Chính sách thuế với "tam nông": Cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam

PSG., TS. Lê Xuân Trường

TCTC Online - Tùy theo từng giai đoạn lịch sử mà chính sách cụ thể đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân có sự điều chỉnh nhất định, song việc quan tâm đến tam nông luôn là chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta. Chính sách thuế đã góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về tam nông như thế nào và cần hoàn thiện ra sao để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn và nâng cao đời sống nông dân trên cơ sở một luận cứ khoa học vững chắc là những vấn đề được bàn luận trong bài viết này.

Tác động của chính sách thuế đối với "tam nông"

Chính sách thuế có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tam nông. Tác động của chính sách thuế đối với tam nông có thể là thúc đẩy hoặc kìm hãm tùy theo quan điểm sử dụng chính sách thuế đối với tam nông của mỗi quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử và tùy thuộc vào tính khoa học, sự phù hợp của chính sách cũng như quá trình tổ chức thực thi chính sách thuế đối với tam nông. Cụ thể như sau:

Tác động trực tiếp

- Thuế sử dụng đất nông nghiệp (Thuế nông nghiệp): Có tác động điều tiết trực tiếp vào thu nhập của người sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là nông dân. Tác động chính là động viên một phần thu nhập của người sản xuất nông nghiệp vào ngân sách nhà nước. Ngoài ra, nếu quy định hợp lý, thuế sử dụng đất nông nghiệp còn góp phần khuyến khích sử dụng đất nông nghiệp tiết kiệm, hiệu quả và quản lý được quỹ đất.

- Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (Thuế đất phi nông nghiệp): Sắc thuế này có tác động điều tiết thu nhập từ chủ sở hữu đất hoặc người có quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào ngân sách nhà nước. Bởi vậy, nó có tác động nhất định đến đời sống của nông dân với tư cách là người có quyền sử dụng đất ở.

- Thuế nhà: Đây là sắc thuế tài sản đặc biệt, đánh vào người sở hữu nhà ở. Thông thường ở các nước, người nông dân ít chịu sự điều chỉnh của sắc thuế này vì nhà ở của họ thường không có giá trị cao đến ngưỡng đánh thuế của nhà nước.

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Sắc thuế này tác động tới thu nhập của các hợp tác xã nông nghiệp, các trang trại và các tổ chức khác sản xuất nông nghiệp. Sắc thuế này có tác động trực tiếp đến việc mở rộng hay thu hẹp quy mô phát triển sản xuất nông nghiệp dưới hình thức tổ chức kinh tế, do nó có tác động thu hẹp hay mở rộng thu nhập sau thuế của các đối tượng này.

- Thuế thu nhập cá nhân: Về nguyên tắc, mọi công dân có thu nhập ở một ngưỡng nhất định đều là người nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, ở hầu hết các nước, ngưỡng đánh thuế thu nhập cá nhân (thể hiện ở mức giảm trừ tiêu chuẩn hoặc giảm trừ gia cảnh) đều được quy định ở một mức đủ để loại trừ người nông dân có thu nhập không cao khỏi diện nộp thuế.

Ngoài ra, người nông dân, với tư cách là người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ chính là người thực sự chịu thuế gián thu. Bởi vậy, thuế gián thu nói chung, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng hoặc thuế doanh thu có tác động không nhỏ đến đời sống nông dân.

b) Tác động gián tiếp

Cả thuế trực thu và thuế gián thu đều có thể có tác động gián tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Cụ thể như sau:

- Thuế thu nhập doanh nghiệp: Chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp tác động đến các lĩnh vực sản xuất sử dụng lao động ở khu vực nông thôn nhằm tạo công văn việc làm, nâng cao đời sống người nông dân chính là kiểu tác động gián tiếp đến nông dân. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp và các doanh nghiệp chế biến nông sản cũng có tác động gián tiếp thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của sản xuất nông nghiệp.

- Thuế giá trị gia tăng: Thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp hoặc người nông dân cũng có tác động gián tiếp đến sự phát triển nông nghiệp và đời sống nông dân.

Ngoài ra, các khoản thuế và thu khác có thể tác động gián tiếp đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân như thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế bảo vệ môi trường…

Thực tiễn chính sách thuế đối với tam nông từ năm 1945 đến nay

Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1954

Ngay sau khi giành được độc lập, Nhà nước ta đã thực hiện cải cách chế độ thuế, giảm gánh nặng thuế cho nông dân. Theo đó, thuế thân được bãi bỏ, giảm 20% thuế điền thổ [2, tr215]. Cần lưu ý rằng, thuế thân là sắc thuế tính trên đầu người với mức thu như nhau bất kể mức thu nhập của người nộp thuế. Bởi vậy, với những người bần nông, đây thực sự là gánh nặng vô cùng lớn. Do đó, người nông dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc bỏ thuế thân.

