Cảnh báo “biến tướng” trong hoạt động bán hàng đa cấp

PV.

Mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã đưa cảnh báo trước các biến tướng trong hoạt động bán hàng đa cấp, đồng thời đưa ra một số khuyến cáo đối với người dân nhằm tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính.

Ảnh minh họa. Nguồn: saigondautu.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: saigondautu.vn

"Rộ" lừa đảo đa cấp

Bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh. Các nhà phân phối này được trả hoa hồng/thu nhập từ kết quả bán hàng của bản thân họ và kết quả bán hàng của những người do họ bảo trợ.

Theo Điều 32 Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/05/2014 và Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-BCT ngày 30/07/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Cục Quản lý cạnh tranh là đơn vị chịu trách nhiệm cấp, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy, tính đến thời điểm ngày 02/03/2016, cơ quan này đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp cho 67 công ty.

Trong thông báo mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thời gian qua có một số doanh nghiệp lợi dụng mô hình bán hàng đa cấp biến tướng để trục lợi, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân gây ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội và đã bị các cơ quan pháp luật xử lý hình sự như vụ việc MB 24, Colony Invest, Tâm mặt trời….

Đặc biệt, cơ quan công an cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án và bắt tạm giam một số lãnh đạo của Công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Việt Phát để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây là những vụ việc gây hậu quả lớn đối với cộng đồng xã hội.

Đối với trường hợp Công ty Liên kết Việt, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 29/2), đại diện Bộ Công Thương cho biết, sau khi Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiến hành hậu kiểm hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty này vào ngày 15/7/2015. Căn cứ kết quả kiểm tra, cơ quan này đã tiến hành điều tra vụ việc cạnh tranh đối với Công ty và ban hành Quyết định xử phạt Công ty Liên kết Việt 570 triệu đồng về các hành vi vi phạm các quy định trong hoạt động bán hàng đa cấp được quy định tại Nghị định 42/2014 và Thông tư 24/2014/TT-BCT của Bộ Công Thương.

Tháng 11/2015, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với C46 (Bộ Công an) và Công an quận Cầu Giấy kiểm tra hoạt động của Công ty Liên kết Việt tại trụ sở Công ty và đã có nhiều buổi làm việc với đại diện Công ty tại trụ sở Cục và Bộ Công an để làm rõ các nội dung liên quan. Căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khởi tố bị can đối với một số thành viên của Ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt. Tháng 2/2016, Bộ Công an đã ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với một số thành viên ban lãnh đạo Công ty Liên kết Việt.

Theo thống kê sơ bộ, Công ty Liên kết Việt lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 1.900 tỷ đồng. Trong hơn 60.000 nạn nhân của Công ty Liên kết Việt, chủ yếu là cán bộ hưu trí, nông dân, tiểu thương, sinh viên. Phần lớn nạn nhân tham gia vào Liên kết Việt đều không biết đây là đường dây bán hàng đa cấp và đều tin Liên kết Việt là DN của Bộ Quốc phòng. Hàng loạt nạn nhân đã lôi kéo, rủ rê người thân tham gia vào “tập đoàn đa cấp” Liên kết Việt mà không biết mình bị lừa.

Trong khi đó, mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh cũng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thu (SN 1970), trú tại tổ 36, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội, để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.Theo tài liệu của cơ quan điều tra, trước khi bị bắt, Nguyễn Thị Thu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT 3 công ty do đối tượng này lập ra gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Dịch vụ Việt Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Việt Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Phát triển Dịch vụ Việt Phát. Khi giao dịch 3 công ty này đều viết tắt là Công ty Vipha, đóng cùng địa chỉ tại số 19B, tổ 36, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Tháng 8/2014, Thu thành lập các Văn phòng Công ty Vipha trên địa bàn các huyện Thuận Thành, huyện Gia Bình và Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh). Tại đây, mặc dù chưa được cấp giấy phép bán hàng đa cấp của cơ quan có thẩm quyền, chưa đăng ký hàng hóa nhưng Thu đã tổ chức các buổi hội thảo thuyết trình để lôi kéo nhiều người tham gia hoạt động đầu tư vào Công ty Vipha do Thu làm Chủ tịch HĐQT với những chính sách sinh lợi cao do Thu tự vẽ ra.

