Kiểm soát chặt mặt hàng rượu, bia, nước giải khát dịp cuối năm
Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương vừa chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Trong đó, thực hiện kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, nhất là chuẩn bị cho đón Tết Mậu Tuất 2018 như mặt hàng nông sản, thực phẩm, rượu bia, nước giải khát… nhằm góp phần ổn định thị trường, bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ người tiêu dùng.
Từ đầu năm đến nay hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như: rượu, thuốc lá, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử,... các mặt hàng tiêu thụ nhiều như bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, hàng may mặc,…
Đáng chú ý, buôn lậu rượu ngoại, thuốc lá điếu và đường cát diễn biến phức tạp tại khu vực biên giới miền Trung và miền Tây Nam Bộ. Buôn lậu, vận chuyển trái phép các loại thực phẩm tươi sống như gia cầm, sản phẩm gia cầm, gia súc,… vẫn còn xảy ra, chủ yếu ở các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng,…. Bên cạnh đó là tình trạng vận chuyển hàng lậu trên tuyến đường sắt vẫn tiếp diễn.
Đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ tập trung vào các nhóm hàng may mặc, thiết bị điện tử, đồ gia dụng, hàng tiêu dùng,...các mặt hàng này chủ yếu được làm giả từ nước ngoài và vận chuyển trái phép vào Việt Nam.
Theo đó, đối tượng chủ yếu tìm mua các loại hàng hóa, nguyên liệu bán thành phẩm giá rẻ, không rõ chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và bao bì, nhãn mác nhái các thương hiệu nổi tiếng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công hoặc sử dụng dây chuyền, máy móc thô sơ để gia công, dán nhãn và cung cấp ra thị trường; các sản phẩm này được bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa tiêu thụ, gây nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.
Trong thị trường nội địa, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn xảy ra và chủ yếu là ở các tỉnh, thành phố lớn, sức tiêu thụ cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,...; các hành vi vi phạm về niêm yết giá bán hàng, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng có chiều hướng gia tăng trong các dịp lễ, mùa du lịch.
Trước tình hình đó, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường địa phương xây dựng phương án, kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, xử lý vi phạm về: Đo lường trong kinh doanh xăng dầu; buôn lậu thuốc lá, rượu bia, nước giải khát; máy móc, thiết bị cấm nhập khẩu; sử dụng tiền chất; kinh doanh thực phẩm; kinh doanh mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm chức năng; sản xuất, kinh doanh phân bón; sản xuất, kinh doanh rượu…
Triển khai Đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; Triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón vô cơ năm 2017; tham gia Đoàn kiểm tra về hoạt động bán hàng đa cấp; Triển khai Đoàn kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính tại một số Chi cục Quản lý thị trường...
Đồng thời, Chi cục Quản lý thị trường các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an trên các địa bàn, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự; Sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng trên địa bàn triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm; Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng pháo các loại, đồ chơi trẻ em bạo lực; an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Thời gian qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã tham mưu, đề xuất với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp chặt chẽ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Xây dựng và triển khai Quy chế phối hợp, thực hiện kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; những vấn đề nổi cộm, phát sinh trên thị trường đã được lực lượng Quản lý thị trường tham gia, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Từ nay đến cuối năm và dịp giáp Tết, lực lượng Quản lý thị trường tiếp tục tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm; các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, phân bón, vật tư nông nghiệp, thuốc lá ngoại, đường,…; Tiếp tục rà soát, phát hiện những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ đối với công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật, ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và thực hiện kiểm tra sau khi ký cam kết, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục chú trọng công tác xây dựng lực lượng, thường xuyên bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức công vụ, rèn tác phong chính quy, luyện ứng xử văn hóa, tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý nghiêm công chức vi phạm, bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đề cao vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa bàn nếu để xảy ra tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn;