Cho vay bất động sản tăng hơn 9%, lãi suất vay mua nhà đang xuống thấp


Tín dụng bất động sản nhích tăng và lãi suất cho vay mua nhà có xu hướng giảm. Các ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy vốn cho lĩnh vực này.

Sự phục hồi của thị trường bất động sản và lãi suất cho vay ở lĩnh vực này từ đầu năm đến nay khá “dễ thở” là yếu tố khiến tín dụng bất động sản tăng. Ảnh: Ngọc Linh
Sự phục hồi của thị trường bất động sản và lãi suất cho vay ở lĩnh vực này từ đầu năm đến nay khá “dễ thở” là yếu tố khiến tín dụng bất động sản tăng. Ảnh: Ngọc Linh

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay đạt mức 9%. Trong số 14,7 triệu tỷ đồng được hệ thống ngân hàng cho vay ra nền kinh tế, tín dụng bất động sản chiếm khoảng hơn 20%.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến cuối quý 3/2024, tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, đã tăng thêm 9,15% so với đầu năm. Trong đó, phần dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tự sử dụng đạt 1,88 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,62%; dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng hơn 16%, đạt 1,26 triệu tỷ đồng.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự phục hồi của thị trường bất động sản và lãi suất cho vay ở lĩnh vực này từ đầu năm đến nay khá “dễ thở” là yếu tố khiến tín dụng bất động sản tăng.

Khảo sát từ các ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất cho vay mua nhà của một số ngân hàng có xu hướng giảm và được đánh giá là thấp nhất kể từ đầu năm 2024. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) triển khai gói vay mua nhà thời hạn vay tới 40 năm với lãi suất 6,5% cố định trong 6 tháng, 7%/năm cố định 12 tháng, 7,5%/năm cố định 24 tháng và 8,5% cố định trong 60 tháng. Sau thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất cơ sở do ngân hàng công bố cộng với 3%.

Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất cho vay mua nhà được ưu đãi từ 5,4%/năm, thời hạn vay không quá 12 tháng; lãi suất từ 5,5%/năm cố định trong 1 năm hoặc 6% cố định trong 2 năm, thời hạn vay tối đa 30 năm. Sau thời gian ưu đãi, Vietcombank tính lãi suất cho vay bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng cộng với 3,5% (hiện nay lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng là 4,6%/năm).

Tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), khách hàng có nhu cầu vay mua nhà được lựa chọn các gói lãi suất như cố định 6,0%/năm trong 12 tháng đầu; cố định 6,2%/năm trong 18 tháng, cố định 6,7%/năm trong 24 tháng đầu, hoặc cố định 8,2%/năm trong 36 tháng đầu. Biên độ lãi suất sau ưu đãi là 3,5%, hiện tại lãi suất thả nổi của VietinBank rơi vào khoảng 9%/năm.

Đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), mức lãi suất vay mua nhà danh cho khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội được nhà băng này áp dụng tối thiểu là 5%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên với kỳ hạn 36 tháng; hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng đầu tiên với kỳ hạn 60 tháng. Đối với khách hàng tại các địa phương khác, mức lãi suất vay mua nhà tối thiểu là 6%/năm cố định trong 24 tháng hoặc 7%/năm trong 36 tháng đầu tiên.

Với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi suất cho vay mua/xây sửa nhà đang được áp dụng 0% cố định trong 3 tháng đầu; 6,6% cố định trong 12 tháng đầu; 7,6% cố định trong 24 tháng đầu; 8,6% cố định trong 36 tháng đầu. Sau ưu đãi là lãi suất “thả nổi”, hiện tại rơi vào khoảng 11,4%.

Theo Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nguồn vốn tín dụng cung ứng cho nền kinh tế vẫn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và cho vay bất động sản vẫn nằm trong “room” cho phép. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình và đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (gói tín dụng 120.000 tỷ đồng).

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - cho biết, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh giải ngân Chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, góp phần thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.

Liên quan tới cho vay nhà ở xã hội, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, sau hơn một năm triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được gần 1%, tức khoảng 1.344 tỷ đồng. Trong số này 1.295 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 12 dự án và còn lại là cho người mua nhà.

Nguồn vốn cho gói tín dụng 120.000 tỷ là từ 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank. Bên cạnh đó, có 20 tỷ từ 4 ngân hàng thương mại cổ phẩn là TPBank, VPBank, MB và Techcombank đăng ký tham gia, mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.

Theo Báo Công Thương