Đến khoảng tháng 9/2015, Thu giới thiệu với một số người dân tham gia vào hệ thống bán hàng đa cấp của Công ty Vipha bằng cách đầu tư tài chính trên mạng Internet thu lợi nhanh để gỡ vốn đã đầu tư trước đó. Với hoạt động kinh doanh đa cấp, đầu tư tài chính trên mạng ảo bất hợp pháp, chỉ trong thời gian từ tháng 9/2014, đến khi bị bắt, Thu đã lôi kéo được hàng nghìn người dân ở nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình… tham gia với số tiền đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng. Với số tiền thu được, Thu đã sử dụng để trả hoa hồng, duy trì trò lừa đảo cho những người tham gia trước đó, còn lại chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Khuyến cáo từ cơ quan chức năng

Theo các chuyên gia, hiện nay hầu hết các công ty đa cấp làm ăn phi pháp đều không quan tâm đến hàng hóa, chỉ huy động tài chính kêu gọi đầu tư nhiều mã hàng để được hưởng lãi suất cao. Chiêu thức của các công ty đa cấp là núp dưới vỏ bọc mua bán hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ nào đó để hút vốn, thông qua các phiếu thu, đơn mua hàng. Điểm chung của hầu hết các đơn vị này là quảng cáo sai sự thật về sản phẩm và những khoản chi hoa hồng “khủng”.

Trước tình trạng nở rộ lừa đảo đa cấp và ngày càng nhiều người dân trở thành nạn nhân của hoạt động kinh doanh đa cấp phi pháp, nhằm giúp người dân tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, mới đây, Cục Quản lý cạnh tranh đã đưa ra một số khuyến cáo quan trọng đến người dân, cụ thể:

Thứ nhất,cần tìm hiểu thật kỹ doanh nghiệp mà mình dự định định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp như tình trạng đăng ký, uy tín của doanh nghiệp, cách thức hoạt động, chính sách trả thưởng và các sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp. Thông tin về các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (www.vca.gov.vn).

Thứ hai,người muốn tham gia bán hàng đa cấp cần nắm rõ quy định của pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để biết và bảo vệ quyền lợi chính đáng mà mình được hưởng. Nếu tham gia hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp thì phải ký hợp đồng đúng với mẫu hợp đồng Công ty đã đăng ký với Cục Quản lý cạnh tranh.

Thứ ba, cần phải rất cảnh giác trước các thông tin được đưa ra liên quan đến hàng hóa như công dụng của sản phẩm, về lợi ích khi tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp và cần lưu ý các khoản hoa hồng, tiền thưởng chi trả cho nhà phân phối phải xuất phát từ hoạt động bán hàng của doanh nghiệp và bản thân các nhà phân phối. Mọi lời chào mời tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư tài chính mà không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng mô hình đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thứ tư, mọi hình thức thu tiền của người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước mà không qua giao dịch mua bán hàng hóa đều bị pháp luật nghiêm cấm. Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, mức trần chi trả hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích khác cho nhà phân phối là 40% doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp. Vì vậy, mọi cam kết chi trả lớn hơn 40% đều vi phạm quy định của pháp luật.

Thứ năm, cần lưu ý sản phẩm cần phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của nhà phân phối cũng như người tiêu dùng. Nhà phân phối có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại lượng sản phẩm chưa sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có nghĩa vụ mua lại các sản phẩm này với mức giá không thấp hơn 90% giá đã bán cho nhà phân phối, đồng thời, có thể khấu trừ thêm các khoản hoa hồng, tiền thưởng đã trả cho nhà phân phối phát sinh từ lượng sản phẩm được yêu cầu mua lại đó. Ngoài thời hạn này, doanh nghiệp không có nghĩa vụ mua lại sản phẩm đã bán cho nhà phân phối. Vì vậy, nhà phân phối cần tránh mua lượng hàng hóa quá lớn, không phù hợp với khả năng tiêu dùng hoặc bán lại của mình.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng yêu cầu, trong trường hợp, quyền và lợi ích của người tham gia bị xâm hại, cần liên hệ ngay với các cơ quan quản lý (Cục Quản lý cạnh tranh, Sở Công Thương) hoặc nhận thấy doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự cần liên hệ với các cơ quan công an tại các địa phương để được hỗ trợ.


Ngày 19/11/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 124/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong đó có sửa đổi Điều 92 với nhiều quy định nghiêm khắc nhằm siết chặt quản lý bán hàng đa cấp. Theo đó, kể từ ngày 5/1/2016 doanh nghiệp bán hàng đa cấp trả cho người tham gia tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trong 1 năm vượt quá 40% doanh thu sẽ bị phạt 20-30 triệu đồng. Mức phạt tiền 30-50 triệu đồng được áp dụng đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Mức phạt sẽ là 100 triệu đồng nếu việc vi phạm xảy ra trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Trước đó, tháng 5/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp với những quy định chặt chẽ hơn nhằm lập lại trật tự và nâng cao công tác giám sát, quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua việc siết chặt quy định về người tham gia bán hàng đa cấp.