản lý các cơ sở kinh doanh trong và ngoài nước đang thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT mà chưa thuộc diện quản lý của cơ quan thuế.

Hai là, tiền nộp thuế giá trị gia tăng: không sử dụng đồng Won của Hàn Quốc. Việc thanh toán các dịch vụ TMĐT có thể thực hiện bằng đồng ngoại tệ, số lượng tiền thanh toán nên được chuyển thành đồng Won theo tỷ giá ngoại tệ cơ bản kể từ ngày cuối cùng của giai đoạn tính thuế liên quan.

Ba là, biện pháp phạt nếu chưa thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng: nếu DN đã nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng nhưng không thanh toán đúng hạn thì đơn vị đó sẽ phải chịu phạt 3% phần thuế giá trị gia tăng chưa thực hiện cùng với thuế phạt bổ sung là 1,2% mỗi tháng kể từ ngày hết hạn.

Để phục vụ tốt công tác quản lý thuế, Cơ quan thuế Hàn Quốc được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin hiện đại. Bên cạnh các cán bộ chuyên ngành về nghiệp vụ thuế, Cơ quan thuế Hàn Quốc còn được hỗ trợ bởi các cán cán bộ công nghệ thông tin trong việc điều tra tội phạm kỹ thuật số; thu thập cơ sở dữ liệu của hệ thống quản lý kế toán và phân tích các cơ sở dữ liệu…

Tại Thành phố Seoul – Trung tâm kinh tế của Hàn Quốc, Cục Thuế Seoul đã thành lập Trung tâm chống trốn thuế công nghệ cao, nhằm phát hiện các trường hợp trốn thuế, thu thập chứng cứ để đấu tranh thông qua việc tìm kiếm, phát hiện các power blog thực hiện mua bán đối với đa số các cư dân mạng trên các trang điện tử… góp phần phòng ngừa trốn thuế hiệu quả.

Ấn Độ

Là nước đứng thứ ba trên thế giới về tốc độ tăng trưởng và thâm nhập của Internet, hoạt động TMĐT tại Ấn Độ đang được kỳ vọng sẽ đạt doanh thu lên tới 70 tỷ USD đến năm 2020.

Bảng: Tốc độ tăng trưởng Internet ở Ấn Độ năm 2014

Số người
sử dụng Internet

Tốc độ tăng trưởng Internet

Mức độ
truy cập Internet

243.198.922

14%

19,19%

Nguồn: Internet Live Stats

Tuy nhiên, hiện Ấn Độ vẫn chưa có chính sách quản lý thuế hoàn chỉnh về hoạt động TMĐT. Cơ chế thuế quản lý chi tiêu tiêu dùng ở nước này hiện nay được đánh giá là phức tạp và kém hiệu quả. Bởi Ấn Độ là nước Cộng hòa Liên bang nên các loại thuế áp dụng ở nước này thường bị chồng chéo, tạo ra áp lực nặng nề lên những người chịu thuế. Năm 2014, Chính phủ Ấn Độ đã tìm cách giải quyết trường hợp trốn thuế của trang bán hàng trực tuyến Amazon. Nước này cấm đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài trong hoạt động TMĐT, nên trang Amazon đã phải áp dụng mô hình kinh doanh khác, thay vì bán sản phẩm của họ thì Amazon cho phép các nhà phân phối thứ ba bán sản phẩm thông qua trang điện tử này và nhận tiền hoa hồng. Đây là thành công lớn của Amazon và các DN TMĐT lớn khác ở Ấn Độ như: Flipkart, Snapdeal và Jabong.

Tuy nhiên, các quy định của pháp luật ở Ấn Độ chưa đáp ứng với yêu cầu của mô hình kinh doanh trực tiếp (online) này, chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp các công ty TMĐT thực hiện cung cấp dịch vụ cho đối tác nước ngoài và mở nhà kho tại thị trường trong nước. Vì vậy, Luật Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST - Goods and Service Tax) được ban hành năm 2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/04/2016 đang được kỳ vọng trở thành động lực cho khu vực TMĐT, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Động thái này của Chính phủ Ấn Độ nhằm giải quyết những khó khăn và những “lỗ hổng” trong quản lý thuế TMĐT. Bởi hiện mỗi bang ở Ấn Độ có luật thuế riêng nên GST sẽ giúp đem tới một hệ thống thuế chung, thay thế hầu hết các khoản thuế gián thu bằng một loại thuế đơn nhất với mức thuế suất giảm, từ 18% - 22%. Thuế đã trả ở bang trước được coi là nguồn tín dụng đầu vào của doanh nghiệp nên sẽ được khấu trừ ở giai đoạn sau, tránh được tình trạng cùng một hàng hóa dịch vụ nhưng phải chịu nhiều loại thuế.

