Chớp cơ hội xuất khẩu gạo

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Cơ hội xuất khẩu gạo cho các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo tương đối sáng sủa khi thương mại lúa gạo toàn cầu 10 năm tới được dự báo sẽ tăng 1,5% mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều bất cập của ngành lúa gạo được điểm huyệt như sản xuất manh mún, chưa có thương hiệu, cơ chế xuất khẩu đang bó buộc… khiến ngành lúa gạo muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng nền sản xuất hàng hóa thì buộc phải tái cấu trúc mạnh mẽ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dự báo về triển vọng tình hình thị trường gạo thế giới trong 10 năm tới, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết thương mại gạo toàn cầu sẽ tăng 1,5% mỗi năm nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định của cầu, nhiều nước nhập khẩu không thể đẩy mạnh sản xuất do hạn chế về điều kiện tự nhiên, nguồn lực và dịch bệnh. Cơ hội mở rộng thị trường lúa gạo khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại mới TPP, liên minh thuế quan… ngày càng tăng.

Thái Lan, Việt Nam giữ ngôi "vương"

Nhập khẩu gạo của châu Phi và Trung Đông dự báo tiếp tục tăng do sự gia tăng nhanh chóng của dân số và thu nhập, trong khi sản xuất bị hạn chế bởi điều kiện tự nhiên. Đối với Trung Quốc, diện tích trồng lúa giảm nhưng có thể năng suất lúa sẽ tăng nếu Chính phủ nước này cho phép sản xuất lúa biến đổi gen. Tiêu thụ gạo/đầu người của Trung Quốc giảm do thu nhập tăng lên, người dân giảm lượng gạo tiêu thụ trong khẩu phần, nhưng để đảm bảo an ninh lương thực, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì kho dự trữ lúa gạo ở mức cao.

Indonesia cũng sẽ cùng với Trung Quốc là hai nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Trong 10 năm tới, Thái Lan và Việt Nam sẽ chiếm hơn 47% xuất khẩu gạo thế giới và đóng góp 87% tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu.

Bên cạnh cơ hội, ngành lúa gạo của Việt Nam còn nhiều thách thức. Ông Trần Xuân Định cho rằng, trước hết là áp lực cạnh tranh lớn với các nước trong khu vực, như: Thái Lan, Ấn Độ, Lào, Campuchia, Mianma và một số nước mới nổi. Thị trường xuất khẩu rộng lớn nhưng trong khu vực đông nam châu Á là chính. Bản thân những khách hàng lớn, quen thuộc của chúng ta như Philippine, Indonexia họ cũng có chiến lược chính sách để gia tăng sản lượng lương thực để đáp ứng nguồn cung ở trong nước.

 Chớp cơ hội xuất khẩu gạo  - Ảnh 1

Chính vì vậy, lượng xuất khẩu co dần lại, lượng gạo của chúng ta chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nếu chúng ta không chủ động mở rộng thị trường, phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi đây là thị trường nhiều biến động.

Sự dễ dãi của thị trường Trung Quốc, yêu cầu gạo phẩm cấp thấp, đang "làm cùn" nông dân Việt Nam. Chính vì vậy, đặt ra yêu cầu tái cấu trúc ngành hàng lúa gạo, làm sao để nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với giảm thiểu tác động môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, muốn vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, ngành lúa gạo cần khắc phục những yếu kém tồn tại lâu năm của ngành.

Phản ánh về sự bó buộc trong cơ chế chính sách gây khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, Ts. Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia, cho biết cơ chế xuất khẩu gạo hiện quá bó buộc các doanh nghiệp, so với Thái Lan, chúng ta đưa ra yêu cầu quá cao. Tại Thái Lan, xuất khẩu gạo loại bao dưới 12 kg không cần phải xin phép, xuất khẩu trên 12 kg mới phải xin phép nhưng thủ tục rất đơn giản. Với Việt Nam, thủ tục quá khắt khe về nhà máy chế biến, năng lực kho chứa. Cần nới nhẹ tiêu chuẩn để doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo.

Ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình, cho rằng "nên cởi trói cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, xuất khẩu gạo đang chậm mà chúng ta cứ bắt bí doanh nghiệp phải có giấy phép là không hợp lý. Giống như việc nhập khẩu lúa, trước kia cũng cần giấy phép, tôi đã từng kiến nghị xóa bỏ, giờ thị trường giống lúa rất phát triển. Thị trường hội nhập rồi, chúng ta cần mở bung ra, tại sao phải trói buộc mình như vậy".

Một yếu kém của ngành lúa gạo bị chỉ ra là tình trạng sản xuất còn nhiều bất cập từ cách làm đến cơ sở hạ tầng. Theo ông Trần Mạnh Báo, ngành lúa gạo cần tổ chức lại sản xuất, tránh để tình trạng manh mún, "trăm ông làm trăm kiểu" không ai giống ai như hiện nay.

Đảm bảo lợi nhuận cho nông dân

"Cần tạo liên kết bền vững thông qua hợp đồng, không thể để tình trạng nông dân trông chờ doanh nghiệp hỗ trợ giống, đầu tư hạ tầng, kho bãi chế biến, rồi bẻ kèo, như vậy sẽ không bền vững. Cơ sở hạ tầng ở một số nơi còn quá lạc hậu, khiến chúng ta khó thực hiện cơ giới hóa sản xuất. Chẳng hạn, có nơi tôi phải đi bằng 4 phương tiện từ ô đô, xe ôm, xuồng máy, đi bộ mới tới được cánh đồng khảo nghiệm. Nếu cứ thế này ngành lúa gạo làm sao tổ chức hàng hóa được", ông Báo cảnh báo.

GS., TS. Vũ Văn Yết, Phó Giám đốc Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, dự báo "năng suất sản lượng lúa tầm nhìn 2030 sẽ không thể tăng hơn được nữa do thời gian qua, chúng ta đã phát triển đến kịch trần năng suất cả hai giống lúa lai và lúa thuần. Chính vì vậy, ngành lúa gạo muốn nâng khả năng cạnh tranh thì phải thay đổi phương thức sản xuất từ tự cung tự cấp sang nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa của người sản xuất lúa".

 Chớp cơ hội xuất khẩu gạo  - Ảnh 2

Điểm yếu của ngành lúa gạo còn được chỉ ra trong khâu xây dựng thương hiệu. Bao năm qua, xuất khẩu gạo nhiều nhưng gạo Việt Nam không có tên trên thị trường thế giới. Theo Gs. Ts Vũ Văn Yết, một số đề tài xây dựng thương hiệu cho lúa gạo được đặt ra nhưng chưa rõ ràng. Hiện Thái Lan có giống lúa Jusmine của Thái Lan được bán với giá cao. Việt Nam cũng nên cải tiến giống Jusmine để biến nó trở thành thương hiệu của mình.

Để tận dụng tốt những cơ hội mở ra, tạo động lực đổi thay thực sự cho ngành lúa gạo, Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo đang được Cục Trồng trọt xây dựng, lấy ý kiến vào giai đoạn cuối. Dự kiến, vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới, Cục sẽ trình Bộ NN&PTNT phê duyệt để trình lên Chính phủ.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 là đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích; giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%.

Cần hình thành doanh nghiệp nông nghiệp của những người nông dân. Doanh nghiệp này được tổ chức tại nông thôn, giúp nông dân tiếp thu và tổ chức sản xuất theo phương thức hàng hóa. Bài học Trung Quốc rất đáng giá, họ hình thành doanh nghiệp tại các xã. Trong các doanh nghiệp này có đủ các nhóm thị trường, tổ vận chuyển, chế biến sơ chế. Doanh nghiệp này phải kết nối được với các doanh nghiệp xuất khẩu mới thúc đẩy được tái cơ cấu ngành lúa gạo.

GS., TS Vũ Văn Yiết, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam