Chờ đợi gì từ Tổng thống tái đắc cử Vladimir Putin và một nước Nga đang trỗi dậy?

Theo Thu Phương/nhadautu.vn

Tổng thống Vladimir Putin còn một chặng đường dài trong nhiệm kỳ 6 năm tới thể hiện nỗ lực trong thúc đẩy phục hưng quốc gia, giải quyết những bài toán kinh tế trong khi sóng gió ngoại giao vẫn đang bủa vây.

 Nga có lượng dự trữ vàng lớn trên thế giới. Ảnh: Reuters
Nga có lượng dự trữ vàng lớn trên thế giới. Ảnh: Reuters

Bất chấp những trở ngại mới xuất hiện xung quang cuộc bầu cử như cựu điệp viên bị đầu độc ở Anh, căng thẳng ngoại giao với Mỹ, xung đột gia tăng ở Syria..., chính trị gia người Nga 65 tuổi Vladimir Putin đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga 2018. Không những vậy ông còn giành chiến thắng áp đảo, ngay từ vòng đầu, không đợi chờ đến vòng 2 dự kiến tổ chức vào đầu tháng 4 này.

Nắm trong tay quyền kiểm soát vận mệnh nước Nga, ông Vladimir Putin giờ đây sẽ ngồi trên chiếc ghế Tổng thống Nga trong thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa.

Thế giới, các đối thủ của Nga, các nước láng giềng sẽ trông đợi gì từ ông Putin trong 6 năm sắp tới?

Đông giá với Mỹ với phương Tây, quyết không lùi bước

Quan hệ giữa ông Putin và phương Tây hiện đã ở mức thấp nhất từ khi Liên bang Xô viết tan rã cách đây 26 năm.

Bất chấp mối quan hệ có vẻ như ‘thân thiện’ với Tổng thống Mỹ Donald Trump, thế mạnh của ông Putin hiện nay không khích lệ ông hòa hoãn với Washington, đặc biệt giữa lúc cuộc điều tra vào cáo buộc rằng Nga đã xen vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đang đi vào giai đoạn quyết liệt.

Từ khi Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3/2014 và ảnh hưởng của Moscow trong xung đột Đông Ukraine, phương Tây và Mỹ đã kêu gọi sự hợp nhất trừng phạt Nga.

Điều đáng chú ý là phương Tây liên tục sử dụng sức mạnh kinh tế nhằm gây sức ép đối với Nga và đòi hỏi Moscow phải thay đổi chính sách đối với Ukraine. Các lệnh trừng phạt có hiệu lực nhằm cô lập nước Nga tập trung vào ngành năng lượng, quốc phòng và tài chính. 

Khi nói về các đe dọa trừng phạt từ phương Tây, Tổng thống Putin từng nói rằng ông "buồn cười" khi nghe rằng các trừng phạt đó nhằm cô lập Nga với quốc tế. "Về vấn đề cô lập, các kho dự trữ nhiên liệu và độ bền động cơ của họ có đủ để đi dọc biên giới của Nga hay không?", ông đặt câu hỏi.

Mới đây, Mỹ tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, khi bổ sung một Thứ trưởng Năng lượng Nga và một số công ty điện, năng lượng của nước này vào danh sách trừng phạt vì liên quan đến tình hình ở Ukraine. Dự kiến chính quyền Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt bổ sung trong thời gian tới.

Về đối ngoại, mối quan hệ vốn không “xuôi chèo mát mái” giữa Nga và Anh trong nhiều năm qua, nay lại tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng sau khi Thủ tướng Anh Theresa May ngày 14/3 ra lệnh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh. London cho rằng họ là những mật vụ Nga hoạt động không chính thức ở Anh và đình chỉ các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc ở thành phố Salisbury, Anh.

Chính phủ Anh cũng đã chính thức huỷ lời mời Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến thăm Anh; tuyên bố không có bất cứ thành viên Hoàng gia hay quan chức nào của Anh tham dự giải bóng đá World Cup 2018 tại Nga, đồng thời đưa ra khuyến cáo công dân Anh thận trọng khi đến Nga trong dịp diễn ra giải đấu.

Những chuỗi sự kiện như trên dẫn đến trừng phạt liên tiếp gia tăng từ phương Tây đối với Nga. Ảnh hưởng từ cấm vận của phương Tây trong khi giá dầu những năm qua giảm mạnh khiến Nga chật vật phục hồi từ cuộc suy thoái kéo dài nhất trong hai thập kỷ qua.

Lập trường của Nga được xác định rất rõ ràng, rằng mọi vấn đề nên được giải quyết theo con đường thỏa hiệp, chứ không phải áp lực và tống tiền. Thế nên, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu chứ không riêng gì ai. 

Quả thực, không chỉ Nga mà các công ty của phương Tây cũng phải hứng chịu các ảnh hưởng không hề nhỏ ngoài tầm kiểm soát. Mỹ và các công ty châu Âu, cũng như các tập đoàn năng lượng 'khổng lồ', đã phải mất mát không ít tiền bạc trong canh bài này. Các hợp đồng từ thương vụ tàu chiến Pháp hay máy móc của Đức đã phải dừng lại. Hàng tỷ USD đầu tư từ các tập đoàn năng lượng bao gồm ExxonMobil, Total và Shell đã bị trì hoãn.

Chính quyền Putin đã sớm nhìn thấy thực tế này. Phát biểu tại một cuộc đối thoại trực tuyến với người dân, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng quyết định của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga được xem là sự phản ánh các nỗ lực của phương Tây nhằm 'kiềm chế' Nga, song khẳng định các biện pháp này sẽ chỉ khiến nước Nga mạnh lên, trong khi Mỹ ngày càng yếu đi. 

Nhà lãnh đạo Nga nêu rõ các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây không gây hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Nga, trái lại nhiều ngành như chế tạo tên lửa, chế tạo máy, dược, nông nghiệp và một số ngành khác phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng thống Putin nhấn mạnh nếu phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga thì ngược lại, Moscow cũng sẵn sàng xóa bỏ các biện pháp trả đũa.

Dù các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên tiếp được đưa ra nhưng chính quyền Putin vẫn luôn giữ thái độ cứng rắn, quyết không lùi bước hay nhượng bộ. Để đáp trả, Nga ra lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga. 

Ở trong nước, tờ Guardian cho rằng chính những hành động được cho là “mạnh mẽ đối đầu phương Tây” dẫn đến sự sôi sục của chủ nghĩa dân tộc ở Nga, khiến ông Putin càng được ủng hộ hơn trong nước.

Tuyên bố của ông Putin cách đây vài tuần, rằng Nga đã phát triển các vũ khí hạt nhân có khả năng tránh lá chắn tên lửa của Mỹ, rõ ràng cho thấy quyết tâm của Putin muốn đẩy mạnh sức mạnh của Nga để trấn áp tinh thần các đối thủ.

Nước Nga trỗi dậy và vũ khí kinh tế

Trong suốt 17 năm lãnh đạo nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã 'hồi sinh' nước Nga từ những nền tảng đổ nát của Liên Xô trở về đúng giá trị vốn có của mình.

Kể từ khi lên nắm quyền lần đầu vào năm 2000, ông Putin đã xoay chuyển hoàn toàn tình hình kinh tế suy thoái của nước Nga, cũng như vị thế quốc tế bị suy giảm của Nga. Việc Moskva duy trì được tầm ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực Á - Âu và Trung Đông có sự cống hiến chính trị rõ rệt của ông.

Sau khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra năm 2014, các lệnh cấm vận của phương Tây đã làm kinh tế Nga đình đốn, nhưng nước này vẫn xử lý được để điều chỉnh các chiến lược phát triển quốc gia - một trong số đó là cải tổ cơ cấu kinh tế vốn phụ thuộc nhiều vào ngành năng lượng. 

Tổng thống Putin liên tục có các hành động nhằm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ vào Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng sự rạch ròi về quan điểm trong kinh tế và chính trị chứ không phải sức mạnh quân sự của Nga là lợi thế khiến nước này trụ vững trước các áp lực trừng phạt kinh tế. Theo đó, nước Nga sẽ không dựa vào các vũ khí của mình để tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác.

Đến nay, nền kinh tế Nga đang dần thoát khỏi suy thoái, có mức tăng trưởng ổn định và trong năm 2018 đã bắt đầu có những dấu hiệu lạc quan, theo The Moscow Times. Tỉ lệ lạm phát tháng 12/2017 xuống thấp kỷ lục đạt mức 2,5%, trong khi tỉ lệ thất nghiệp cũng duy trì ở mức tương đối thấp 5,1%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 22.540 USD, ngang bằng với một số quốc gia Liên minh châu Âu (EU).  Còn ttheo Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ), kinh tế Nga đã hồi phục sau cuộc suy thoái kéo dài hai năm, đạt mức tăng trưởng 1,4% vào năm ngoái chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng.

Tổng thống Putin đã phát động kế hoạch hành động của chính phủ, với mục tiêu đề ra cho đến năm 2025 là nền kinh tế Nga đạt mức độ tăng trưởng vượt mức trung bình của thế giới trong giai đoạn từ 2019-2020.

Bên cạnh đó, chính quyền Putin đang áp dụng nhiều chính sách để "thoát khỏi" đồng USD, mà thực chất là "đối đầu" với Mỹ. Hiện nay, vàng đang được sử dụng để giúp Nga thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ. Giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất chính là mua vàng, điều này giúp Nga không bị cản trở trong hệ thống thanh toán quốc tế hoặc bị tấn công.

Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi tốc độ mua vàng của mình, đưa lượng dự trữ vàng lên tới mức cao nhất kể từ khi ông Putin nắm quyền cách đây 17 năm.

