Chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Theo daibieunhandan.vn

Trong một thông báo phát đi hôm 9.2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sẽ kiên định điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát (4%) và hỗ trợ tăng trưởng (6,7%). Tuy vậy, mục tiêu tăng trưởng có vẻ hơi quá sức cùng với nỗi lo lạm phát trở lại sẽ là những “chướng ngại vật” mà cơ quan điều hành chính sách tiền tệ không dễ cùng lúc vượt qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dấu hiệu tích cực

Thị trường ngân hàng - trong phác thảo của NHNN - đã có một diễn biến tương đối ổn định trong tháng đầu tiên của năm 2017. Những ngày đầu tháng 1, có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,1 - 0,3%/năm.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất này chỉ diễn ra ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, không phản ánh xu hướng chung của toàn thị trường. NHNN khẳng định đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở nhằm bảo đảm thanh khoản cho hệ thống các tổ chức tín dụng dịp cuối năm.

Nhờ đó, thị trường tiền tệ được giữ ổn định, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của toàn hệ thống tiếp tục ổn định.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5 - 5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 - 7,2%/năm

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, có thể vay ngắn hạn với lãi suất 4 - 5%/năm.

Chia sẻ thêm về vấn đề lãi suất, Phó Tổng giám đốc phụ trách Khối vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Thanh Hà cho hay, tại Vietcombank, do đã kiểm soát và xử lý được nợ xấu, cùng với các biện pháp như tiết giảm chi phí quản lý nên sẽ có dư địa để ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay. Thậm chí, Vietcombank có thể giảm nhẹ lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cũng theo thông tin từ NHNN, trong tháng 1.2017, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 1,7% so với tháng 12.2016. Đây là tín hiệu tích cực, bởi tín dụng thường tăng trưởng thấp trong những tháng đầu năm. 

Nhiều ẩn số

 Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2017, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục kiên định điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (4%), ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý (khoảng 6,7%). Tín dụng năm nay được định hướng tăng trưởng chỉ ở mức 16 - 18%, thấp hơn mức 18 - 20% năm 2016.

Tuy vậy, thị trường tiền tệ đang chứa đựng nhiều ẩn số thách thức sự kiên định của NHNN. Các ẩn số đó là lạm phát đe dọa tăng, tỷ giá bị nhiều sức ép, tín dụng đang được bơm ra nhanh giữa các lo ngại về sự gia tăng nợ xấu và tiến độ xử lý nợ xấu, nguồn cung trái phiếu Chính phủ khá lớn trong khi chất lượng đầu tư công chưa có câu trả lời, cung - cầu trên thị trường bất động sản vẫn lệch pha, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng dồi dào nhưng không bền và chỉ là ngắn hạn...

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% đặt trong tình thế như vậy buộc NHNN sẽ phải rất thận trọng trong việc điều tiết cung tiền, cũng như hướng tín dụng vào những lĩnh vực sản xuất thực thay vì những lĩnh vực mang tính đầu cơ, dễ tạo ra sự tăng giá “thái quá” như chứng khoán, bất động sản nhằm giảm rủi ro lạm phát. Khi kỳ vọng lạm phát quay trở lại, mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng dâng lên theo, dễ thấy nhất là lãi suất huy động.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, mục tiêu ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát đều rất quan trọng, nhưng cũng có thể tạo sự xung đột trong ngắn hạn. Bởi việc đẩy mạnh vốn tín dụng ra nền kinh tế có thể hỗ trợ tăng trưởng nhưng lại tạo áp lực lên lạm phát. Do đó, NHNN phải có sự lựa chọn ưu tiên hoặc hài hòa mục tiêu trên. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, để bảo đảm chất lượng tín dụng cần phải phân bổ cơ cấu tín dụng hợp lý vào các lĩnh vực kinh tế năng suất cao như sản xuất hàng hóa tiêu dùng, nông nghiệp xuất khẩu, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.