Chính sách tín dụng ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số nước
Nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của chính sách tín dụng ứng phó biến đổi khí hậu đến tăng trưởng kinh tế trên thế giới qua việc phân tích thực trạng mối quan hệ giữa các chính sách tín dụng, kênh truyền dẫn chính sách và biến đổi khí hậu tại các quốc gia; Đồng thời, nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trong triển khai chính sách tín dụng ứng phó biến đổi khí hậu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và rút ra bài học cho Việt Nam.
Chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Ở Việt Nam, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định, ý thức chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường (BVMT), thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Vai trò, trách nhiệm các cấp, các ngành, cộng đồng và doanh nghiệp chưa được phát huy đầy đủ, vẫn để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng.
Các chế tài để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe và thiếu hiệu quả. Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên một số mặt còn lỏng lẻo. Chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, định giá tài nguyên còn hạn chế. Xu hướng chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên chậm được khắc phục. Chậm chuyển đổi cơ cấu sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm, tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
Chất lượng môi trường một số nơi tiếp tục xuống cấp; thích ứng với biến đổi khí hậu còn bị động, lúng túng. Các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm. Ngành công nghiệp và dịch vụ môi trường, tái chế chất thải, xử lý rác chậm phát triển, còn lạc hậu. Tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu không đạt chuẩn về môi trường...
Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm kìm hãm các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách pháp luật như: Luật BVMT 2014; Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Phòng, chống thiên tai 2013; Luật Đất đai 2013… Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Trung ương; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Trong đó, giải pháp về tài chính đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra nguồn lực cả trực tiếp và gián tiếp để các cấp, các ngành, các đối tượng liên quan có điều kiện triển khai các nhiệm vụ.
Quỹ BVMT được thành lập ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 01 Quỹ BVMT Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các Quỹ BVMT đã hỗ trợ hoạt động BVMT dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tài trợ cho các hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, chính sách chi ngân sách với mục tiêu bảo vệ môi trường hằng năm sẽ chi 2-5% tổng chi NSNN để thực hiện bảo vệ môi trường; Chính sách thu ngân sách với mục tiêu BVMT: Khuyến khích các hoạt động có lợi cho môi trường, thân thiện với môi trường và kìm hãm, ngăn chặn các hoạt động gây hại cho môi trường; Người gây ô nhiễm phải chi trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường; người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và BVMT.
Các rủi ro vật lý liên quan đến khí hậu phụ thuộc vào lượng khí thải toàn cầu, các biện pháp can thiệp của ngân hàng trung ương và giám sát tài chính theo từng quốc gia bị cô lập khó có thể có tác động quan trọng đến rủi ro vật lý. Ngay cả khi một số ngân hàng trung ương cố gắng giảm lượng khí thải ở quốc gia của họ, tác động đối với rủi ro vật chất sẽ rất nhỏ nếu không có các biện pháp phối hợp ở cấp độ toàn cầu. Do đó, sự phối hợp của các quốc gia trên phạm vi toàn cầu là rất cần thiết.
Các nghiên cứu về chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu tại một số nước
Ngày càng có nhiều nghiên cứu và báo cáo học thuật cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các ngân hàng trung ương và các tổ chức giám sát tài chính bắt đầu tính đến biến đổi khí hậu một cách rõ ràng trong quá trình ra quyết định của họ (Campiglio và cộng sự, 2018; Bolton và cộng sự, 2020; Dafermos và cộng sự, 2021; Schoenmaker, 2021).
Trong những năm qua, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh đã quyết định đưa các cân nhắc về biến đổi khí hậu vào hoạt động của họ. Cụ thể, tháng 3/2021, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) thông báo, sẽ điều chỉnh Kế hoạch mua trái phiếu doanh nghiệp (CBPS) tính đến tác động biến đổi khí hậu của các tổ chức phát hành trái phiếu, như một phản ứng ủng hộ đối với quyết định của Chính phủ Anh bao gồm việc chuyển đổi sang một nền kinh tế không phát thải ròng theo quy định của BoE (ECB, 2021a). Tháng 7/2021, ECB đã công bố một loạt các hành động sẽ thực hiện trong những năm tới để đưa các vấn đề biến đổi khí hậu vào khuôn khổ tài sản đảm bảo của mình, Chương trình Mua hàng cho Khu vực Doanh nghiệp (CSPP) và các công cụ giám sát tài chính (ECB, 2021a, 2021b).
