Nâng hạng thị trường chứng khoán: Từ quyết tâm chính sách đến triển vọng thực chất

Mai Thư

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không còn là khẩu hiệu chính sách mà đã trở thành một chiến lược hành động rõ ràng, được tổ chức thực hiện trên nhiều mặt trận – từ hoàn thiện thể chế, cải thiện hạ tầng kỹ thuật đến đối thoại chủ động với các tổ chức xếp hạng quốc tế. Đặt mục tiêu được công nhận thị trường mới nổi vào kỳ đánh giá tháng 9/2025, cơ quan quản lý đang thể hiện sự nhất quán và quyết liệt hiếm thấy, trong khi các tổ chức đầu tư cũng bắt đầu điều chỉnh kỳ vọng theo hướng tích cực hơn.

TTCK Việt Nam hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX.
TTCK Việt Nam hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX.

Tăng tốc cải cách

Cam kết nâng hạng TTCK Việt Nam đã từng nhiều lần được nêu trong các chiến lược phát triển kinh tế – tài chính quốc gia. Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây, quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng chuỗi hành động mang tính hệ thống.

Một điểm nhấn then chốt là việc chính thức vận hành hệ thống giao dịch KRX từ tháng 5/2025 – bước tiến được các tổ chức xếp hạng quốc tế đánh giá là điều kiện kỹ thuật nền tảng để cải thiện tính minh bạch, khả năng thanh toán, và chuẩn bị cho các nghiệp vụ phức tạp hơn như giao dịch T+0 và thanh toán bù trừ tập trung (CCP).

Tại buổi họp báo chuyên đề quý II do Bộ Tài chính tổ chức ngày 2/7/2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định: “Mục tiêu nâng hạng không chỉ là dấu mốc định danh thị trường mà còn là một trong những trụ cột chiến lược phục vụ quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế. Nâng hạng là cơ hội để TTCK Việt Nam gia nhập dòng chảy lớn hơn của tài chính toàn cầu, qua đó thu hút dòng vốn dài hạn chất lượng cao.”

Để đạt được điều đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, vấn đề không chỉ nằm ở kỹ thuật mà là “cảm nhận thực tế” của nhà đầu tư quốc tế về sự thuận tiện trong tiếp cận và tham gia thị trường. Điều này đòi hỏi một cấu trúc pháp lý thống nhất, minh bạch và phù hợp với chuẩn mực quốc tế – từ thủ tục mở tài khoản đến quy trình giao dịch, lưu ký và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Trong bối cảnh đó, một loạt thông tư quan trọng đã được ban hành và áp dụng, thể hiện sự chủ động đáng kể từ phía cơ quan quản lý. Nổi bật là Thông tư số 68/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính – bãi bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tổ chức. Kế đến là Thông tư số 03/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước – đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản vốn bằng ngoại tệ, cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. Song song, mô hình tài khoản tổng đang được hoàn thiện, giúp các quỹ đầu tư vận hành hiệu quả và linh hoạt hơn trong thanh toán, quản lý danh mục.

Thực tế, theo báo cáo “Triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm 2025” của SHS Research, các yếu tố kỹ thuật cơ bản để được nâng hạng đã và đang tiệm cận đáng kể. Sự vận hành ổn định của hệ thống KRX trong hai tháng đầu sau triển khai được đánh giá là tín hiệu tích cực – không chỉ về mặt công nghệ, mà còn cho thấy sự sẵn sàng về nhân lực và quy trình kiểm soát rủi ro.

Tuy nhiên, theo SHS, để có thể thực sự được nâng hạng, không thể chỉ dừng lại ở “sự có mặt” của hệ thống kỹ thuật hay khung pháp lý. Quan trọng hơn là tính ổn định, minh bạch và dễ đoán trong vận hành – đặc biệt trong các tình huống phát sinh, điều chỉnh hoặc xử lý sự cố. Đây là điều mà các tổ chức như FTSE Russell hay MSCI thường theo dõi trong ít nhất 6 tháng trước khi đưa ra đánh giá cuối cùng.

So với tiêu chí quốc tế: Khoảng cách đang thu hẹp, nhưng chưa triệt để

Để được nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi theo chuẩn FTSE Russell, một quốc gia cần đạt đầy đủ các tiêu chí liên quan đến quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), hiệu quả thanh toán, mức độ công khai thông tin, bảo vệ nhà đầu tư, và tính minh bạch của thể chế. Trong khi một số điều kiện đã cơ bản hoàn thành, vẫn còn tồn tại các điểm nghẽn cần tháo gỡ triệt để nếu muốn thuyết phục các tổ chức quốc tế.

Một trong những vấn đề lớn nhất là giới hạn sở hữu nước ngoài trong các ngành nghề có điều kiện. Dù đã có tín hiệu tích cực từ việc sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, các nội dung điều chỉnh vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện. Câu hỏi không còn là “có nới hay không”, mà là “bao giờ” và “theo lộ trình nào” – yếu tố quan trọng để củng cố kỳ vọng của NĐTNN.

