Quan điểm, định hướng của Đảng về bảo vệ môi trường

Minh Anh

Môi trường là một vấn đề có tính thách thức toàn cầu. Tại Việt Nam, trong nhiều năm qua, bảo vệ môi trường (BVMT), tăng cường quản lý tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta quan tâm.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu"
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định "Lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu"

Quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường

Kể từ khi đổi mới đến nay, một hệ thống các quan điểm về bảo vệ môi trường của Đảng ta đã thể hiện sự nhất quán, xuyên suốt. Các nhiệm kỳ đại hội thường xuyên tổng kết, bổ sung, hoàn thiện các quan điểm cho phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước và thời đại.

Cụ thể, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX ban hành về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định “BVMT là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống của Nhân dân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta”; “BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, phải được thể hiện trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành và từng địa phương. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Tiếp đó, Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, nêu rõ “Môi trường là vấn đề toàn cầu, BVMT vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe Nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững”.

Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2017 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT cũng chỉ rõ cần tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về BVMT cũng được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ Đại hội Đảng. Cụ thể, Báo cáo Chính trị Tại Đại hội IX khẳng định “Sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ và cải thiện môi trường, tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, coi đây là một trong những nội dung quan trọng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác quản lý ở tất cả các lĩnh vực, các vùng; thực hiện nghiêm Luật BVMT”.

Tại Đại hội X, Đảng ta tiếp tục xác định: “Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên”. Tại Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nêu rõ “BVMT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và nghĩa vụ của mọi công dân. Kết hợp chặt chẽ giữa kiểm soát ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm với khôi phục và BVMT sinh thái”.

Tiếp đó, tại Đại hội XII, Đảng xác định “ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất... Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để BVMT, ngăn chặn xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường”.

Đại hội XIII tiếp tục khẳng định “Lấy BVMT sống và sức khỏe của Nhân dân là mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Các mục tiêu cụ thể về bảo vệ môi trường

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị khóa IX xác định cụ thể 3 mục tiêu BVMT gồm: (1) Ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra. Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học; (2) Khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường; (3) Xây dựng nước ta trở thành một nước có môi trường tốt, có sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và BVMT; mọi người đều có ý thức BVMT, sống thân thiện với thiên nhiên.

Tiếp đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương đề ra các mục tiêu về BVMT đến năm 2020: Về cơ bản, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực.

Ngày 23/8/2014, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tiếp tục thực hiện quyết liệt các mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI, trong đó tập trung thực hiện tốt các mục tiêu cụ thể đến năm 2020 được nêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Văn kiện Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII của Đảng cũng đề ra các mục tiêu cụ thể. Theo đó, Đại hội IX của Đảng đề ra mục tiêu: Tiếp tục thực hiện chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo đảm 60% dân số nông thôn được cung cấp nước sạch; hoàn thành các dự án cải tạo nâng cấp hạ tầng đô thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Hải Phòng, Đà Nẵng,... cũng như dự án cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải.

Tại Đại hội X, Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2010: Đưa tỷ lệ che phủ rừng 42 - 43%; 95% dân cư thành thị và 75% dân cư ở nông thôn được sử dụng nước sạch. 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 100% đô thị loại 3 trở lên, 50% số đô thị loại 4 và các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải; 90% chất thải rắn thông thường, 80% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Tai Đại hội XI, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội đề ra: Cải thiện chất lượng môi trường, năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng 45%, Hầu hết dân cư thành thị và nông thôn được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới thành lập phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 80% các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn về môi trường...

Tiếp đó, tại Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục đề ra mục tiêu: Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95% - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.

Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục đưa ra các mục tiêu BVMT đến năm 2025: Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95% – 100%, nông thôn là 93% - 95%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy hoạch quy chuẩn đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý chất thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường 92%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý là 100%, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng là 31,5%. Đến năm 2030, phấn đấu đạt các mục tiêu phát triển bền vững về tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để bảo vệ môi trường

Với những quan điểm, mục tiêu nêu trên, tại các Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Kết luận số 56-KL/TW, ngày 23/8/2014 của Bộ Chính trị, Văn kiện Đại hội lần thứ IX, X, XI, XII, XIII, Đảng ta cũng đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để BVMT như: Phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; Khắc phục các khu vực môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái; Điều tra nắm chắc các nguồn tài nguyên thiên nhiên và có kế hoạch bảo vệ, khai thác hợp lý, bảo vệ đa dạng sinh học; Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ và tôn tạo cảnh quan môi trường; Đáp ứng yêu cầu về môi trường trong hội nhập kinh tế quốc tế; Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả phát triển kinh tế bền vững tăng trưởng xanh đưa vào bộ tiêu chí quốc gia; Phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường…

Theo đó, các giải pháp được đề ra cần thực hiện gồm: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm về chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để tạo sự thống nhất trong toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai cựu đoan, suy thoái tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường; Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT, theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT... tăng cường, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao năng lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên, môi trường...