Một số gợi ý cho Việt Nam

Với đặc thù về dân số trẻ, khả năng tiếp cận Internet lớn, nên hoạt động kinh doanh TMĐT sẽ có chiều hướng phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm tới. Vì vậy, giải pháp quản lý hiệu quả TMĐT, tránh thất thu cho NSNN và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng là yêu cầu cấp thiết. Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay thì kinh nghiệm quản lý thuế TMĐT của một số nước sẽ là bài học hữu ích cho Việt Nam.

Thứ nhất, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách quản lý hoạt động giao dịch điện tử

Ở Việt Nam hiện nay có hệ thống pháp luật quản lý hoạt động giao dịch TMĐT như: Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 57/2006/NĐ-CP về TMĐT, Nghị định số 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/02/2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính… Từ năm 2012 đến nay, hoạt động TMĐT ở Việt Nam phát triển nhanh và đa dạng đồng thời cũng xuất hiện những mô hình mang danh nghĩa TMĐT thu hút đông người tham gia, song vẫn còn một số bất cập, hạn chế trong việc quản lý chống thất thu thuế. Khắc phục vấn đề này, ngày 16/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT thay thế cho Nghị định 57/2006/NĐ-CP về TMĐT. Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định những hành vi bị cấm trong TMĐT, quy định chặt chẽ trách nhiệm của các thương nhân cung cấp các dịch vụ bán hàng trực tuyến, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho TMĐT, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng khi tham gia mua sắm trực tuyến.

Các văn bản chính sách trên đã phần nào đáp ứng được yêu cầu từ thực tiễn của hoạt động TMĐT ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước tốc độ phát triển của giao dịch TMĐT ở Việt Nam, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý trong Luật TMĐT, Luật Công nghệ thông tin nhằm quản lý tiến trình giao dịch trên mạng, làm cơ sở pháp lý để điều chỉnh hoạt động giao dịch TMĐT. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các văn bản đã ban hành. Đặc biệt, trong quá trình triển khai cần chú ý đến các hoạt động hướng dẫn, phổ biến để mọi người hiểu đúng chính sách và thực hiện tốt.

Thứ hai, tăng cường quản lý của Nhà nước

Cơ quan Thuế và các cơ quan hữu quan cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với nhau để quản lý các giao dịch TMĐT hiệu quả để tránh thất thu NSNN, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN. Cùng với đó, thường xuyên thanh tra, giám sát các hoạt động này tại các ngân hàng, các trang điện tử mua bán trực tuyến để tránh tình trạng trốn thuế của DN.

Thứ ba, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin

Cần có biện pháp đầu tư xây dựng hạ tầng truyền thông mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ internet, tăng tốc độ đường truyền, tránh tình trạng nghẽn mạch, đảm bảo tính bảo mật đường truyền cao. Xây dựng hạ tầng cơ sở về thông tin: Trung tâm chứng thực (CA), hạ tầng thanh toán điện tử, cổng thanh toán…tạo điều kiện khuyến khích các nhà cung cấp giải pháp an ninh mạng phát triển.

Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trên lĩnh vực an ninh mạng

Hiện nay, quy mô cũng như khả năng lan rộng các nguy cơ mất an toàn thông tin không chỉ gói gọn trong phạm vi một quốc gia, do đó cần có sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng. Giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng này là tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và trên thế giới để xây dựng khung chung đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ hạ tầng thông tin trọng yếu. Đồng thời, hợp tác giữa các tổ chức xây dựng chuẩn quốc tế, các chính phủ liên quan tới an ninh mạng nhằm xây dựng văn hóa an ninh mạng, các tiêu chuẩn kỹ thuật, cảnh báo và phản ứng nhanh trước các sự kiện an ninh mạng.