Chủ động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường
Trong thời gian qua, hợp tác quốc tế lĩnh vực tài nguyên và môi trường đã góp phần thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường ở nước ta như huy động nguồn vốn, tăng cường năng lực khoa học công nghệ lĩnh vực tài nguyên và môi trường; tiếp cận được phương pháp luận hiện đại, tiếp thu kinh nghiệm của các nước vào công tác quản lý môi trường…
Phát huy và thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương
Hiện nay, Việt Nam tích cực tham gia 19 điều ước quốc tế về môi trường, trong đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả điều ước song phương và đa phương. Đó là, thúc đẩy thực hiện hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các Bản ghi nhớ đã ký với Lào, Nga, Ba Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Italia, Hàn Quốc, Cu Ba, Pháp; xem xét, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền việc ký kết các Bản ghi nhớ cấp Bộ về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với các đối tác quốc tế tiềm năng.
Việt Nam phát huy và thúc đẩy hợp tác với các đối tác trọng tâm như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP)...; các đối tác trong khuôn khổ các Công ước quốc tế đặc biệt Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC); chú trọng quan hệ hợp tác với các đối tác, tổ chức đa phương có lợi cho mục đích bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo, các khuôn khổ đa phương về biển và tài nguyên nước (COBSEA, PERSEA, UNCLOS...).
Trong thời gian qua, Việt Nam tiếp tục đề xuất, thực hiện và quản lý các dự án trong các lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, biển đảo, tài nguyên nước trong khuôn khổ hợp tác với ADB, UNDP, WB, Quỹ Thích ứng, UNEP…; Thúc đẩy việc ký kết tham gia 04 thoả thuận quốc tế bao gồm: Quỹ Thông tin đa dạng sinh học toàn cầu (GBIF); Hiệp hội Khí hậu và Không khí sạch (CCAC); Diễn đàn Khoa họcChính sách liên chính phủ về đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái (IPBES); Đối tác Không khí sạch Châu Á - Thái Bình Dương (APCAP).
Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia các hội nghị quốc tế lớn: Hội nghị các bên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP), Hội nghị các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học (COP); các cuộc họp Các quan chức cấp cao (SOM) và các cuộc họp nhóm công tác trong khuôn khổ ASEAN; các Hội nghị cấp cao của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Hội nghị cấp cao Campuchia - Lào - Myanma - Việt Nam (CLMV)...
Nhờ đó, đến nay đã có nhiều chương trình, dự án về bảo vệ môi trường triển khai thực hiện hiệu quả. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam đã điều phối 01 thỏa thuận quốc tế mới về bảo vệ môi trường (Ý định thư giữa Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Hà Lan về hợp tác thúc đẩy và triển khai các dự án chuyển đổi có quy mô lớn nhằm mục tiêu phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ký ngày 10/7/2017 tại Hà Lan); ký kết 02 thỏa thuận quốc tế mới với Nhật Bản về tăng trưởng cacbon thấp (JCM), Bộ Môi trường Ba Lan trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường...
Năm 2018, Việt Nam đã chủ động và tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác ASEAN về môi trường; tổ chức thành công nhiều hội nghị, sự kiện lớn, như Hội nghị Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) lần thứ 6 tại TP. Đà Nẵng và các sự kiện bên lề Hội nghị, Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về giáo dục môi trường lần thứ 10 tại Việt Nam, Hội nghị đối thoại chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản, các sự kiện trong khuôn khổ hoạt động hợp tác môi trường Việt Nam - Hàn Quốc, Diễn đàn môi trường Việt Nam - Hàn Quốc năm 2018 tại Hà Nội.
Đặc biệt, Việt Nam đã kết thúc việc xử lý dioxin gần 14 ha đất sân bay Đà Nẵng sau 06 năm phối hợp với Hoa Kỳ với kinh phí 110 triệu USD; thực hiện ký thỏa thuận viện trợ không hoàn lại với Hoa Kỳ cho Dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, dự kiến sẽ hoàn thành trong 10 năm với tổng chi phí là 390 triệu USD...
Năm 2019, Việt Nam đã chủ động, tích cực lồng ghép, đưa các vấn đề hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường vào nội dung trao đổi với lãnh đạo cấp cao giữa các nước trong các chuyến thăm, tiếp xúc song phương và tại các hội nghị khu vực, quốc tế; tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về môi trường như: Diễn đàn Bộ trưởng và Nhà chức trách môi trường châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3, Hội nghị lần thứ 4 của Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm... Đồng thời, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về môi trường với Lào; xây dựng các đề xuất dự án về nâng cao năng lực đàm phán và thực thi các cam kết quốc tế về vấn đề môi trường trong thương mại quốc tế.
Năm 2020, Việt Nam đã tham gia thành lập mới các cơ chế hợp tác song phương, đa phương như: Cơ chế Đối thoại Hàn Quốc - ASEAN về môi trường và biến đổi khí hậu, Đối thoại ASEAN - EU về lập bản đồ đổi mới và công nghệ xanh. Các hoạt động hợp tác đa phương và song phương về BVMT đã được tổ chức triển khai phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19, nhiều cuộc họp hợp tác quốc tế được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Việt Nam cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế quan trọng như: Hội nghị Bộ trưởng môi trường Việt Nam - Hàn Quốc, Hội nghị Đối thoại Chính sách môi trường Việt Nam - Nhật Bản, Hội nghị Bộ trưởng Việt Nam - Lào; Hội nghị (trực tuyến) lần thứ 21 của Nhóm công tác ASEAN về môi trường biển và đôi bờ (AWGCME 21); Hội nghị (trực tuyến) Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 31 (ASOEN 31); Hội nghị lần thứ 22 Ban Điều hành Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (GB 22) và các hội nghị có liên quan…
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia, là thành viên tham gia hiện diện đầy đủ trên các diễn đàn, Hội nghị quốc tế, đàm phán, đối thoại... nhằm đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước, đặc biệt chuyển từ quan niệm hợp tác nhận viện trợ sang chủ động hội nhập, sẵn sàng cùng tham gia, chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi.
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, các địa phương đã tích cực triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường như: chủ động thu hút các nguồn lực đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước của ngành ở các cấp trung ương và địa phương; trao đổi kinh nghiệm cũng như học hỏi, vận động tài trợ để triển khai các nhiệm vụ bảo vệ môi trường, nhất là nội dung hợp tác quốc tế đã đi vào chiều sâu, như đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, xử lý ô nhiễm hóa chất tồn lưu, bảo tồn đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu... Tham gia tổ chức các sự kiện lớn về bảo vệ môi trường hằng năm, như: Giờ Trái đất, Ngày trái đất (22/4), Ngày môi trường thế giới (5/6), Ngày quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Chiến dịch làm cho sạch thế giới hơn,.. .
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường trong thời gian tới, ngành Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành và địa phương cần cụ thể hóa, xây dựng chương trình hành động Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết Trung ương IV (khóa X) “về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới”.
Trong đó, cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nước ngoài, gắn với thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường; khuyến khích các hoạt động hợp tác công - tư tham gia bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần hoàn; thực hiện hiệu quả các cam kết với quốc tế cũng như triển khai chiến lược thương mại tự do với các đối tác kinh tế - thương mại phù hợp với lợi ích, đặc thù của đất nước; tích cực tham gia xây dựng các quy tắc, luật lệ chung, góp giải quyết các vấn đề môi trường thể giới.