Chống hàng giả, hàng nhái: Doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng cần vào cuộc

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.Hồ Chí Minh

Luật gia Phan Thị Việt Thu cho rằng, tiêu diệt nạn hàng giả hàng nhái là một cuộc chiến gay go, đòi hỏi nỗ lực của mọi người mọi ngành, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng, chứ không chỉ là việc của cơ quan quản lý hay lực lượng chức năng. Xin giới thiệu bài viết của Luật gia.

Hàng giả, hàng nhái để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân. Nguồn: internet
Hàng giả, hàng nhái để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân. Nguồn: internet

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái với xu hướng gia tăng đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hàng giả, hàng nhái để lại hệ lụy không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường, trở nên một thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng.

Hàng giả – thủ phạm gây nhiều hệ lụy

Với một nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập như nước ta, để hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước, mà còn làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh, triệt đường phát triển của các doanh nghiệp nội và gián tiếp đánh mất “lợi thế” thị trường, “mất điểm” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhất là những nhãn hàng lớn, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Bối cảnh này, đòi hỏi công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái phải thực sự đi vào thực chất… Có như vậy mới có thể bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp hiệu quả cũng như tạo dựng một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do luật pháp còn khá nhiều kẽ hở cộng với sự bất cập trong cơ chế quản lý đã tạo điều kiện cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng lan tràn. Trong khi đó, chế tài xử phạt lại chưa đủ mạnh nên nhiều đối tượng sẵn sàng vi phạm để đạt lợi nhuận lớn.

Công tác quản lý, kiểm tra và xử lý chưa đạt hiệu quả cao do hoạt động thiếu đồng bộ cũng như có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu và yếu, phương tiện giám định, phân biệt hàng thật, hàng giả, nhất là đối với các thương hiệu hàng hóa ngoại nhập, không có nhà sản xuất tại VN để xác định.

Ngoài ra, việc phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng không hề dễ dàng đối với người tiêu dùng khi mà các sản phẩm được làm giả ngày một tinh vi, giống hàng thật từ nhãn hiệu, kiểu dáng đến những chi tiết nhỏ nhất.

Trong khi đó, người tiêu dùng chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và có tâm lý e ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp.

Mặc dù công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng được thực hiện quyết liệt nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trong đó, nguyên nhân nổi cộm là do vấn đề nguồn lực, cơ chế thực thi cũng như phối hợp giữa các cơ quan ban ngành liên quan.

Bên cạnh đó, phải nói đến có sự góp phần không nhỏ của người tiêu dùng, như còn chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường bỏ qua khi phát hiện hàng giả.

Mặt khác, hiện nay, tuy đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành về ngăn ngừa, hạn chế, truy cứu trách nhiệm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái…, song hiệu lực thực thi của một số văn bản còn thấp do chưa được cụ thể hóa hoặc chưa theo kịp với những diễn biến phức tạp nảy sinh trong cuộc sống.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lại chủ yếu tập trung vào chống, nhất là chống trong khâu tiêu thụ hàng giả, hàng nhái mà chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả, hàng nhái…

Do vậy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng khá khó khăn, phức tạp, khó có thể thực hiện trong “một sớm, một chiều”, đòi hỏi sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, người tiêu dùng và toàn xã hội.

Làm cách nào để chống được nạn hàng giả, hàng nhái?

Trước hết, bên cạnh những giải pháp thực tế như: Nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng, truyền thông nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các nhãn hàng, các doanh nghiệp làm ăn chân chính thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt.

Công tác chống hàng giả không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự tham gia, phối hợp của doanh nghiệp và sự chung tay của toàn xã hội. Do vậy, các doanh nghiệp cũng cần chủ động, tích cực tham gia cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm song song với việc hướng dẫn, chỉ rõ cho người tiêu dùng các thủ đoạn làm hàng giả cũng như có kênh phân phối sản phẩm chất lượng tốt tới tận tay người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý, giám sát tiêu thụ hàng hoá và chủ động khiếu nại khi bị xâm phạm nhãn hiệu. Sự liên kết giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống hàng giả cần tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người tiêu dùng trang bị kiến thức “tiêu dùng thông minh”, đồng thời nhận thức rõ nhiệm vụ của mình trong việc chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng vì quyền lợi của bản thân và xã hội, nhất là tránh trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái.

Được như vậy, cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng mới đạt hiệu quả cao hơn; thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút đầu tư, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất kinh doanh chân chính; từng bước tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng…

Ở góc độ người tiêu dùng, để đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, mà cũng là để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng trước hết cần thực hiện rốt ráo quyền và nghĩa vụ của mình mà Luật pháp đã qui định khi mua hàng như:

– Yêu cầu người bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

– Kiểm tra hàng hoá trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

– Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Cuối cùng, hàng giả, hàng nhái không còn cơ hội tồn tại nếu như tinh thần dân tộc được phát huy, mọi thành phần xã hội đều cương quyết không dính líu, dù vô tình hay cố ý đến hàng giả, hàng nhái được thể hiện cụ thể:

– Doanh nghiệp sản xuất dứt khoát không làm hàng giả, hàng nhái.
– Cơ sở kinh doanh cương quyết không bán hàng giả, hàng nhái.
– Người tiêu dùng nhất định không chấp nhận mua hàng giả, hàng nhái, đồng thời tích cực hợp tác với nhà sản xuất và các cơ quan quản lý nhà nước làm tròn nghĩa vụ của mình.
– Nhà nước không để hàng giả, hàng nhái có cơ hội len lỏi thị trường bằng việc hoàn thiện pháp lý, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật nghiêm minh trong việc kiểm tra, xử lý.