Chủ động ứng phó với “biến số Biển Đông”

THÁI HẰNG

(Tài chính) Sau những căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (từ 2/5 đến 16/7/2014), việc tìm hướng đi riêng, thoát khỏi sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường là yêu cầu bức thiết đối với Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để có thể tự chủ kinh tế trong một thế giới tương thuộc lẫn nhau là vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Nguồn: internet
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Nguồn: internet

Không th không chơi vi ngưi khng lồ”!

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã khẳng định như vậy tại một hội thảo gần đây. Ông cho rằng, nền kinh tế Trung Quốc hiện đứng thứ 2 thế giới (chiếm 1/10 tổng GDP toàn cầu); Là “mắt xích” quan trọng trong thương mại toàn cầu và là công xưởng lớn về công nghiệp hỗ trợ, cung cấp nguyên liệu, linh kiện trung gian. Với lợi thế đó, không một nước nào không muốn quan hệ, giao thương với Trung Quốc, Việt Nam cũng không ngoại lệ! Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta “chơi” với “người khổng lồ” này như thế nào để không bị phụ thuộc?

Thực tế, hiện nay Trung Quốc vẫn là nước đứng thứ 8 trong số các nước có vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Tính đến cuối năm 2011, số dự án Trung Quốc tham gia đầu tư tại Việt Nam là 820 dự án với số vốn đăng ký là 4,2 tỷ USD. Đáng chú ý, trong số các dự án thầu quốc tế ở Việt Nam, Trung Quốc chủ yếu là người thắng thầu. Cụ thể, trong 10 năm qua (2003-2013), Trung Quốc đã trúng 15 dự án nhiệt điện (tổng thầu EPC) chiếm tới 30% công suất toàn ngành điện; 49/62 dây chuyền dự án xi măng; 5/6 dự án phân đạm; dự án bô xít và hàng trăm dự án vừa và nhỏ khác.

Bên cạnh đó, các nhà thầu Trung Quốc còn đảm nhiệm các khâu tư vấn thiết kế, mua sắm thiết bị và xây lắp từ Nhà máy alumin Tân Rai, Nhà máy alumin Nhân Cơ, Nhà máy đạm Ninh Bình, các Nhà máy nhiệt điện: Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1…; Đa số nhà máy xi măng, thép của Việt Nam cũng đều do nhà thầu Trung Quốc thiết kế, xây dựng hoặc sử dụng công nghệ của nước này. Thời gian gần đây, nhiều dự án giao thông như đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh (Hà Nội) cũng do Trung Quốc làm tổng thầu…

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trên 80% tổng hàng hóa nhập khẩu hàng năm của Việt Nam là xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, nguyên phụ liệu dệt may, sản phẩm chất dẻo, máy vi tính, điện tử, sắt thép, máy móc thiết bị phụ tùng, hóa chất và các linh kiện điện tử phục vụ cho việc sản xuất, xuất khẩu. Chỉ riêng ngành Dệt may và giầy, da Việt Nam, Trung Quốc cũng đã tham gia tới 56 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 214 triệu USD. Tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu (xơ, sợi, vải) từ Trung Quốc chiếm 39% tổng nhập khẩu nguyên vật liệu dệt may và tỷ lệ này tăng đều qua các năm.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là 5,1 tỷ USD, chiếm 18% xuất khẩu chung của ngành Nông nghiệp ra thế giới và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước vào Trung Quốc trong năm 2013…

Chủ động ứng phó với “biến số Biển Đông” - Ảnh 1

Với những ảnh hưởng sâu rộng đó, dưới góc độ kinh tế, giới chuyên gia đánh giá: Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở mức độ gây hấn và thời gian kéo dài như vừa qua có thể gây ra những hệ lụy nặng nề về nhiều mặt cho quan hệ thương mại 2 nước. Trong tháng 6/2014, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc là 2,25 tỷ USD và 13,1 tỷ USD, tính chung 6 tháng đầu năm 2014. Buôn bán tiểu ngạch là lĩnh vực dễ bị tác động nhất, dòng hàng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường này bị giảm mạnh.

Chun b tư thế đ ch đng hơn

Số liệu thống kê nửa chặng đường của năm 2014 cho thấy, về cơ bản, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, “kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi lo về “biến số biển Đông”, khi độ trễ mà nền kinh tế rơi vào trong những quý cuối năm 2014.

Trong một báo cáo về triển vọng kinh tế mới đây, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế thuộc Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam cũng đã đưa ra một số phân tích đáng chú ý về tác động từ căng thẳng ở Biển Đông đối với nền kinh tế Việt Nam. “Căng thẳng ở Biển Đông chưa thể gây ra cú sốc cung trong ngắn hạn, song vẫn là “biến số” khó lường đối với diễn biến Chỉ số giá tiêu dùng”, báo cáo này đánh giá.

Xâu chuỗi câu chuyện giao thương với xâm chiếm lãnh hải trong “bức tranh” quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, lại nằm cạnh nền kinh tế lớn như Trung Quốc, chúng ta không thể từ chối hoàn toàn hàng hóa của nước này mà phải tìm cách để chung sống, hai bên cùng có lợi. Để làm được điều này, cần có sự nỗ lực về mặt chính trị, kinh tế và cách hành xử của người dân. Chúng ta không kỳ thị nhưng cũng không phân biệt ưu đãi. Đòi hỏi tối cao là phải tăng cường hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, đặt lợi ích đất nước lên trên lợi ích cục bộ ngành, địa phương và tuân thủ pháp luật Việt Nam!

Chuẩn bị tư thế cho tình huống xấu hơn có thể xảy ra, giới chuyên gia đã lên phương án cho từng kịch bản nói riêng và cho “biến số Biển Đông” nói chung trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng, từ xấu nhất (GDP giảm 10% nếu giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc bị ngưng trệ) cho đến lạc quan nhất (không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng). Tính toán của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây cho thấy, với giả định nền kinh tế diễn biến theo xu thế hiện nay (có tính đến tác động của “biến số Biển Đông”), nhiều khả năng tăng trưởng năm 2014 của Việt Nam trung bình ước đạt 5,3% và tỷ lệ lạm phát ước đạt 6,3%. “Với những biến động bất thường trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc thì chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng cần phải được sử dụng một cách chủ động và linh hoạt hơn”, GS.,TS. Trần Thọ Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh.

Trước diễn biến trên, Chính phủ cũng đã xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho thời gian tới. Trong đó, đặc biệt yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương vượt khó khăn, thách thức, nỗ lực cao nhất bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả các giải pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam; Bảo đảm an ninh và an toàn tuyệt đối cho các cơ quan, doanh nghiệp và người nước ngoài tại Việt Nam.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2014