Bên cạnh đó, yêu cầu công bố thông tin song ngữ (Việt – Anh), áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) và chuẩn hóa hoạt động quản trị công ty – đặc biệt ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ – vẫn đang ở mức khuyến nghị chứ chưa trở thành chuẩn bắt buộc. Đây là những yếu tố thường bị đánh giá là “mềm”, nhưng lại có trọng số lớn trong các chỉ tiêu về tính mi nh bạch và công bằng.

TTCK Việt Nam hiện có khoảng 1.700 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên HOSE và HNX, nhưng số lượng doanh nghiệp tuân thủ công bố thông tin song ngữ, áp dụng IFRS hoặc có bộ phận quan hệ nhà đầu tư chuyên trách vẫn còn khiêm tốn. Trong khi đó, các thị trường mới nổi tiêu chuẩn đều duy trì tỷ lệ này ở mức cao để đảm bảo không tạo “bẫy minh bạch” trong đánh giá doanh nghiệp.

Một điểm đáng lưu tâm nữa là mô hình CCP – hiện mới áp dụng trên thị trường phái sinh, chưa triển khai đầy đủ trên thị trường cơ sở. UBCKNN đang đề xuất sửa đổi khung pháp lý để áp dụng CCP toàn diện. Bởi nếu mô hình này không kịp vận hành đồng bộ, sẽ khó thuyết phục các tổ chức xếp hạng rằng hệ thống thanh toán Việt Nam đủ khả năng xử lý rủi ro khi dòng vốn quốc tế tăng mạnh sau nâng hạng.

UBCKNN đang đề xuất sửa đổi khung pháp lý để áp dụng CCP toàn diện.
UBCKNN đang đề xuất sửa đổi khung pháp lý để áp dụng CCP toàn diện.

Chiến lược sau nâng hạng: Không phải đích đến mà là điểm khởi đầu

Theo SHS Research, trong kịch bản khả quan, TTCK Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng trong kỳ đánh giá tháng 9 tới, trước khi được chính thức nâng hạng vào năm 2026. Dù chưa phải công nhận cuối cùng, việc được đưa vào danh sách theo dõi đã là cú hích tâm lý quan trọng với nhà đầu tư, thể hiện rằng Việt Nam đang nằm trong “tầm ngắm” của các quỹ toàn cầu.

Tác động của nâng hạng không chỉ dừng lại ở dòng vốn thụ động từ các quỹ ETF – vốn có thể lên đến hàng chục tỷ USD đến năm 2030 theo ước tính của World Bank. Quan trọng hơn, đó là sự nâng cấp hình ảnh thị trường tài chính Việt Nam trong mắt giới đầu tư tổ chức, từ chỗ “thị trường tiềm năng” trở thành “thị trường được lựa chọn”.

Tuy nhiên, nâng hạng cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về quản trị rủi ro, chuẩn hóa hệ thống và ứng xử có kỷ luật của nhà đầu tư trong nước. Lịch sử từng chứng minh, thanh khoản tăng đột biến nếu không đi kèm cải cách thể chế và giám sát hiệu quả sẽ gây ra biến động không kiểm soát. Do đó, mục tiêu nâng hạng cần gắn liền với định hướng cải cách sau nâng hạng – tức không chỉ đạt chuẩn một lần mà duy trì chuẩn mực một cách liên tục.

Phát biểu tại họp báo ngày 2/7, ông Hoàng Văn Thu - Phó Chủ tịch UBCKNN nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định nâng hạng là một quá trình chiến lược, không phải kết quả tức thì. Vì vậy, kể cả sau khi được công nhận là thị trường mới nổi, các nỗ lực cải thiện vẫn phải tiếp tục, hướng tới sự hài lòng lâu dài của nhà đầu tư – cả trong và ngoài nước.”

Theo đó, Bộ Tài chính và UBCKNN sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các tổ chức quốc tế, chuẩn bị báo cáo đánh giá gửi FTSE Russell vào tháng 8, duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà đầu tư và tổ chức xếp hạng để đảm bảo sự minh bạch, khách quan trong tiếp nhận phản hồi và xử lý các vấn đề tồn đọng.

Định vị lại thị trường vốn trong chiến lược phát triển quốc gia

TTCK không chỉ là nơi huy động vốn cho doanh nghiệp, mà đang ngày càng trở thành một trụ cột trong chiến lược tài chính quốc gia. Trong bối cảnh dư địa ngân sách hạn chế, nhu cầu vốn trung – dài hạn gia tăng mạnh mẽ, việc nâng hạng thị trường vốn không đơn thuần là mục tiêu kỹ thuật, mà đã trở thành động lực thúc đẩy cải cách thể chế, hiện đại hóa hạ tầng vận hành và mở rộng kết nối với dòng vốn toàn cầu.

Việt Nam đang đi đúng hướng với lộ trình cải cách được triển khai đồng bộ và có chiều sâu. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia nhận định, việc được nâng hạng không phải là phần thưởng, mà là một bước tiến quan trọng giúp TTCK Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển ở tầm chuẩn mực cao hơn – nơi minh bạch, ổn định và khả năng thích ứng đóng vai trò quan trọng then chốt. Đây cũng chính là yêu cầu tất yếu nếu TTCK muốn đảm nhận vai trò lâu dài và vững chắc hơn trong cấu trúc tăng trưởng kinh tế.