Chống độc quyền sau chuyển nhượng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Yêu cầu về chống độc quyền sau nhượng quyền khai thác cảng hàng không theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia là khó nhưng không phải là không có cách thực hiện. Sẽ có những nguyên tắc, biện pháp hành chính để tránh tình trạng độc quyền trong khai thác cảng hàng không sân bay sau khi chuyển nhượng với mục tiêu quan trọng nhất là khai thác hiệu quả hạ tầng hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời bảo đảm công tác an ninh, an toàn hàng không.

Hạ tầng hàng không có nhiều tiềm năng nhưng vấn đề quan trọng là cách thức để thu hút nhà đầu tư như thế nào? Nguồn: internet
Hạ tầng hàng không có nhiều tiềm năng nhưng vấn đề quan trọng là cách thức để thu hút nhà đầu tư như thế nào? Nguồn: internet

Tại hội thảo về xã hội hóa quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay ở Việt Nam mới đây, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành hàng không cần lượng vốn rất lớn để đầu tư vào kết cấu hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển, trong khi nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất khó khăn, quỹ đầu tư của các doanh nghiệp cũng chỉ đáp ứng được một phần... Trong bối cảnh đó, việc khai thác được các nguồn vốn khác trong xã hội đầu tư vào hàng không là vô cùng cấp thiết. Hạ tầng hàng không có nhiều tiềm năng nhưng vấn đề quan trọng là cách thức để thu hút nhà đầu tư như thế nào? Theo ông Lại Xuân Thanh, thị trường hàng không rất tiềm năng và có sức thu hút lớn. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm vì còn nhiều công trình có thể đầu tư. Một trong những lợi thế cạnh tranh của cảng hàng không nước ta là tình hình chính trị ổn định. Đây là yếu tố rất quan trọng trong đầu tư hạ tầng hàng không.

Thực tế, đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó có chuyển nhượng quyền khai thác thương mại tài sản nhà nước là một giải pháp quan trọng để bù đắp cho nguồn vốn đầu tư có nguy cơ thiếu hụt, giảm bớt áp lực cho ngân sách, đồng thời có thể bảo đảm cho việc phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhấn mạnh, 3 nguyên tắc để bảo đảm sự thành công của công cuộc xã hội hóa cảng hàng không, sân bay là: minh bạch, giám sát và tạo áp lực cạnh tranh. Chỉ có công khai, minh bạch thì mới thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực. Cùng với đó thì việc giám sát hoạt động này cần sự tham gia của các đơn vị độc lập để bảo đảm sự khách quan dựa trên phản ứng của thị trường và can thiệp của nhà nước.

Một yếu tố then chốt liên quan tới đầu tư hạ tầng hàng không là việc định giá tài sản của cảng hàng không. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Phạm Quý Tiêu cho biết, đối với việc định giá với các hạ tầng hàng không như: Nhà ga T1, sảnh E, Sân bay Phú Quốc sẽ do Bộ Tài chính chủ trì. Bộ Giao thông - Vận tải  sẽ cùng Bộ Tài chính định giá và công khai sau khi công khai các vấn đề pháp lý. Nếu có một nhà đầu tư thì sẽ xem xét còn nếu có hai hay ba nhà đầu tư trở lên thì sẽ tiến hành đấu thầu.

Trên thực tế, ngay sau khi Bộ Giao thông - Vận tải đưa ra chủ trương cho phép các doanh nghiệp tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không, đẩy mạnh huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu như: nhượng quyền khai thác Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, nhà ga T1- Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, nhà ga cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Vấn đề đặt ra là việc chuyển nhượng quyền khai thác cảng hàng không phải kiểm soát được tình trạng độc quyền. Muốn vậy, Nhà nước cần có cơ chế kiểm soát và chính sách để vừa tạo sự cạnh tranh lành mạnh, vừa hỗ trợ cho DN khai thác kinh doanh hiệu quả nhất.

Ngay trong dự thảo Nghị định về quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay khi thực hiện Luật Hàng không đã bổ sung quy định việc xã hội hóa phải bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền kinh doanh, khai thác của các doanh nghiệp khai thác khác theo quy định của pháp luật; trong hợp đồng nhượng quyền phải có quy định về lộ trình tăng giá. Nguyên tắc trong trường hợp này là nhà đầu tư phải thực hiện kế hoạch đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đang quản lý phù hợp với quy hoạch được duyệt, tham gia bảo đảm an ninh quốc phòng khi có yêu cầu của nhà nước. Ngoài năng lực tài chính, nhà đầu tư phải có năng lực vận hành, khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực để thực hiện, việc vận hành khai thác phải bảo đảm tất cả các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.