Cổ phiếu trụ dẫn sóng, thị trường nửa cuối năm 2025 vào pha chọn lọc

Mai Thư

Sau những giai đoạn điều chỉnh mang tính thanh lọc, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang dần lấy lại nhịp hồi phục ổn định. Trên nền tảng đó, dưới góc nhìn chiến lược của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS), giai đoạn cuối năm 2025 được đánh giá là thời điểm thuận lợi để nhà đầu tư hướng đến các cơ hội dài hạn, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đón nhận lực đẩy chính sách và tiến trình cải cách đang phát huy hiệu quả.

Tính đến cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đạt 1.371 điểm.
Tính đến cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đạt 1.371 điểm.

Nửa đầu năm, thị trường tăng trong nghi ngờ, phân hóa rõ nét

Nửa đầu năm 2025, TTCK Việt Nam có diễn biến phục hồi khả quan về điểm số, song tâm lý nhà đầu tư vẫn cho thấy sự phân hóa rõ nét. Tính đến cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đạt 1.371 điểm, tăng gần 20% so với vùng đáy thiết lập trong tháng 1 và tăng hơn 13% so với cuối năm 2024.

Tính đến cuối tháng 6, chỉ số VN-Index đạt 1.371 điểm, tăng gần 20% so với vùng đáy thiết lập trong tháng 1 và tăng hơn 13% so với cuối năm 2024.

Dù xu hướng tăng được xác lập, nhiều tổ chức phân tích – trong đó có MAS Research – đánh giá đà hồi phục vẫn diễn ra trong trạng thái "thiếu đồng thuận", khi dòng tiền chưa cho thấy dấu hiệu bền vững, tâm lý thị trường biến động, và hoạt động giao dịch mang tính ngắn hạn, chưa định hình rõ chiến lược trung – dài hạn.

Đáng chú ý trong giai đoạn này là vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu thuộc họ Vingroup. Theo báo cáo chiến lược 6 tháng cuối năm 2025 của MAS, các mã VIC, VHM và VRE ghi nhận mức tăng giá mạnh, đóng góp gần 160 điểm vào đà tăng của VN-Index chỉ trong ba tháng (từ tháng 4 đến tháng 6).

Nếu loại trừ tác động từ nhóm cổ phiếu này, mức tăng thực tế của thị trường chỉ vào khoảng 5–6% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với con số 13% của chỉ số chung. Điều này phản ánh sự phụ thuộc lớn vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn, thay vì sự lan tỏa đồng đều trên toàn thị trường – một đặc điểm từng xuất hiện trong các giai đoạn trước và có thể làm gia tăng rủi ro điều chỉnh trong thời gian tới.

Điều đó đặt ra câu hỏi về độ bền của xu hướng tăng và vai trò của dòng tiền trong việc duy trì đà phục hồi. Thanh khoản trong nửa đầu năm duy trì ở mức cao, phần nào cho thấy sự quan tâm của dòng tiền trong nước. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân tháng 6 đạt khoảng 21.000 tỷ đồng mỗi phiên, tăng hơn 11% so với tháng trước và cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.

Dòng vốn trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, trong khi khối ngoại và các quỹ ETF có dấu hiệu cải thiện nhưng chưa ổn định. Cụ thể, khối ngoại ghi nhận mua ròng trở lại trong tháng 6 với tổng giá trị khoảng 347 tỷ đồng, đánh dấu bước chuyển tích cực sau chuỗi bán ròng kéo dài. Tuy nhiên, hoạt động mua ròng chủ yếu tập trung ở các nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao như ngân hàng, công nghệ và bán lẻ – những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng khi xu hướng thị trường thay đổi.

Ở chiều ngược lại, dòng vốn từ các quỹ ETF vẫn ghi nhận rút ròng hơn 300 tỷ đồng trong tháng 6, nâng tổng giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm lên khoảng 7.200 tỷ đồng (tương đương 283 triệu USD), tập trung tại các quỹ Fubon FTSE Vietnam, VN30 ETF và Xtrackers.

Hoạt động giao dịch trong giai đoạn này vẫn tập trung vào các mã có thanh khoản cao và biến động lớn, cho thấy quá trình sàng lọc trên thị trường đang diễn ra mạnh mẽ. Sự ổn định chỉ có thể được củng cố khi dòng vốn dịch chuyển rõ nét sang các nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản vững và định giá hợp lý.

