Chống đô la hóa nền kinh tế: Nhìn từ lãi suất tiền gửi USD/năm
Để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ (USD) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư 06/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 18/12/2015 thay thế Quyết định 1938/QĐ-NHNN ngày 25/9/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Việc hạ lãi suất huy động và giảm lãi suất về 0% tiền gửi USD của các tổ chức, doanh nghiệp là bước tiếp theo để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách đồng bộ trong điều hành lãi suất các đồng ngoại tệ và là cơ sở cho việc thiết lập mặt bằng lãi suất các đồng ngoại tệ như: đồng Euro, Yên (Nhật), Bảng Anh, Nhân dân tệ…
Đáng chú ý, động thái của NHNN diễn ra chỉ sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất USD lên 0,25%. Khi đó, rất nhiều đồng tiền trên thế giới đã mất giá từ 0,5 - 1,5%, trong đó, VND mất giá khoảng 0,47 - 0,5%.
Thực tế, qua 6 tháng áp dụng chính sách, trên thị trường tài chính – tiền tệ đã xuất hiện khá nhiều kiểu “lách” để huy động và cho vay có lãi suất. Và phản ứng của một số tổ chức, cá nhân về việc đưa trần lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm cho mọi đối tượng là không phù hợp. Trước hết, diễn biến USD gửi vào các ngân hàng giảm, lượng cho vay ngoại tệ cũng giảm; lượng ngoại tệ gửi ra nước ngoài tăng.
Ngoài ra, thay vì trả lãi suất nhiều ngân hàng đã áp cũng chính sách ưu đãi bằng thưởng tiền, quay số, ưu đãi khi người gửi USD. Mặt khác, ngân hàng nhận USD gửi vào với lãi suất 0% và tạo điều kiện cho khách hàng đó được vay nội tệ tới 95% giá trị quy đổi so với số ngoại tệ gửi đó với lãi suất thấp, ổn định, có thời hạn cùng với thời hạn gửi ngoại tệ…
Có thể nói, những diễn biến trên là không thể tránh khỏi, thậm chí chính sách này góp thêm cú hích để gia tăng các hiện tượng đương nhiên đã và đang tồn tại trên thị trường tài chính tiền tệ theo đúng quy luật. Bởi ngân hàng thương mại (NHTM) cũng hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, nên đầu tư vốn vào đâu có lợi hoặc tạo ra kiểu kinh doanh mới không vi phạm chính sách mà thu được lợi nhuận là họ làm.
Thực tế, không phải từ khi NHNN đưa ra chính sách trần lãi suất USD 0%/năm thì mới có các hiện tượng “xé rào” trong các hoạt động “cân nhắc” để chuyển đổi tỷ trọng tín dụng giữa nội tệ và ngoại tệ. Các hoạt động mang tính đô la hóa nền kinh tế cũng đã và đang xảy ra, mà NHNN từ hàng chục năm nay đã có rất nhiều chính sách khắc phục như: Giảm dần lãi suất ngoại tệ, mở ra thị trường ngoại hối, tự do hóa tỷ giá bằng cách xóa các trần “bậc thang” mang tính hành chính cứng để thay bằng cơ chế công bố tỷ giá hàng ngày bằng tỷ giá bình quân thị trường sau giờ đóng cửa hôm trước kèm theo một biên độ hẹp, ngiêm cấm dùng ngoại tệ để niêm yết, mua, bán hàng hóa, dịch vụ nội địa…
Mọi cố gắng trên vẫn chưa chấm dứt hiện tượng đô la hóa, đặc biệt là đô la hóa trong thị trường tín dụng. Khi đưa lãi suất USD về 0%/năm đã có những tác động tích cực đối với công cuộc chống đô la hóa này. Một mặt, NHNN vẫn giữ được chênh lệch đủ hấp dẫn giữa lãi suất VND và USD để khuyến khích gửi tiền VND, tạo thuận lợi cho việc huy động VND của các NHTM.
Mặt khác, đây được xem là công cụ chi phí thấp nhất bởi hiện nay, tỷ lệ lạm phát thấp, trong khi nền kinh tế trong giai đoạn cần tăng trưởng nên về cơ bản, NHNN không thể tăng lãi suất VND, nên khi hạ lãi suất USD về 0%/năm để duy trì chênh lệch hai đồng tiền là việc buộc phải làm nhằm ổn định tỷ giá. Đồng thời, tạo điều kiện để một số kênh đầu tư khác có cơ hội phát triển như đầu tư chứng khoán, bất động sản hay vàng, dù rằng mức dịch chuyển đó không lớn và không bền vững.
Trước hết phải khẳng định rằng, chính sách trần lãi suất USD 0%/năm không phải là chính sách chối bỏ nguồn lực ngoại tệ trong nền kinh tế, mà là sự chối bỏ một cơ chế từ nhiều năm nay đã làm méo mó thị trường tài chính. Không một nền kinh tế thị trường nào cho phép duy trì đồng thời đồng nội tệ và đồng ngoại tệ tham gia vào cả thị trường hàng hóa, dịch vụ lẫn thị trường tín dụng.
Hiện nay, các dòng ngoại tệ vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nguồn: Xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, sức lao động ra nước ngoài, các nguồn đầu tư trực tiếp, gián tiếp của nước ngoài, kiều hối và vay nước ngoài. Các dòng ngoại tệ chảy ngược ra khỏi lãnh thổ gồm: Thanh toán nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, trả nợ tín dụng/trái phiếu, chi cho học tập, công tác du lịch nước ngoài, các nguồn thu nhập, lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chuyển về nước. Tổng thể hai dòng ngoại tệ vào và ra trên không phải lúc nào cũng cân bằng, ngay khi cả thặng dư tổng thể vẫn có thể thiếu thanh khoản cụ thể.
