Chống hàng giả, hàng nhái: Cần sự chủ động của doanh nghiệp
Là tuyến đầu trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, cơ quan hải quan đã được pháp luật trao cho quyền chủ động áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý hàng hóa có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT. Song, cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái chỉ cân sức nếu có sự chủ động phối hợp của doanh nghiệp.
Hiệu quả nhờ phối hợp
Quyền chủ động là một trong những nội dung mới được đưa vào Luật Hải quan 2014. Theo đó, cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện việc kiểm soát biên giới, nếu có cơ sở nghi ngờ hàng hóa đó là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ (SHTT) thì có quyền được áp dụng các biện pháp như khám xét phương tiện, khám xét hàng hóa hoặc tạm giữ phương tiện, hàng hóa để làm cơ sở cho việc xử lý.
Điều đáng nói là việc thực hiện quyền chủ động của hải quan không thể có hiệu quả cao nếu thiếu sự phối hợp của doanh nghiệp sở hữu quyền SHTT. Nhận thức được quyền của mình, gần đây các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền SHTT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Số lượng doanh nghiệp chủ động nộp đơn kiến nghị về việc bị xâm phạm quyền SHTT cho cơ quan hải quan có chiều hướng tăng lên. Tại một số địa phương, đã thiết lập được kênh thông tin thường xuyên giữa doanh nghiệp chủ sở hữu quyền SHTT và cơ quan hải quan.
Trên cơ sở đó, cơ quan hải quan chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến SHTT và tạm dừng làm thủ tục, bắt giữ nhiều vụ nhập khẩu hàng nhái, hàng giả. Không chỉ chủ động nộp đơn yêu cầu bảo hộ quyền SHTT đối với nhãn hiệu hàng hóa của mình tại biên giới, nhiều doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ hải quan trong việc phân biệt hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu được bảo hộ của mình.
Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Hải quan, với sự phối hợp từ doanh nghiệp, thời gian qua cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều vụ xâm phạm quyền SHTT. Điển hình là vụ lô hàng quá cảnh thuốc lá JET và hình đầu con sư tử do Hải quan Đà Nẵng phát hiện; vụ nhập khẩu linh kiện, phụ tùng xe máy vi phạm nhãn hiệu của hãng HONDA do Hải quan Lạng Sơn phát hiện; vụ ngăn chặn xâm phạm nhãn hiệu bóng đèn OSRAM, giả nhãn hiệu W và WILSON của sản phẩm dụng cụ thể thao của Công ty WILSON do Hải quan TP Hồ Chí Minh phối hợp với chủ sở hữu thực hiện...
Chưa thực sự quan tâm
Hiện chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về SHTT để cập nhật thông tin, phản ánh thông lệ quốc tế về kiểm soát biên giới, trong khi hàng hóa xuất nhập khẩu đa dạng, khó phân biệt, hoạt động buôn lậu, hoạt động buôn bán hàng giả, hàng vi phạm nhãn hiệu diễn ra ngày càng phức tạp và tinh vi. Trong khi đó, trình độ nhận thức của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hải quan về tầm quan trọng của bảo hộ quyền SHTT còn thấp.
Hầu hết cán bộ, công chức đều có kiến thức hạn chế về việc phát hiện hành vi xuất nhập khẩu hàng hóa có vi phạm quyền SHTT, phân biệt hàng thật với hàng giả... Đây đều là những vấn đề cần thời gian dài để khắc phục. Do đó, trong thời gian tới, việc kiểm tra, giám sát để bảo hộ quyền SHTT vẫn là thách thức lớn đối với hải quan.
Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Thanh Hồng cho biết, hiện nay có đến 90% hàng hóa là hàng giả, hàng nhái được sản xuất ở nước ngoài và nhập khẩu vào Việt Nam để tiêu thụ. Ngay cả phương thức sản xuất hàng giả cũng được đưa vào Việt Nam, dẫn đến việc thậm chí một số quốc gia đã thông báo thông tin về việc hàng giả xuất phát từ Việt Nam bị xử lý khi nhập khẩu.
Thực trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra với mọi loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là hàng hóa đã qua quá trình đăng ký, kiểm định chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế theo ông Hồng, việc doanh nghiệp chủ động vào cuộc với cơ quan hải quan về cả nhân lực lẫn tài chính sẽ giúp giảm thiểu khó khăn cho chính các doanh nghiệp trên mặt trận chống hàng giả.
Còn theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đỗ Thanh Lam, thời gian qua, bên cạnh một số doanh nghiệp phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, thờ ơ, thậm chí né tránh việc thông báo về hàng giả, hàng nhái vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, doanh thu sản phẩm của mình. Không ít doanh nghiệp còn lo ngại nếu như công bố đặc điểm nhận dạng hàng giả hàng nhái của sản phẩm mình thì đó lại chính là cơ sở giúp các đối tượng tiếp tục sản xuất hàng giả hàng nhái một cách tinh vi và thật hơn.
Thực tế, theo ông Lam, trong cuộc chiến phòng và chống hàng giả, doanh nghiệp giữ vai trò vô cùng quan trọng, bởi doanh nghiệp là người hiểu rõ hàng hóa của mình hơn ai hết. Công tác chống hàng giả sẽ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự tham gia một cách chủ động, tích cực từ phía các doanh nghiệp.
Bởi vậy, các doanh nghiệp nên quan tâm đến việc xây dựng bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hoặc có đại diện sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp mình; chủ động tham gia vào các vụ việc kiểm tra của quản lý thị trường khi có yêu cầu; nghiên cứu để áp dụng các biện pháp bảo vệ sản phẩm, hàng hóa của mình để tránh bị làm giả. Đồng thời, tổ chức phương thức quản lý để ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng lọt vào hệ thống phân phối sản phẩm, hàng hóa. Chủ động theo dõi, phát hiện và kiến nghị cơ quan hải quan để kịp thời xử lý các hành vi làm giả, làm nhái hàng hóa.
Trưởng phòng Thực thi và Giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu trí tuệ Nguyễn Thanh Hồng: Để bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp, khi phát hiện hàng giả hàng nhái, doanh nghiệp phải nhanh chóng thông báo kịp thời với các cơ quan thực thi về địa điểm xuất hiện; đồng thời cung cấp chính xác cho các cơ quan thực thi những đặc điểm giúp phân biệt hàng thật của doanh nghiệp với hàng giả phát hiện được.