Trong bối cảnh đó, sự phân hóa dòng tiền theo ngành đang trở nên rõ rệt hơn, phản ánh xu hướng lựa chọn có chọn lọc của nhà đầu tư.

Xu hướng thị trường sẽ tùy thuộc vào dòng tiền vào nhóm dẫn dắt.
Xu hướng thị trường sẽ tùy thuộc vào dòng tiền vào nhóm dẫn dắt.

Song song với sự phân hóa của chỉ số, dòng tiền cũng đang có xu hướng dịch chuyển theo từng nhóm ngành cụ thể. Báo cáo của MAS cho rằng cơ hội đầu tư trong nửa cuối năm 2025 sẽ nghiêng về các lĩnh vực có nền tảng cơ bản tốt và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận rõ ràng.

Ngân hàng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với tăng trưởng tín dụng đạt 17,9% trong 5 tháng đầu năm – mức cao nhất trong 5 năm gần đây và vượt mục tiêu cả năm. Nhóm công nghệ (FPT, CMG) duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20% cùng mức định giá hấp dẫn. Ngành Điện – Năng lượng được hưởng lợi từ chính sách điều chỉnh giá điện và định hướng chuyển đổi năng lượng.

Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản vẫn tồn tại nhiều quan điểm trái chiều, nhưng có thể được hỗ trợ trong ngắn hạn nhờ cải cách pháp lý và sự ổn định của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Điểm chung của các nhóm ngành trên là sự phân hóa rõ rệt về khả năng thu hút dòng vốn và triển vọng lợi nhuận.

Thị trường đang bước vào giai đoạn "định giá lại kỳ vọng", trong đó tăng trưởng cần được xây dựng dựa trên các yếu tố nền tảng thay vì chỉ dựa vào yếu tố kỹ thuật hay thông tin ngắn hạn.

Thị trường nửa cuối 2025: Lạc quan có chọn lọc, dòng tiền hướng về nhóm dẫn dắt

Sau giai đoạn phục hồi có chọn lọc trong 6 tháng đầu năm, TTCK Việt Nam bước vào nửa cuối năm 2025 với tâm thế cẩn trọng hơn, khi kỳ vọng đang được điều chỉnh về mức thực tế và bền vững.

Theo báo cáo chiến lược giữa năm của MAS, diễn biến sắp tới của TTCK sẽ phụ thuộc nhiều vào việc dòng tiền có tiếp tục lan tỏa sang các nhóm ngành chủ chốt như Ngân hàng, Công nghệ và Bất động sản – những lĩnh vực được xem là có khả năng dẫn dắt xu thế hồi phục nếu được hỗ trợ bởi các chính sách hợp lý và nền tảng vĩ mô ổn định.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các động lực nội địa, trong đó có đầu tư công, tín dụng và chính sách tiền tệ linh hoạt. Mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức hợp lý, cùng với tỷ giá ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát (CPI 5 tháng ở mức 3,2%), tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ thế cân bằng giữa hỗ trợ tăng trưởng và ổn định vĩ mô. Tỷ giá USD/VND giảm nhẹ khoảng 2,5% từ đầu năm đến hết tháng 5, vẫn nằm trong biên độ mục tiêu điều hành.

Dù vậy, bức tranh không hoàn toàn thuận chiều khi các yếu tố ngoại biên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường, bao gồm những biến động khó lường từ môi trường địa chính trị và xu hướng điều hành chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế lớn. Mặc dù chưa xây dựng các kịch bản điểm số cụ thể, những cảnh báo này cho thấy mức độ nhạy cảm của thị trường trong bối cảnh toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định, đòi hỏi sự thận trọng trong định hướng chiến lược.

Một điểm sáng khác là tiến độ giải ngân đầu tư công – được MAS đánh giá là kênh lan tỏa hiệu quả của chính sách tài khóa. Tính đến cuối tháng 5, mức giải ngân đạt hơn 32% kế hoạch năm, cao hơn cùng kỳ và có khả năng tiếp tục tăng tốc trong các quý còn lại, đặc biệt tại các dự án hạ tầng, năng lượng và logistics. Đây là cơ sở để kỳ vọng nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, thép, vật liệu và chứng khoán sẽ nhận được sự quan tâm của dòng vốn.