Vào năm 1949, nhu cầu tài chính cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta rất lớn, vì vậy, đã có nhiều biện pháp đưa ra để tạo nguồn tài chính. Về chính sách thuế liên quan đến tam nông cũng có sự sửa đổi theo hướng tăng thu thuế trên cơ sở đảm bảo công bằng, hợp lý, người giàu phải đóng góp nhiều hơn người nghèo. Theo đó, thuế điền thổ được sửa đổi theo hướng đánh lũy tiến vào tổng số hoa lợi của chủ ruộng đất [2, tr222]. Như vậy, việc tăng thu này chủ yếu điều tiết vào thu nhập của địa chủ, trung nông và phú nông.

Năm 1951, thuế nông nghiệp được ban hành, tính bằng thóc đánh trên hoa lợi ruộng đất của từng hộ nông dân. Thuế nông nghiệp không thu vào hộ nông dân nghèo, thu ở mức thấp vào hộ nông dân có thu nhập thấp [2, tr225].

Giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1975

Đây là giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Trong giai đoạn này, để góp phần thực hiện chủ trương khuyến khích nông dân đi vào con đường làm ăn tập thể, chính sách thuế đối với tam nông cũng được điều chỉnh. Theo đó, các hợp tác xã nông nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nông nghiệp hơn nông dân cá thể, cả trên các phương diện mức thuế và giảm thuế khi bị thiên tai [2, tr234].

Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1990

Sửa đổi quan trọng nhất của chính sách thuế đối với tam nông trong giai đoạn đầu thời kỳ này là chuyển từ việc đánh thuế nông nghiệp lũy tiến theo hoa lợi bình quân nhân khẩu sang đánh thuế theo định suất tính trên diện tích và hạng đất, mà thực chất là đánh trên việc sử dụng các loại đất sản xuất nông nghiệp. Hợp tác xã và tập đoàn sản xuất nông nghiệp chỉ phải nộp thuế theo biểu; hộ cá thể sản xuất nông nghiệp phải nộp thuế theo biểu và một khoản thuế phụ. Việc miễn, giảm thuế chỉ được thực hiện trong trường hợp bị thiên tai, mất mùa tùy mức thiệt hại của từng thửa đất [2, tr263].

Năm 1989, chính sách thuế nông nghiệp được sửa đổi theo hướng bãi bỏ phụ thu đối với hộ cá thể [2, tr272]. Đây chính là bước đổi mới trong chính sách thuế đối với nông dân, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa hợp tác xã và hộ nông dân cá thể, thể hiện quan điểm thừa nhận sự tồn tại tất yếu của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Việc miễn thuế nông nghiệp cũng được mở rộng đối với hộ nông dân thuộc dân tộc thiểu số, nông dân nghèo vùng căn cứ kháng chiến.

Giai đoạn cải cách thuế bước 1 (từ năm 1990 đến năm 1998)

Dấu ấn đầu tiên của chính sách thuế đối với nông dân trong giai đoạn này là việc thực hiện giảm 50% số thuế nông nghiệp trong 2 năm 1990 và năm 1991 theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1993, thuế nông nghiệp được thay thế bằng thuế sử dụng đất nông nghiệp. Chính sách thuế mới này về cơ bản cũng kế thừa thuế nông nghiệp trước đây nhưng có sự bổ sung, hoàn thiện hơn. Ngoài việc kế thừa những quy định mức thu và về miễn thuế trước đây, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp mới còn bổ sung áp dụng miễn thuế đối với đất đồi, núi trọc dùng vào sản xuất nông nghiệp, hộ nông dân di chuyển đến vùng kinh tế mới để khai hoang, hộ nộp thuế là gia đình liệt sĩ, thương binh nặng.

Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trong giai đoạn này không thu vào thu nhập của nông dân.

Thuế lợi tức trong giai đoạn này chỉ đánh vào lợi tức của các hoạt động sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Chính sách thuế lợi tức trong giai đoạn này cũng thể hiện quan điểm thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn miền núi với các quy định về miễn thuế, giảm thuế cho hoạt động vận tải bằng phương tiện thô sơ ở miền núi; tổ chức, cá nhân di chuyển địa điểm từ miền xuôi lên miền núi; việc dùng lợi nhuận thu được để tái đầu tư đối với một số ngành nghề khuyến khích đầu tư ở miền núi.

