Vững tin ổn định kinh tế vĩ mô

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2016, Chính phủ và các bộ, ngành luôn có giải pháp cho những bài toán khó, bảo đảm điều hành kinh tế vĩ mô. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, cần vận dụng thành công này để ổn định kinh tế vĩ mô 2017, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phóng viên: Bà đánh giá thế nào về những thành quả điều hành kinh tế vĩ mô năm qua?

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Thành quả của kinh tế vĩ mô năm 2016 vừa qua thể hiện trên nhiều góc cạnh. Trước hết, cân đối vĩ mô của nền kinh tế ổn định trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện tương đối rõ rệt. Điều này đã tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp yên tâm thành lập mới cũng như hồi phục để đi vào sản xuất kinh doanh. Năm 2016 cũng được coi là một trong những năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng trưởng mạnh nhất vài năm gần đây. Thứ hai, vấn đề hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật tạo môi trường thông thoáng hơn, trên cơ sở đó để doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh hoặc vay vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế. Thứ ba, sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ban, ngành, trong đó có sự điều hành phối hợp giữa chính sách tiền tệ với các chính sách kinh tế, đặc biệt là chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để từ đó giải quyết những vấn đề lớn của nền kinh tế.

Cụ thể sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa được thể hiện như thế nào, thưa bà?

Thứ nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao thì chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa phối hợp để Chính phủ bảo đảm huy động được nguồn vốn lớn, giải quyết nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế. Đầu tư tăng 33% GDP nhưng lạm phát vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép, chỉ tiêu đưa ra là 5% nhưng chỉ có 4,74%. Thứ hai là trong bối cảnh vay nợ của Chính phủ ở những năm trước thời hạn ngắn với lãi suất tương đối cao nhưng do có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đưa tiền ra và hút tiền về, nên đã tạo điều kiện cho Chính phủ huy động được vốn nhàn rỗi trong dân cư, các tổ chức kinh tế với thời gian dài hơn. Đây là một thành công. Thứ ba, kết thúc năm 2016 tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức cao là 18,5%, nhưng lạm phát được kiểm soát. Cuối cùng, lãi suất ổn định, tỷ giá hối đoái ở chừng mực nhất định đã được điều hành linh hoạt và bám sát thị trường.

Ấn tượng nhất của bà về điều hành chính sách tiền tệ là gì?

Tôi cho rằng dấu ấn sâu đậm, cần tiếp tục cho năm 2017 cũng như năm tiếp theo đầu tiên phải kể đến chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đến các bộ, ban, ngành, ở một chừng mực nhất định đã lấy được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp. Thứ hai, sự nhất quán trong điều hành. Đơn cử như, chính sách tiền tệ ở Việt Nam khác với một số quốc gia. Đó là điều hành một chính sách tiền tệ đa mục tiêu, vừa phải kiểm soát được lạm phát, vừa phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định tỷ giá vừa bảo đảm tác động đến vấn đề khác tương đối ổn định. Tôi cho đấy là những dấu ấn rất cần tiếp tục xem xét cụ thể hóa hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, vận dụng vào năm 2017 để kinh tế vĩ mô 2017 ổn định, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh cũng như giải quyết nhiều vấn đề khác của xã hội.

Theo bà, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện những chỉ tiêu định hướng trong tái cơ cấu kinh tế như thế nào?

Trong những nền tảng đã đạt được năm 2016, lớn nhất là các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và môi trường đầu tư môi trường kinh doanh của nền kinh tế cũng được cải thiện; khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách cũng đã được coi trọng đúng mức từng bước. Đây là nền tảng cơ bản để tiếp tục ổn định và phát triển.

 Xin cảm ơn bà!