Nga đã tăng gấp ba lượng dự trữ vàng, từ 600 tấn lên đến 1.800 tấn trong 10 năm qua và không có dấu hiệu cho thấy tốc độ bị giảm. Ngay cả khi giá dầu và lượng dầu dự trữ của Nga giảm sút khá nhiều vào năm 2015, Nga vẫn tiếp tục mua vàng.

Bên cạnh vàng, Nga cũng đang sử dụng các giải pháp khác để thay thế hệ thống thanh toán bằng đồng USD, đặc biệt là xây dựng hệ thống mới thay thế Hiệp hội Liên thông tiền tệ liên ngân hàng thế giới (SWIFT) - nơi Mỹ sử dụng sức ảnh hưởng của mình để ngăn chặn các quốc gia bị coi là 'mối đe dọa' trong tương lai. Chính quyền Putin đã rất nhanh chóng thúc đẩy xây dựng hệ thống không thanh toán bằng USD với các đối tác thương mại trong khu vực và Trung Quốc. 

Ví dụ như, Nga đã ký một thỏa thuận với Iran về việc đổi dầu lấy hàng hóa, hay Nga và Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập một trật tự tiền tệ quốc tế mới, loại trừ đồng USD. Theo kế hoạch đó, Trung Quốc mua dầu của Nga bằng đồng nhân dân tệ, Nga có thể lấy đồng nhân dân tệ để mua vàng trên sàn giao dịch Thượng Hải.

Trong Thông điệp liên bang hồi đầu tháng này, Tổng thống Putin cam kết giảm tỷ lệ nghèo ở Nga xuống còn một nửa trong vòng 6 năm; hứa hẹn về khoản ngân sách trị giá hàng trăm tỷ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng mới; đặt mục tiêu đưa Nga vượt Đức và trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới; kéo dài tuổi thọ trung bình của người dân lên 80 tuổi, vượt Mỹ.

Tương lai ông Putin

Theo hiến pháp, ông Putin phải từ nhiệm vào năm 2024, tuy nhiên ông có thể đổi các quy định để loại trừ những điều khoản giới hạn thời gian cầm quyền, hoặc ông sẽ bổ nhiệm một người kế nhiệm dễ uốn nắn và tiếp tục nắm quyền trong hậu trường.

Sau chiến thắng ngày 18/3, khi được hỏi có ra tranh cử Tổng thống lần nữa, ông Putin cười lớn. "Hãy đếm xem. Gì vậy? Các bạn nghĩ tôi sẽ cầm quyền đến lúc 100 tuổi hay sao", ông nói và gọi đây là một câu hỏi "khôi hài".

Thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny, đối thủ đáng gờm nhất của Putin, trong thời gian tới sẽ đối mặt với thêm áp lực từ các cấp chính quyền trong khi ông tìm cách phơi bày các hành vi tham nhũng và những lời nói dối của chính quyền.

Những đối thủ khác của ông Putin như ứng cử viên Ksenia Sobchak và ông Mikhail Khodorkovsky, nhà tài phiệt trở thành nhà bất đồng chính kiến, sẽ tìm cách tìm lại chỗ đứng trong các cuộc bầu cử địa phương và quốc hội sắp tổ chức.

Một số nhân vật trong vòng thân cận với ông Putin sẽ chen chân dành chỗ đứng một khi ông không còn tham chính.

Tờ Hoàn Cầu của Trung Quốc nhận xét, mục tiêu lớn sắp tới mà ông Putin cần đặt ra là tạo dựng nền tảng vững chắc để nước Nga phát triển ổn định và lành mạnh.

Đầu tiên, tổng thống cần bồi dưỡng thế hệ tinh hoa chính trị tiếp theo để hướng tới chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Đến năm 2024, ông Putin đã cầm quyền hơn 20 năm và khi đó khả năng tái tranh cử thực sự là một câu hỏi, nhưng hiện nay Moskva vẫn chưa nhận thấy nhân vật có thể thay thế ông.

Trong những năm gần đây, Putin trên thực tế đã bắt đầu đào tạo thế hệ chính khách sinh ra trong thập niên 1970 và 1980.

Theo Hoàn Cầu, Tổng thống Putin còn cần tạo dựng một môi trường bên ngoài linh hoạt cho sự phát triển của Nga. Dù Moskva không e ngại đối đầu phương Tây, nhưng quan hệ đi xuống với các nước châu Âu từ năm 2014 rõ ràng đã tác động tiêu cực lên tình hình xã hội Nga. Các mối quan hệ song phương không thể đi xuống thêm, nhưng cũng rất khó cải thiện.

Thêm vào đó, ông Putin nên dành nhiều nỗ lực hơn nữa để xử lý các vấn đề tồn đọng trong xã hội, đặc biệt là tình trạng chia rẽ.

Tổng thống Vladimir Putin còn một chặng đường dài trong nhiệm kỳ 6 năm tới thể hiện nỗ lực trong thúc đẩy phục hưng quốc gia, giải quyết những bài toán kinh tế trong khi sóng gió ngoại giao vẫn đang bủa vây.