Nông, thủy sản Việt Nam đã có đối thủ cạnh tranh

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su và thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này tác động xấu đến nông nghiệp Việt Nam. Theo nhiều chuyên gia, nông, thủy sản Việt Nam đã có những đối thủ phải cạnh tranh và mấu chốt của vấn đề là năng lực cạnh tranh của hàng nông, thủy sản Việt Nam có dấu hiệu suy giảm, yếu hơn các đối thủ.

Theo nhiều chuyên gia, nông, thủy sản Việt Nam đã có những đối thủ phải cạnh tranh. Nguồn: internet
Theo nhiều chuyên gia, nông, thủy sản Việt Nam đã có những đối thủ phải cạnh tranh. Nguồn: internet

Đánh giá về sự sụt giảm xuất khẩu nông, thủy sản xuất khẩu không chỉ diễn ra trong quý I mà đến nay, sau 5 tháng vẫn tiếp diễn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, mấu chốt không chỉ là cầu giảm. Đây là câu chuyện nông, thủy sản Việt Nam đã có đối thủ cạnh tranh, và năng lực cạnh tranh của nông, thủy sản Việt Nam có dấu hiệu suy giảm. Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, vấn đề nằm ở cả chính sách vĩ mô cũng như chính sách ngành. Ở vĩ mô, các nước thả nổi tỷ giá, Việt Nam lại giữ ổn định, như vậy rõ ràng hàng hóa các nước sẽ rẻ hơn Việt Nam và điều này thấy rất rõ ở mặt hàng cà phê, tôm, cá tra… Còn về chính sách ngành, với cà phê, Colombia đã thực hiện thành công chương trình tái canh, nên giá thành cũng như chất lượng cà phê của quốc gia này cũng tốt hơn Việt Nam. Hay mặt hàng gạo, gạo Campuchia, Myanmar đã được tính vào loại gạo ngon của thế giới và điều này rất dễ để cạnh tranh với Việt Nam ngay chỉ với thị trường Trung Quốc.

Trong thủy sản, mặt hàng cá tra Việt Nam phải tính đến sự cạnh tranh đối với cá thịt trắng. Khi các nước phát triển mạnh cá rô phi, cá thịt trắng đánh bắt từ tự nhiên sẽ trở nên rất khó cho ngành cá tra Việt Nam nếu chúng ta không điều chỉnh cơ cấu ngành, tăng khả năng cạnh tranh. Hay trong ngành trái cây, có những sản phẩm từ trước tới nay cứ tưởng chỉ Việt Nam sản xuất được như: vải, mận, thanh long, dưa hấu…, nhưng thực tế, Trung Quốc đã có chương trình phát triển cây ăn quả cực mạnh, thậm chí chất lượng, giá còn rẻ hơn Việt Nam. Như vậy không chỉ xuất khẩu sang đó khó mà họ còn xuất khẩu trở lại Việt Nam.

Theo các chuyên gia, có những nhóm nguyên nhân chính như do các nước thả nổi tỷ giá; nguồn cung tăng kéo theo tình trạng giảm giá, xả hàng của các đối thủ cạnh tranh. Điển hình, xuất khẩu gạo từ Thái Lan vào Trung Quốc tăng mạnh; giá cà phê Brazil và Colombia giảm mạnh do Brazil xả hàng tồn kho và Colombia bước đầu triển khai thành công chương trình tái canh. Bên cạnh đó cũng xuất hiện thêm các đối thủ cạnh tranh mới như Campuchia đối với mặt hàng gạo, hay tôm Việt Nam bị thay thế trên thị trường Mỹ bởi các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Mexico do giá thành tôm Việt Nam cao hơn. Lý do nữa là cơ cấu và chất lượng nông sản Việt Nam đang dần không đáp ứng được nhu cầu thế giới, như đối với mặt hàng cà phê, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta trong khi thế giới lại chuộng cà phê Arabia. Cuối cùng, Việt Nam cũng đang thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là với thị trường quan trọng như Trung Quốc.

Qua phân tích về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh của những mặt hàng nông, thủy sản chính trên, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn khẳng định: “Nếu không có bước phát triển đột phá về khoa học công nghệ trong nông nghiệp thì rất khó để Việt Nam đưa ra được các sản phẩm giá thành rẻ, chất lượng tốt có thể cạnh tranh với các nước”. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ dự báo thông tin, phát triển thị trường chuyên nghiệp. Đội ngũ đó không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả tại các nước xuất khẩu. Từ đó mới đưa ra những hướng dẫn, chỉ đạo mùa vụ hợp lý, các cảnh báo cho nông, ngư dân.

Về định hướng sản xuất, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp Đặng Kim Khôi cho rằng, cần phát triển các chương trình sản xuất sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao, như phải đẩy mạnh việc triển khai tái canh cà phê; phát triển các giống lúa chất lượng cao; kiềm chế, kiểm soát tăng trưởng diện tích cao su; đánh giá lại cân đối cung – cầu ngành thủy sản, kiểm soát cung cá tra, đẩy mạnh phát triển cá rô phi. Trong chế biến và sau thu hoạch, cần phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghệ chế biến chế sâu, thêm giá trị cho nông, thủy sản xuất khẩu.

Với chính sách vĩ mô, theo hầu hết các chuyên gia, nếu cần tiếp tục ổn định tỷ giá để duy trì cân đối vĩ mô, phải có cơ chế bù đắp cho xuất khẩu nông sản như: giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nới rộng định mức tín dụng, hỗ trợ lãi suất, hoãn nợ, hỗ trợ nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ phí vận chuyển, hỗ trợ xúc tiến thương mại…