Chống hàng giả, hàng nhái: Quy định có nhưng khó thực thi

Theo Thảo Mộc/daibieunhandan.vn

Tại tọa đàm Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp vừa tổ chức, không ít chuyên gia thẳng thắn cho rằng, những giải pháp hiện nay mới chỉ cắt được ngọn, chưa loại trừ tận gốc rễ vấn nạn hàng nhái, hàng giả, nhất là khi còn nhiều bất cập trong cơ chế quản lý.

Cần phối hợp chặt chẽ trong chống hàng giả, hàng nhái. Nguồn: Internet
Cần phối hợp chặt chẽ trong chống hàng giả, hàng nhái. Nguồn: Internet

Doanh nghiệp “than” xử lý chậm

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp chưa chủ động trong đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền, chưa phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý hành vi xâm phạm và còn tâm lý e ngại khi sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của mình bị làm giả. Chính những điều này đã khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.

Tuy vậy, nhìn ở góc độ khác, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Sản xuất Duy Lợi - một doanh nghiệp có nhiều mặt hàng bị làm giả cho hay, khi doanh nghiệp lên tiếng kêu cứu, yêu cầu giải quyết vụ việc liên quan đến xâm hại quyền sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp thì mong muốn lớn nhất là các cơ quan chức năng khẩn trương hơn nhằm giảm thời gian thụ lý, giải quyết, sớm trả lại môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, truy đến cùng để xử lý những người tiếp tay cho hành vi làm giả, làm nhái sản phẩm của doanh nghiệp đã được chứng nhận quyền sở hữu.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Công ty TNHH thời trang Nón Sơn cho biết, khi một hồ sơ vi phạm chuyển về cho Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thì phải mất rất nhiều thời gian và qua nhiều khâu mới có thể xử lý được. Điều doanh nghiệp cần đó là các cơ quan có thẩm quyền xử lý nhanh, dứt điểm các vụ vi phạm, nhất là phải xử lý thật nghiêm để không còn xảy ra tình trạng tái vi phạm làm hàng giả, hàng nhái như vừa qua.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, Chủ tịch câu lạc bộ kết nối doanh nhân Saigon - ASEAN cho biết, hiện có tới năm cơ quan hành chính có chức năng và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ gồm quản lý thị trường, thanh tra chuyên ngành khoa học - công nghệ; cơ quan thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, cảnh sát kinh tế, UBND các cấp cùng cơ quan hải quan kiểm soát hàng nhập khẩu.

Tuy đông nhưng do hoạt động rời rạc, thiếu sự đồng bộ về chất lượng cũng như số lượng, chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan lại chồng chéo nên nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn ngập trên thị trường.

Chưa kể, hoạt động kiểm tra chất lượng hàng ngoại nhập trên thị trường bị xem nhẹ, chỉ sau khi có thông tin liên quan đến hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mới bắt tay vào làm. Chính vì vậy, hiệu quả không cao và hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn có cơ hội đến tay người tiêu dùng.
 
Thực thi không dễ

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh thừa nhận, công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường, sản xuất, kinh doanh còn thiếu sót, lỏng lẻo và yếu kém khiến nạn hàng nhái, hàng giả hoành hành.

Chưa kể, ý thức của người tham gia quản lý chưa cao, trình độ còn yếu, kinh phí hạn hẹp, dẫn tới buông lỏng quản lý; kiểm tra, kiểm soát mang tính hình thức, không thường xuyên phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm của các đối tượng. Thế nhưng, cơ quan quản lý cũng có nhiều vướng mắc.

Thực tế, phát hiện hàng giả, hàng nhái trên thị trường không khó vì chúng được bày bán khá công khai tại những nơi công cộng, nhiều loại chỉ cần nhìn mắt thường cũng biết là hàng giả, song để khẳng định đó là hàng giả trước khi xử lý lại không dễ chút nào. Bởi để xử lý được hàng giả thì bắt buộc phải có giám định kết luận hàng giả.

Các chuyên gia cho biết, nhiều mặt hàng giả, hàng kém chất lượng, chi phí giám định rất đắt, khi đưa đi giám định buộc lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Mặc dù, theo quy định của pháp luật thì đương sự vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó nhưng hầu như không có đương sự nào tự nguyện nộp và việc cưỡng chế thi hành cũng khó khăn.

Mặt khác, muốn giám định hàng giả, hàng nhái, lực lượng quản lý phải có yêu cầu từ chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả, làm nhái. Tuy nhiên, rất nhiều vụ vi phạm khi bị phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hóa có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hóa không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam.

Đơn cử như có những loại hàng giả là tân dược chưa có visa lưu hành tại Việt Nam nên khi cần giám định không có mẫu thu thập hợp pháp để so sánh theo yêu cầu của cơ quan giám định.

Hơn nữa, theo Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Công an TP. Hồ Chí Minh, hiện cơ quan chức năng vướng một số quy định pháp luật chẳng hạn như theo Bộ luật Hình sự thì “người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Tuy nhiên, đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”. Hay theo Khoản 8, Điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lại xác định hàng giả gồm cả hàng kém chất lượng và hàng vi phạm sở hữu công nghiệp, từ đó gây khó khăn trong quá trình xử lý của lực lượng chức năng.