Chống dịch hiệu quả nhưng không đình đốn hoạt động sản xuất, kinh doanh


Việc chống dịch không làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân. Duy trì, phát triển sản xuất cần bảo đảm các hoạt động đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân trong điều kiện bình thường mới.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về công tác phòng chống dịch Covid-19. Nguồn: baochinhphu.vn
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về công tác phòng chống dịch Covid-19. Nguồn: baochinhphu.vn

Đây là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 24/2 về công tác phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện những giải pháp này không chỉ phục vụ ngay cho công tác phòng chống dịch mà còn giúp từng người dân duy trì tinh thần cảnh giác, không lơi lỏng trước dịch bệnh.

Tại cuộc họp, thành viên Chính phủ cùng nhất trí cho rằng, chống dịch quyết liệt nhưng không nên cực đoan mà có biện pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, cho các cơ sở sản xuất. Không thể vì chống dịch mà ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người dân và đây là những điểm mà nếu không giải quyết sớm thì dứt khoát là ảnh hưởng tới tăng trưởng  phát triển.

Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu kép không chỉ giúp duy trì, phát triển sản xuất, mà còn phải bảo đảm các hoạt động đời sống, sinh hoạt hằng ngày của người dân trong điều kiện bình thường mới. Trong nhiều cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, một yêu cầu được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần là các cơ sở y tế, lưu trú, trường học, chợ, siêu thị, bến bãi, phương tiện công cộng, nhà máy, xí nghiệp… cũng phải thực hiện đầy đủ các hướng dẫn phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế, tự đánh giá định kỳ, cập nhật thường xuyên lên bản đồ chống dịch antoancovid.vn.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hiện tồn tại tình trạng tình trạng “ngăn sông, cấm chợ” cực đoan đã khiến việc lưu thông hàng hóa giữa địa phương có ổ dịch, vùng dịch với những nơi khác gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp. 

Năm 2020, trong những ngày căng thẳng của đợt bùng phát dịch, một số địa phương đã có nhiều kinh nghiệm trong vận chuyển, thông thương hàng hóa qua biên giới trong điều kiện dịch bệnh, kinh nghiệm này cần được áp dụng cho những địa phương đang có dịch bệnh hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho người dân và danh nghiệp.

Nhấn mạnh thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng khẳng định, để thực hiện được mục tiêu kép, đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và sự linh hoạt của người chỉ huy trên "chiến trường", vừa chống dịch hiệu quả nhưng không làm đình đốn hoạt động sản xuất, kinh doanh, hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và đời sống người dân.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia, các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo một số biện pháp. Trước mắt, về vấn đề vaccine, tuy có vaccine về đến sân bay, nhưng tinh thần của ngành Y tế phải là thần tốc với những biện pháp mạnh mẽ, kịp thời, quyết liệt hơn để tiêm cho các đối tượng sẽ được quy định rõ hơn tại một nghị quyết của Chính phủ. Thủ tướng giao văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình dự thảo nghị quyết về vấn đề tiêm vaccine với những đối tượng được ưu tiên.

Về lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, nhấn mạnh không ngăn sông cấm chợ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế ban hành ngay quy trình tiêu thụ nhanh các sản phẩm nông nghiệp trong vùng có dịch, vừa bảo đảm yêu cầu phòng dịch, vừa không để ách tắc. Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là các tỉnh đang có dịch có biện pháp cụ thể để kiểm soát dịch, đồng thời đẩy mạnh sản xuất kinh doanh...