Chống rửa tiền qua tiền mã hóa
Tiền mã hóa đang dần phổ biến như một phương tiện thanh toán quốc tế linh hoạt và hiệu quả. Nhưng bản chất của tiền mã hóa và công nghệ blockchain cũng khiến nó có thể bị lợi dụng làm công cụ rửa tiền. Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, cần sớm đẩy mạnh việc nghiên cứu về kỹ thuật và pháp lý để hạn chế hành vi thao túng thị trường và hoạt động phi pháp khác liên quan đến tiền mã hóa, trong khi không lãng phí tiềm năng mà tiền mã hóa có thể đem lại.
Trước khi giải quyết được tận gốc các vấn đề về rửa tiền thông qua tiền mã hóa, các quốc gia và định chế tài chính có thể sử dụng một số giải pháp tình thế là: giải pháp từ nguồn gốc như kiểm soát dòng tiền, nguồn đầu tư; giải pháp về công nghệ; giải pháp về tài chính; và biện pháp định hướng dòng tiền.
Giải pháp về nguồn gốc và công nghệ
Ngăn chặn tại nguồn đối với việc chuyển tiền từ tiền pháp định và kiểm soát nguồn tiền đầu tư vào tiền mã hóa. Với giải pháp này, chúng ta vẫn phải tiếp tục phát huy thế mạnh của mạng lưới phòng, chống rửa tiền trên phương diện truyền thống. Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia thích nghi với hình thức thanh toán phi tiếp xúc. Hạn chế dùng tiền mặt là một cách hiệu quả để giảm tình trạng gom, dồn tiền từ hành vi phạm pháp.
Hầu hết nguồn tiền bẩn là tiền mặt. Việc bắt buộc chứng minh nguồn gốc tiền nộp vào tài khoản hoặc hạn chế phát hành tiền mặt để thanh toán cho các dịch vụ thiết yếu thì toàn bộ các dịch vụ đều phải thanh toán bằng tài khoản để kiểm soát đầu cuối dòng tiền.
Công nghệ cũng chính là thế mạnh để quản trị và cân bằng tài chính, minh bạch hóa đồng tiền. Trước đây, Mỹ đã cho phép công ty Tether phát hành đồng USDT với số lượng USD ký quỹ tương ứng số lượng phát hành nhằm bảo đảm bảo đồng tiền USDT được thanh toán dựa trên giá trị cân bằng vật chất (1USDT = 1 USD). Từ đó, đồng USDT trở thành đồng tiền trung gian phổ biến để hoán đổi hoặc thanh toán cho việc mua bán tiền mã hóa trên toàn thế giới. Điều này dẫn đến mối liên hệ mật thiết giữa chính sách an ninh tiền tệ với sự phụ thuộc có ràng buộc bằng tỷ giá giữa các loại tiền tệ khác nhau.
Để cân bằng giữa an ninh tiền tệ, phòng, chống rửa tiền với việc tôn trọng quyền tự do sở hữu tài sản cá nhân, việc áp dụng công nghệ blockchain vào quản lý tiền tệ và số hóa đồng tiền của các quốc gia là một phương án khả thi. Bởi số hóa sử dụng công nghệ phi tập trung của blockchain bảo đảm tính minh bạch nhờ hệ thống sổ cái lưu giữ toàn bộ các giao dịch mà mỗi cá nhân hoặc tổ chức đều có thể tra cứu được thông tin giao dịch đó.
Ngoài ra, các quốc gia và định chế tài chính xác định tính duy nhất của đồng tiền mã hóa thông qua công nghệ. Bất kỳ một đồng tiền nào đều có thể xác định quyền sở hữu như một chuỗi khối duy nhất. Chúng không bị thay đổi, thêm bớt và có nguồn gốc rõ ràng. Đây là yếu tố quyết định trong việc xác định nguồn gốc của đồng tiền có xuất phát từ các hoạt động phi pháp hay nhằm mục đích tài trợ khủng bố, các hoạt động kinh doanh rửa tiền không.
Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FTAF) đã khuyến nghị và hướng dẫn các quốc gia tham gia mạng lưới buộc cá nhân phải KYC (Know Your Customer), tức là công tác khai báo xác thực danh tính trước khi sử dụng ví điện tử cũng như quyền chuyển tiền và rút tiền trong ví.
Công tác KYC bảo đảm cho nhà cung cấp nền tảng ví điện tử phải lưu giữ thông tin người dùng ở mức độ xác minh sự tồn tại cũng như chính chủ đối với tài sản của mình. Do vậy, xét trên khía cạnh quản lý, KYC sẽ là phương thức cốt yếu để định danh và ngăn chặn tội phạm liên quan các giao dịch đáng ngờ, hành vi rửa tiền qua đồng tiền kỹ thuật số.
Giải pháp tài chính và định hướng dòng tiền
Song song với áp dụng công nghệ, các quốc gia nên phát hành đồng tiền mã hóa của ngân hàng nhà nước. Từ đó, các doanh nghiệp hoặc tổ chức phải neo vào với giá trị tương ứng đồng tiền mã hóa quốc gia, tạo ra hệ thống tiền mã hóa ngang bằng với tổng lượng tiền đã phát hành trên thị trường của nhà nước.
Do mối liên quan chặt chẽ đó, giải pháp này sẽ tạo ra được tỷ giá đồng tiền mã hóa giữa các quốc gia với nhau. Đây là nền tảng của an ninh tiền tệ mà bất cứ quốc gia nào cũng bảo hộ.
Các đồng tiền mã hóa có thể hoán đổi và thanh toán rất nhiều dịch vụ khác nhau với chỉ một mục đích chuyển từ ví này sang ví khác (rửa tiền). Nhưng về bản chất, mỗi đồng tiền phải giữ trên một loại ví điện tử khác nhau. Do đó, ngoài việc sử dụng công nghệ blockchain trong quản lý, các quốc gia cần có giải pháp xác định phạm vi sử dụng và mục đích chuyển tiền.
Cơ quan quản lý cần phân loại đồng tiền mã hóa trên thị trường để đưa ra phương pháp phòng, chống rửa tiền. Ngoài ra, cần xác định rõ nguồn gốc sở hữu của loại tiền mã hóa. Nếu được sinh ra từ những hoạt động xác minh có giao dịch thực, ví đã KYC, những đồng tiền mã hóa đó sẽ không bị hạn chế giao dịch. Ngược lại, những đồng tiền mã hóa chưa xác định rõ ràng về nguồn gốc đầu vào có trong ví từ những hoạt động không rõ ràng, thì chỉ được vận chuyển hoặc đầu tư vào những lĩnh vực kém sinh lợi nhuận và bị cấm đầu tư vào một số lĩnh vực: tài chính, bất động sản, dịch vụ thương mại…
Không thể phủ nhận sự phổ biến và sức ảnh hưởng ngày càng lớn của tiền mã hóa trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy những bất cập còn tồn tại, bao gồm bị sử dụng để rửa tiền. Giải pháp ngăn chặn hoạt động rửa tiền thông qua tiền mã hóa mới chỉ xuất hiện những năm gần đây.