Trong giai đoạn này, thuế đất ở cũng thể hiện những sự ưu đãi nhất định đối với nông dân. Trong khi mức thuế đất ở thuộc khu vực đô thị từ 3 đến 25 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp thì mức thuế đất ở thuộc vùng nông thôn miền núi chỉ bằng mức thuế sử dụng đất nông nghiệp, ở vùng trung du bằng 1,5 lần và ở vùng đồng bằng bằng 2 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nông dân ở vùng núi cao, vùng định canh, định cư, vùng kinh tế mới, hộ gia đình thương binh, liệt sĩ và người tàn tật, người già cô đơn được miễn thuế đất ở.

Giai đoạn cải cách thuế bước 2 (từ năm 1999 đến năm 2003)

Đây là giai đoạn có nhiều cải cách lớn về thuế. Đối với tam nông, chính sách thuế có những khía cạnh chủ yếu cần chú ý sau đây:

- Thực hiện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho dự án đầu tư mới vào miền núi và các vùng khó khăn khác.

- Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập từ hợp đồng dịch vụ kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

- Trong số đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng có các sản phẩm thuộc lĩnh vực nông nghiệp như: nông sản chưa qua chế biến hoặc sơ chế thông thường do người sản xuất trực tiếp bán ra; sản phẩm muối... Đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng cũng bao gồm các hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu liên quan đến đại bộ phận người lao động, chủ yếu là nông dân, công nhân. Các hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ chịu thuế giá trị gia tăng ở mức 5% so với mức thuế suất thông thường là 10%.

Giai đoạn từ sau cải cách thuế bước 2 đến nay

Đây là giai đoạn có những thay đổi lớn trong chính sách thuế của Việt Nam, những thay đổi chủ yếu nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hội nhập ngày càng sâu và rộng hơn vào nền kinh tế thế giới. Chính sách thuế đối với tam nông có các đặc điểm nổi bật sau:

- Về thuế sử dụng đất nông nghiệp: Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, khoan sức dân và góp phần nâng cao đời sống nông dân, Quốc hội đã có Nghị quyết 15 miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức từ năm 2003 đến năm 2010 và sau đó là Nghị quyết 55 tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trong hạn mức đến năm 2020. Bằng việc miễn thuế này, mỗi năm nông dân và khu vực nông nghiệp được gia tăng thu nhập khoảng gần 2.000 tỷ đồng theo giá năm 1999.

- Về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (thuế đất): Miễn thuế cho các đối tượng sau: (i) Đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; (ii) Đất ở trong hạn mức của hộ nghèo theo quy định của Chính phủ. Giảm 50% số thuế phải nộp đối với đất ở trong hạn mức tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.

- Về thuế thu nhập doanh nghiệp: Áp dụng thuế suất ưu đãi về thuế suất và miễn thuế, giảm thuế có thời hạn cho dự án đầu tư vào địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Miễn thuế, giảm thuế có thời hạn cho dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng đặc biệt quan trọng. Miễn thuế đối với thu nhập từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; miễn thuế đối với thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

- Về thuế thu nhập cá nhân: Miễn thuế cho phần thu nhập của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản chưa qua chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ sơ chế thông thường. Miễn thuế đối với thu nhập từ chuyển đổi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất.

- Về thuế giá trị gia tăng: Mặc dù có điều chỉnh giảm đối tượng không chịu thuế và thay đổi thuế suất, song các mặt hàng rất thiết yếu là sản phẩm nông nghiệp vẫn quy định không chịu thuế, các mặt hàng thiết yếu vẫn áp dụng thuế suất thấp 5%.

Nhận xét chung

Mặc dù chính sách thuế có nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, và mặc dù cho tận đến năm 2008 với sự ra đời của Nghị quyết 26-NQ/TW thì chính sách thuế đối với tam nông mới thành một chỉnh thể thống nhất, song trong suốt gần 70 năm qua, chính sách thuế đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân của Đảng và Nhà nước ta vẫn theo một quan điểm xuyên suốt là tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp; điều tiết thu nhập một cách công bằng, giảm bớt gánh nặng thuế cho nông dân nghèo, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn và khó khăn.

Bên cạnh tiếp tục quan điểm xuyên suốt trên, trong những năm gần đây, chính sách thuế đối với tam nông có những điểm mới đáng chú ý là thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn kinh tế xã hội khó khăn để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và tạo công ăn việc làm cho nông dân; ưu đãi để thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng nông thôn; ưu đãi để thúc đẩy “dồn điền, đổi thửa” từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Những hạn chế, bất cập trong chính sách thuế hiện hành đối với "tam nông"

Mặc dù có những thành công không thể  phủ nhận nêu trên, song so với yêu cầu đặt ra của Nghị quyết 26-NQ/TW và thực tiễn kinh tế - xã hội, chính sách thuế đối với tam nông vẫn còn những hạn chế, bất cập cần nghiên cứu hoàn thiện như sẽ được trình bày dưới đây:

- Cùng với sự bất hợp lý của một số chính sách khác, chính sách thuế đối với các khu công nghiệp đã góp phần thúc đẩy sự phát triển quá nóng ở đây. Trong khi diện tích của các khu công nghiệp được mở rộng nhanh nhưng tỷ lệ diện tích bỏ hoang không nhỏ, người nông dân bị mất đất sản xuất nông nghiệp, song không có nhà máy được xây dựng ở gần đó để có công ăn việc làm thay thế cho sản xuất nông nghiệp.

- Chưa có sự gắn kết giữa chính sách thuế với chính sách kinh tế khác trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, chuyên môn hóa. Mặc dù chính sách thuế và các chính sách khác đã thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn nhưng thiếu định hướng, thiếu tính nhất quán nên sản xuất hàng hóa nông nghiệp ở các địa phương vẫn còn tự phát, manh mún và thiếu tính chiến lược.

- Chưa có chính sách ưu đãi thuế đặc biệt để thúc đẩy sự gắn kết giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp), từ đó, tạo điều kiện thuận lợi và phát huy mọi tiềm năng của xã hội cho phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Định hướng hoàn thiện chính sách thuế đối với "tam nông"

Trên cơ sở yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu trên, chính sách thuế đối với tam nông thời gian tới nên hoàn thiện trên các phương diện chủ yếu sau:

Thứ nhất, trong thời gian tới theo chiến lược cải cách thuế, sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số sắc thuế hiện hành, song cần tiếp tục duy trì các ưu đãi thuế đối với nông nghiệp và nông thôn. Bên cạnh việc tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 55 về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, cần tiếp tục duy  trì việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản của tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ dịch vụ kỹ thuật phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập của hộ gia đình, cá nhân có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp; miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho nông dân vùng khó khăn…

Thứ hai, tới đây khi nghiên cứu xây dựng thuế tài sản (trọng tâm là thuế nhà), cần xây dựng ngưỡng giá trị nhà không đánh thuế sao cho đại bộ phận nông dân có thu nhập trung bình không phải nộp thuế nhà.

Thứ ba, cần chắt lọc lại chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Theo đó, chỉ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao và đầu tư vào các lĩnh vực phát huy được lợi thế so sánh của nền kinh tế, trong đó, có phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Cần ưu đãi thuế nhiều hơn cho doanh nghiệp sản xuất các yếu tố đầu vào cho nền nông nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp chế biến nông sản và sử dụng nhiều lao động ở khu vực nông thôn.

Thứ tư, trên cơ sở quy hoạch đúng đắn các vùng chuyên canh nông nghiệp (theo nghĩa rộng, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) và các chính sách kinh tế khác, chính sách thuế chỉ ưu đãi (và mức độ ưu đãi đủ hấp dẫn) đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo đúng định hướng và quy hoạch phát triển của nhà nước. Các ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực này cần đầy đủ và có hệ thống, cả về thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thuê đất…

Thứ năm, cần có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy sự liên kết của “4 nhà”, qua đó, thúc đẩy đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Chính sách ưu đãi này có thể thực hiện qua ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần thu nhập có được từ hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp với nông dân hay miễn thuế thu nhập cá nhân cho thu nhập của nhà khoa học có được từ hoạt động liên kết sản xuất nông nghiệp với nông dân…

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cần lưu ý rằng, chính sách thuế đối với tam nông phải được coi là một bộ phận không thể thiếu trong tổng thể chính sách của Nhà nước đối với tam nông, và bởi vậy, bản thân chính sách thuế riêng biệt không thể phát huy tác dụng mà cần cả một hệ thống chính sách kinh tế - xã hội đúng đắn và đồng bộ đối với tam nông.

_________________

Tài liệu tham khảo:

1. PGS.,TS Nguyễn Thị Liên, PGS.,TS Nguyễn Văn Hiệu (Đồng chủ biên): Giáo trình Nghiệp vụ thuế, NXB Tài chính, Hà Nội, 2005;

2. GS.,TS Hồ Xuân Phương, PGS.,TS Nguyễn Công Nghiệp (Đồng chủ biên): Tài chính Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, NXB Tài chính, Hà Nội, 2001;

3. Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

4. NXB Tài chính, Những văn bản pháp luật về thuế, Hà Nội, 1999;