Một số quốc gia cũng đã giảm trọng số rủi ro đối với các khoản cho vay xanh dành cho các doanh nghiệp. Điển hình như, Indonesia đã đưa ra các ưu tiên xanh một cách rõ ràng trong hoạch định chính sách tài chính của mình. Ngân hàng Ấn Độ (BoI) đã quyết định giảm giới hạn trả trước tối thiểu cho các khoản vay/tài trợ ô tô xanh từ 5–10% xuống 0%, tuân thủ các nguyên tắc an toàn, đối với các ngân hàng có khoản nợ xấu tỷ lệ dưới 5%.
Một số quốc gia G20 như: Anh và Pháp đã tham gia vào hoạch định chính sách tài chính xanh từ đầu những năm 2000, với việc áp dụng các yêu cầu công khai liên quan đến khí hậu (chủ yếu đối với các tổ chức phi tài chính, quỹ hưu trí và bảo hiểm các công ty) và các nguyên tắc và hướng dẫn tài chính xanh nhằm tạo ra một thị trường tài chính phù hợp với các mối quan tâm về biến đổi khí hậu.
Gần đây, Anh và Pháp tập trung phát triển các công cụ để giải quyết các rủi ro khí hậu trong khi các nước khác, bao gồm Đức và Brazil, đang xem xét các biện pháp quản lý rủi ro bền vững liên quan biến đổi môi trường, xã hội và chính quyền (ESG). Trong một số trường hợp như: Canada, Trung Quốc, Pháp và Anh, sự chú ý đến rủi ro khí hậu đã dẫn đến các nghiên cứu để đánh giá khả năng phục hồi của hệ thống tài chính đối với các tác động của khí hậu.
Phần lớn các quốc gia G20 đã thông qua hoặc đang thúc đẩy các yêu cầu về công bố các nguyên tắc hoặc hướng dẫn bao gồm các mối quan tâm về rủi ro khí hậu trong thị trường tài chính. Các nền kinh tế mới nổi như Brazil, Ấn Độ và Indonesia, đã áp dụng các biện pháp phân bổ tín dụng xanh. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia chỉ áp dụng các nguyên tắc tài chính xanh hoặc các yêu cầu công khai nhằm vào các công ty hoặc tổ chức phi tài chính. Chỉ có rất ít quốc gia: Canada, Trung Quốc, Pháp và Anh, tích cực xem xét các rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu.
Kinh nghiệm chính sách tín dụng ứng phó với biến đổi khí hậu
Các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách chỉ ra rằng, các can thiệp của cơ quan quản lý và tiền tệ để thiết kế các công cụ mới và ưu tiên mua tài sản xanh có thể làm sai lệch thị trường (Campiglio và cộng sự, 2018). Việc thiếu các nguyên tắc phân loại công nghệ xanh, ô nhiễm và công nghệ trung tính được tiêu chuẩn hóa và thống nhất với quốc tế, các yêu cầu công bố thông tin liên quan, đang làm chậm sự thay đổi của tiến trình tăng trưởng xanh. Sự không thống nhất của thỏa thuận quốc tế về định hướng phát triển và tăng trưởng xanh đã tạo ra những trở ngại cho các cơ quan quản lý và ngân hàng trung ương trong việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh. Ngoài ra, việc thiếu sự hài hòa quốc tế thường được coi là một trở ngại đối với việc đánh giá đúng các rủi ro biến đổi khí hậu và do đó trở thành rào cản đối với hành động.
Các ngân hàng trung ương nên giúp các tổ chức tài chính tư nhân đánh giá đầy đủ mức độ rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu của họ. Do thị trường tài chính đến nay vẫn chưa quản lý được rủi ro về giá cả, các ngân hàng trung ương và các cơ quan giám sát tài chính có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các phương pháp giúp các tổ chức tài chính đánh giá những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và bằng cách khuyến khích công khai tài chính liên quan đến hạn chế biến đổi khí hậu (ECB, 2021a; NGFS, 2020a, 2020b).
Rủi ro khí hậu cần được phản ánh trong điều hành chính sách tiền tệ cũng như trong điều tiết và giám sát tài chính. Phương pháp tiếp cận rủi ro khẳng định rằng không chỉ các tổ chức tài chính tư nhân mới nên đưa rủi ro khí hậu vào quá trình ra quyết định của họ. Phương pháp tiếp cận rủi ro cũng cho thấy, các ngân hàng trung ương và cơ quan giám sát tài chính cần đảm bảo rằng những rủi ro này được phản ánh trong các chính sách tiền tệ và quy định giám sát tài chính (Cœuré, 2018; Villeroy de Galhau, 2019).
Các ngân hàng nên xem xét hồ sơ của các tài sản có mức độ rủi ro khí hậu khác nhau khi họ đưa ra quyết định về cấp tín dụng liên quan tài sản bảo đảm, hoặc tài sản nào nên được đưa vào danh sách chứng khoán được chấp nhận. Chất lượng tài sản bảo đảm tín dụng là một trong những tiêu chí được sử dụng trong các quyết định cấp tín dụng. Tuy nhiên, các xếp hạng tín dụng hiện tại bỏ qua rủi ro khí hậu. Do đó, các ngân hàng có thể mua tài sản có chất lượng tín dụng thấp theo quan điểm liên quan rủi ro khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, các ngân hàng nên điều chỉnh việc đánh giá rủi ro của họ, điều này có thể khiến họ loại trừ khỏi việc mua những tài sản có rủi ro khí hậu cao hoặc bằng cách tăng cường cắt giảm các tài sản rủi ro khí hậu trong khuôn khổ tài sản đảm bảo.
Mặc dù, tác động của các chính sách của ngân hàng đối với biến đổi khí hậu ít hơn so với các chính sách của chính phủ, nhưng các hành động và quyết định của các ngân hàng có những tác động kinh tế liên quan đến khí hậu.
Dafermos và Nikolaidi (2021) chỉ ra rằng, việc đưa ra một yếu tố phạt do ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ vỡ nợ vì một phần đáng kể trong khu vực doanh nghiệp sử dụng nhiều carbon và có thể bị suy giảm khả năng cung cấp tín dụng và do đó vị thế thanh khoản bị suy giảm. Tuy nhiên, hậu quả này có thể thấp hơn nếu yếu tố phạt đi kèm với thuế carbon và chính sách trợ cấp xanh. Chính sách tài khóa xanh có thể làm tăng đầu tư xanh và do đó giảm số lượng các khoản cho vay có yêu cầu vốn cao hơn.
Các ngân hàng trung ương cũng cần xem xét cách họ có thể hỗ trợ tài chính cho các hoạt động thích ứng với khí hậu như đầu tư vào hệ thống chống lũ lụt và nông nghiệp, vấn đề này ngày càng trở nên quan trọng trước xu hướng ấm lên toàn cầu hiện nay.
Quy định tài chính là một trường hợp khác về một công cụ chính sách có thể được điều chỉnh theo cách tiếp cận rủi ro khí hậu. Các yêu cầu vốn cao hơn nên được áp dụng đối với các tài sản có rủi ro khí hậu cao hơn.
Tóm lại, rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu phụ thuộc vào những tương tác phức tạp giữa hệ sinh thái, kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính, xã hội và hệ thống chính trị. Các chính sách tính dụng cần triển khai đồng bộ với các chính sách về khí hậu nhằm góp phần hạn chế rủi ro khí hậu. Việc triển khai tách biệt các công cụ tài chính ngăn chặn biến đổi khí hậu sẽ không đủ để bảo vệ sự ổn định tài chính về lâu dài. Các chính sách điều tiết tài khóa, công nghiệp và môi trường có một vai trò quan trọng và sự phối hợp chính sách là cần thiết. Sự phối hợp này là cần thiết vì nó có thể dẫn đến việc giảm phát thải đáng kể hơn, giảm thiểu một số tác động chuyển đổi của khí hậu.
Tài liệu tham khảo:
- Bolton, P., Despres, M., da Silva, L.A.P., Svartzman, R. and Samama, F. (2020). The green swan: central banking and financial stability in the age of climate change, Bank for International Settlements, January;
- Campiglio, E., Dafermos, Y., Monnin, P., Ryan-Collins, J., Schotten, G. and Tanaka, M. (2018). Climate change challenges for central banks and financial regulators, Nature Climate Change, 8 (6), 462-468;
- Chenet, H., Ryan-Collins, J. and van Lerven, F. (2021), Climate-related financial policy in a world of radical uncertainty: Towards a precautionary approach, Ecological Economics, 183, 106957;
- Cœuré, B. (2018). Monetary policy and climate change, speech at a conference ‘Scaling up Green Finance: The Role of Central Banks’ organised by the NGFS, the Deutsche Bundesbank and the Council on Economic Policies, November.