Chợ online nhộn nhịp thời Covid

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Bối cảnh dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nhiều người chỉ ngồi tại nhà và lướt điện thoại... đi chợ. Nhiều cửa hàng online có mức tăng trưởng đơn hàng gấp 3-4 lần so với trước dịch, thu hút được thêm tệp khách hàng mới là những người trung niên...

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng chuyển sang đi chợ online nhiều hơn.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người tiêu dùng chuyển sang đi chợ online nhiều hơn.

Nhiều "chợ đầu mối" hoạt động khá nhộn nhịp trên mạng, thu hút hàng chục, hàng trăm nghìn thành viên tham gia, như: nhóm "chợ đầu mối hoa quả" có 446.000 thành viên, nhóm "chợ đầu mối quần áo sỉ" 249.000 thành viên, nhóm "chợ đầu mối đồ ăn vặt" 213.000 thành viên, nhóm chợ đầu mối hoa quả - hội buôn trái cây sỉ và lẻ 154.000 thành viên...

Chợ mạng rôm rả, chợ thật im lìm

Theo khảo sát của VnBusiness, những ngày qua, lo ngại dịch Covid-19, người dân Hà Nội hạn chế ra khỏi nhà cũng như không tụ tập đông người nơi công cộng. Tại một số chợ dân sinh, lượng khách đến khá thưa vắng. Theo phản ánh của tiểu thương, sức mua của người tiêu dùng giảm hơn ngày thường, lượng hàng bán ra khá chậm.

Nguyên nhân do đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này, số ca lây nhiễm ngày càng cao và tăng nhanh khiến người dân cẩn trọng hơn, họ nhanh chóng thay đổi thói quen tiêu dùng và mua sắm. Kênh online trở thành lựa chọn chủ yếu để tiếp cận một số hàng hoá và dịch vụ.

Chị Nguyễn Thị Thơm (Đại Từ, Hoàng Mai) chia sẻ, thời gian này do dịch, 2 con nghỉ học, chị phải xin công ty làm việc tại nhà để vừa trông con. “Trong bối cảnh dịch dã, cùng với quỹ thời gian eo hẹp hơn nên tôi đã chuyển sang đi chợ online. Như vậy vừa đảm bảo được an toàn cho gia đình, vừa có thời gian làm việc cơ quan và chăm sóc các con. Việc thanh toán cũng tiện lợi vì tôi sẽ chuyển khoản cho cửa hàng”, chị Thơm cho hay.

Cũng thay đổi hẳn thói quen mỗi sáng dậy sớm đi chợ như trước đây, chị Thanh Hương (Cầu Giấy) chuyển sang đi chợ online buổi tối. “Sau khi cả gia đình ăn cơm và dọn dẹp nhà cửa xong, tôi vào các nhóm bán hàng online để đặt hàng, cái gì cũng có, cái gì cũng ngon, không thích thì mình đổi lại. Nếu hết dịch, tôi vẫn đặt hàng online", chị Hương nói.

Chị Lê Thị Phương, quản lý nhóm chợ đầu mối hoa quả - hội buôn trái cây sỉ và lẻ trên facebook cho biết, nhóm được lập ra từ tháng 3/2020, thời gian đầu chỉ có 500 thành viên, sau một năm hiện tại đã có 154.000 thành viên.

“Nhóm hoạt động rất nhộn nhịp và chủ yếu bán hoa quả từ trong nước đến nhập khẩu. Hầu hết các tiểu thương trong nhóm đều bán đắt hàng. Có người bán từ 150-200 đơn hàng mỗi ngày”, chị Phương cho hay. 

"Hút” thêm tệp khách hàng mới

Theo đại diện cửa hàng Thực phẩm sạch tại khu HH3B (Linh Đàm), từ khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã thay đổi thói quen người tiêu dùng, số người mua hàng online chiếm tới 97%, đặc biệt là sự gia tăng của nhóm người trung niên.

Ông Lê Cao Minh, Giám đốc chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch đánh giá, trong đợt dịch đầu tiên, tốc độ mua hàng online tăng trưởng 100%, nhưng đến đợt này tăng gấp 3-4 lần, khiến cho việc giao hàng trở tay không kịp. “Công ty phải tuyển thêm 5 nhân viên chuyên giao hàng mới đáp ứng được khâu vận chuyển sản phẩm đến tay khách hàng theo yêu cầu”, ông Minh cho hay.

Đáng lưu ý, dịch bệnh bùng phát không chỉ làm thay đổi thói quen mua sắm của giới trẻ, nhiều khách hàng trung niên cũng chuyển sang mua hàng online. Bà Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi) chia sẻ, gia đình bà ở chung cư nên chỉ cần đi chợ dân sinh ngay dưới toà nhà, nhưng từ khi dịch bùng phát, các con hướng dẫn cách mua hàng online trên nhóm cộng đồng dân cư khu chung cư. Vì vậy, bà chỉ việc ngồi ở nhà đặt hàng, sau đó các con của bà sẽ chuyển khoản cho người bán.

Theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng đi chợ online sẽ còn tiếp tục bùng nổ trong thời gian tới bởi mang lại khá nhiều tiện lợi cho người tiêu dùng. Khác với đi chợ truyền thống phải mất nhiều thời gian và không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đi chợ online trong bối cảnh hiện nay không chỉ giúp người dân tránh khỏi nguy cơ lây lan dịch bệnh, mà còn tiết kiệm thời gian, truy xuất được nguồn gốc và giá cả cũng ổn định… Những lợi ích này còn giúp gia tăng thêm tệp người dùng mới là nhóm khách hàng trung niên cho thương mại điện tử.

Ông Deridian Nurhalim, chuyên viên Truyền thông - Marketing, iPrice Singapore cho hay, một số website và sàn thương mại điện tử của Việt Nam năm vừa qua đã vươn lên thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng của khu vực Đông Nam Á, như Tiki, Sendo, Bách hóa Xanh… 

"Thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang có động lực tăng trưởng rất tốt. Giai đoạn đại dịch bùng phát đã phần nào kích thích nhu cầu tiêu dùng trực tuyến, chuyển đổi nhanh hơn hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên cùng lúc, việc chống dịch thành công đã giúp doanh nghiệp Việt vẫn trụ được để đón đầu xu hướng tiêu dùng bùng nổ sau dịch", ông Deridian Nurhalim nhận định.