Giải pháp quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử
Ở nước ta đã có chính sách thuế áp dụng đối với kinh doanh thương mại điện tử hay chưa? Các trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trực tuyến phải nộp những loại thuế nào? Việc tổ chức quản lý thu nộp của cơ quan thuế được căn cứ vào đâu?... Đó là những vấn đề sẽ được giải đáp trong bài viết, từ đó đưa ra những giải pháp để hiện thực hóa các chính sách thuế vào thực tế cuộc sống.
Chính sách thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, xu hướng kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam đã và đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. TMĐT cũng là hoạt động kinh doanh được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử, trong đó có các hoạt động như mua bán hàng hóa và dịch vụ qua phương tiện điện tử, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến…
Bên cạnh hoạt động kinh doanh TMĐT trên Website thì gần đây kinh doanh TMĐT trên thiết bị điện thoại di động (Mobile) đã bùng nổ nhanh chóng ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 140 triệu thuê bao di động, trong đó thuê bao di động 3G khoảng 32 triệu thuê bao. Đây chính là tiềm năng để hoạt động TMĐT, bao gồm cả trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến có cơ hội tăng trưởng doanh thu, tăng lợi nhuận cho nhà kinh doanh.
Về nguyên tắc, hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng thì tiền thuế phát sinh từ hoạt động này cũng tăng trưởng tương ứng. Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với kinh doanh TMĐT nói chung, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến nói riêng đang đặt ra nhiều thách thức với cơ quan thuế trong việc xác định doanh thu, chi phí, thu nhập để tiến hành quản lý thu đúng, thu đủ tiền thuế phát sinh đối với hoạt động này vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, các chủ thể kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải khai thuế trước khi bắt đầu tiến hành các hoạt động kinh doanh. Các DN nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ vào Việt Nam cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thì tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước là người mua sẽ phải khai thuế theo từng hợp đồng và khấu trừ nộp thay thuế cho DN nước ngoài. Tuy nhiên, việc đăng ký thuế khi DN nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay chưa được quy định cụ thể do điều này chỉ xảy ra trong TMĐT theo nghĩa hẹp.
Chính sách thuế hiện hành của Việt Nam được điều chỉnh đối với tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm cả kinh doanh thương mại, quảng cáo, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực giải trí... không phân biệt là thương mại truyền thống hay TMĐT.
Khi bắt đầu tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh, các tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đăng ký thuế: Thực hiện kê khai những thông tin của DN hoặc cá nhân theo mẫu quy định và nộp tờ khai cho cơ quan quản lý thuế để bắt đầu thực hiện nghĩa vụ về thuế với Nhà nước. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã thực hiện đăng ký thuế với cơ quan thuế, được cấp mã số thuế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, nay mở rộng thêm hoạt động kinh doanh TMĐT thì chỉ cần khai bổ sung thông tin với cơ quan thuế.
Trong trường hợp các tổ chức, các nhân nước ngoài không hiện diện ở Việt Nam cung cấp các dịch vụ như trò chơi điện tử, quảng cáo trực tuyến qua hệ thống các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử… cho tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân kinh doanh mua dịch vụ của phía nước ngoài tại Việt Nam phải ký hợp đồng với phía nước ngoài, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, thực hiện nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của bên Việt Nam. Bên Việt Nam mua dịch vụ của nước ngoài cũng có trách nhiệm đăng ký thuế với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện nộp thay thuế cho phía nước ngoài trong phạm vi 20 ngày làm việc kể từ khi ký hợp đồng. Việc thực hiện nghĩa vụ cho trường hợp này được áp dụng tại Thông tư số 103/2014/TT- BTC ngày 6/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam và các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế.
Tuy nhiên, các quy định về nghĩa vụ thuế tại Thông tư số 103/2014/TT-BTC được hướng dẫn chung cho tất cả các nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài có phát sinh nghĩa vụ thuế mà chưa có văn bản hướng dẫn đặc thù trong quản lý, kê khai, thu nộp, quản lý thuế riêng cho hoạt động kinh doanh TMĐT: Trò chơi điện tử trực tuyến (game online), quảng cáo trực tuyến, sàn giao dịch TMĐT... nên trong thực tế còn gặp nhiều khó khăn.
Đối với DN kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến (game online), quảng cáo trực tuyến; đăng ký nộp thuế giá trị giá tăng theo phương pháp khấu trừ thuế thì theo chế độ hiện hành; DN phải nộp thuế GTGT theo thuế suất 10% và nộp thuế thu nhập DN theo thuế suất là 22%. Riêng DN có doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm, áp dụng thuế suất thuế thu nhập DN là 20%. Đối với cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến (game online), quảng cáo trực tuyến thực hiện nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5% trên doanh thu; nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức thuế suất 2% trên doanh thu. Đối với trường hợp cá nhân có mức doanh thu không quá 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân.
Tại Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Về kê khai, nộp thuế điện tử trong thời gian qua đã được ngành Thuế quyết liệt triển khai thực hiện và đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến tháng 3/2015, Tổng cục Thuế đã phối hợp với 20 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 18/63 tỉnh, thành phố với khoảng trên 40.500 DN đăng ký và thực hiện nộp thuế điện tử. Có được kết quả này là nhờ vào toàn ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để tiếp cận với loại hình dịch vụ này, DN chỉ việc đăng nhập vào website của Cục thuế nơi DN đăng ký thuế. Theo đó, việc kê khai nộp thuế đối với các DN kinh doanh TMĐT là rất thuận lợi.