Chính vì vậy, các NHTM và Chính phủ một mặt vẫn phải có tài khoản tiền gửi ở nước ngoài, mặt khác vẫn phải vay nước ngoài khi giá cao hơn trong nước. Ngoài ra, việc NHNN công bố chính sách trần lãi suất USD 0%/năm là chính sách chống đô la hóa tích cực và không liên quan đến việc trùng hay không trùng với điểm FED công bố tăng lãi suất lên 0,25%/năm.
Chính sách này về bản chất không chối bỏ một nguồn lực ngoại tệ trong nước mà là thay cơ chế tín dụng ngoại tệ bằng cơ chế mua bán trên thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, việc áp dụng lãi suất USD 0%/năm đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các NHTM, đặc biệt là nguồn cung USD cho hệ thống ngân hàng bị hạn chế.
Lãi suất thấp có thể dẫn tới nhu cầu bán USD lấy VND, cung USD trên thị trường tăng nhưng trong NHTM lại khan hiếm. Khi lãi suất huy động hạ kéo theo lãi suất cho vay giảm nên doanh nghiệp muốn đi vay USD. Nếu xu thế này diễn ra, hệ quả là đến hạn trả nợ vay USD, cầu ngoại tệ sẽ tăng lên và làm tỷ giá biến động, ảnh hưởng đến vay nợ nước ngoài bằng USD.
Bên cạnh đó, rủi ro thanh khoản cũng là áp lực của các NHTM, bởi thay vì gửi tiết kiệm USD với kỳ hạn dài (6 tháng, 1 năm hoặc dài hơn) như trước đây, hiện nay, người dân chỉ gửi USD không kỳ hạn. Tình trạng này khiến các NHTM bị động về nguồn vốn ngoại tệ cho vay và đứng trước rủi ro thanh khoản ngoại tệ.
Để chính sách này phát huy những tác động tích cực trong công cuộc chống đô la hóa và hoạt động của hệ thống NHTM ổn định, phát triển lành mạnh, theo tác giả, Nhà nước cần đưa ra các chính sách đồng bộ gồm tạo thị trường mua bán USD hiệu qua thông qua cơ chế khơi thông, tự do hóa, bổ sung hàng hóa cho thị trường ngoại hối, thị trường trái phiếu ngoại tệ phát triển; tạo các chính sách khuyến khích phát triển nền kinh tế giá trị gia tăng để thu hút ngoại tệ qua xuất khẩu hàng hóa, thành phẩm thay dần nguồn thu từ bán nguyên liệu thô; hoàn thiện các chính sách bảo vệ giá trị sức mua đồng nội tệ thông qua các nghiệp vụ của ngân hàng trung ương phải ngày càng độc lập với chính phủ theo thông lệ quốc tế.
Ngoài ra, phải có các cơ chế mới tạo điều kiện cho các NHTM huy động USD đảm bảo nhu cầu cho vay và thanh khoản. Hiện nay, trong lưu thông tồn tại một lượng lớn USD trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở các NHTM và người dân có quyền rút ra bằng ngoại tệ mà không bị pháp luật cấm. Đồng USD được coi là một phương tiện cất trữ, thanh toán giữa người dân với nhau.
Luật không cấm người dân quyền sở hữu và sử dụng USD, nên nếu dân có nhu cầu thanh toán cho nhau bằng đồng USD vẫn được chấp nhận. USD sẽ tiếp tục còn đổ vào Việt Nam thông qua kiều hối, du lịch, tiền công của người lao động ở nước ngoài gửi về. Với một nền kinh tế đang rất cần vốn thì đây là một lượng tiền cần phải được huy động. Do vậy, NHNN có thể dùng cách khác để ngăn chặn tình trạng đô la hóa mà vẫn huy động được vốn ngoại tệ, đó là cho gửi USD có lãi nhưng khi rút ra thì chỉ được rút VND theo tỷ giá được các NHTM niêm yết tại thời điểm khách rút tiền.
Chống đô la hóa là mục tiêu lớn của chính sách trần lãi suất USD 0%/năm. Đó là mục tiêu bảo vệ giá trị đồng nội tệ, là lợi ích quốc gia phải lớn hơn mọi mục tiêu cục bộ của một nhóm hay của một vài ngành. Vấn đề đặt ra là phải tìm các chính sách đồng bộ trong toàn nền kinh tế và nhất là trong các ngành tài chính ngân hàng để khơi thông các dòng ngoại tệ trong và ngoài nước. Còn đối với các NHTM, cần khuyến khích sự năng động trong việc tìm ra các hàng hóa hay cơ chế tạo ngoại tệ mà chính sách không cấm.
Tài liệu tham khảo:
1. Anne-Marie Gulde, David Hoelscher,Alain Ize, David Marston, and Gianni De Nicoló. (2006). Financial Stability in Dollarized Economies.OCCASIONAL PAPER, IMF;
2. Phạm Tiên Phong, Thành công trong việc kiểm soát đô la hóa – Kinh nghiệm của Ngân hàng Nhà nước, Tạp chí Ngân hàng số 7/2016;
3. http://www.sbv.gov.vn