Một số khó khăn và hạn chế
Khi nói đến thu thuế đối với hoạt động TMĐT, chúng ta thường nặng về đánh giá việc thất thu thuế, chưa quản lý thu thuế… đối với tổ chức, các nhân cung cấp dịch vụ từ nước ngoài nhưng trong thực tiễn thì việc quản lý thuế với hoạt động kinh doanh TMĐT đang có lỗ hổng khá lớn không chỉ với phía nước ngoài mà ngay cả với các tổ chức, cá nhân Việt Nam đang kinh doanh trong lĩnh vực này. Trong những năm gần đây, ở nước ta đã hình thành các DN chuyên kinh doanh TMĐT. Các DN này đều có tốc độ tăng trưởng nhanh, một số DN có doanh thu hàng nghìn tỷ đồng, trong khi đó số tiền nộp ngân sách lại không đáng kể.
Chẳng hạn, hai thành phố lớn nhất cả nước Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là nơi phát triển hoạt động kinh doanh TMĐT sớm nhất, có doanh thu quảng cáo, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất cả nước. Tuy nhiên, tiền thuế do DN tự khai, tự tính, tự nộp vào ngân sách tại hai thành phố này lại chưa tương ứng với doanh thu thực tế. Qua công tác thanh tra theo cơ chế quản lý rủi ro, cơ quan thuế ở hai địa bàn này đã phát hiện và truy thu hàng trăm tỷ đồng của các DN kinh doanh TMĐT.
Bên cạnh đó, việc thực hiện công tác thanh tra của cơ quan thuế đang chiếm tỷ trọng khá khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 11 - 12% số lượng DN đang hoạt động. Hơn nữa, việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến (game online), quảng cáo trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn hơn, bởi công tác thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này đòi hỏi cán bộ công chức thuế ngoài trình độ nghiệp vụ thuế chuyên sâu còn phải tinh thông tin học, ngoại ngữ và có kiến thức về các giao dịch TMĐT. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng cán bộ của ngành Thuế đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trước tình hình mới còn ít.
Đặc biệt, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải có sự hỗ trợ vào cuộc của các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý chức năng có liên quan mới có thể xác định được luồng tiền thanh toán; truy tìm dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch… Từ đó làm cơ sở truy thu thuế đối với các doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán dịch vụ trên hệ thống máy tính của DN…
Giải pháp đẩy mạnh quản lý thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động TMĐT, đảm bảo bình đẳng về nghĩa vụ thuế giữa các phương thức kinh doanh, giữa kinh doanh TMĐT, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến với hoạt động kinh doanh dịch vụ “thực”, cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về thuế hiện hành để phù hợp với sự phát triển, cũng như tình hình thực tế hoạt động của DN kinh doanh TMĐT. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động này.
Thứ hai, Bộ Tài chính cần phải ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện chính sách và quản lý thuế áp dụng đặc thù đối với kinh doanh TMĐT, trò chơi điện tử, quảng cáo hàng hóa dịch vụ trực tuyến. Trong đó, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ thuế, cách kê khai tính thuế, khấu trừ thuế tại nguồn, nộp tiền thuế vào NSNN đối với từng đối tượng cụ thể: DN nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt nam, không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Cá nhân người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, không cư trú tại Việt Nam. DN thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Cá nhân người Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT.
Thứ ba, cần xây dựng, ban hành quy trình quản lý thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh TMĐT. Thực hiện công tác đào tạo chuyên sâu các kiến thức về TMĐT và công nghệ thông tin; kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử cho đội ngũ cán bộ công chức thuế, để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế cũng như công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh TMĐT.
Thứ tư, tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; các công ty viễn thông, các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền dẫn, cung cấp hạ tầng mạng… để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động kinh doanh TMĐT. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán tiền cung ứng dịch vụ theo phương thức thanh toán trực tuyến linh hoạt, như ví điện tử, thẻ visa, qua dịch vụ trung gian và thanh toán qua ngân hàng…
Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách chế độ thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế, kết hợp với công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Thuế về DN nói chung, DN kinh doanh liên quan đến TMĐT nói riêng. Triển khai rộng rãi đồng bộ dịch vụ khai thuế điện tử với nộp thuế điện tử, hoá đơn điện tử… tạo điều kiện cho các DN tiếp cận dễ dàng với các dịch vụ này, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về thuế.
Thứ sáu, thực hiện đầy đủ chế độ trao đổi thông tin với cơ quan thuế các quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế trùng với Việt Nam, mà ở các quốc gia, vùng lãnh thổ này các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam, để nắm bắt thông tin về doanh thu, thu nhập phát sinh tại Việt Nam; xác định nghĩa vụ thuế, ngăn ngừa hành vi gian lận, trốn thuế ở nước ta.
Có thể nói, nếu chúng ta triển khai thực hiện tốt các giải pháp trên, tin tưởng rằng công tác tổ chức thu nộp, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, trò chơi điện tử trực tuyến, quảng cáo hàng hoá dịch vụ trực tuyến sớm được cải thiện, từng bước thực hiện bình đẳng về nghĩa vụ thuế, tạo môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh; đồng thời góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.