Chủ động xúc tiến thương mại

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Năm 2013, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia được triển khai với 5 đợt gồm 144 đề án của 71 đơn vị chủ trì, tập trung hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Bộ Công thương dự báo cả năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt khoảng 147 tỷ USD. Tuy nhiên, để đạt được chỉ tiêu trong xuất khẩu thì các bộ, ngành và doanh nghiệp cần khắc phục hạn chế trong công tác xúc tiến thương mại.

Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn mở rộng. Nguồn: vccinews.vn
Thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn mở rộng. Nguồn: vccinews.vn
Một trong những thành công của công tác xúc tiến thương mại thể hiện rõ nét nhất là kết quả của kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng đều qua các năm. Hiện Việt Nam có 55 thương vụ, 7 chi nhánh thương vụ và mỗi nước có một trung tâm xúc tiến thương mại ở đều khắp 5 châu với tổng số cán bộ thương vụ là 122 cán bộ. Đây là lực lượng tham tán khá hùng hậu để tham gia công tác xúc tiến thương mại, đầu tư tại thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, một trong những giải pháp xúc tiến thương mại là việc tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm ở nước ngoài chưa được như mong muốn. Tần suất tổ chức hội chợ, triển lãm hiện nay còn phân tán, hàng hóa chưa đánh trúng tâm lý tiêu dùng của nước sở tại do chưa được các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ. Chất lượng hàng hóa tại hội chợ, triển lãm cũng là điều đáng bàn. Nhiều đối tác cho biết, hàng hóa của Việt nam chỉ được lần đầu, còn sau đó giảm dần, đã đánh mất lòng tin của khách hàng.

Theo ông Vũ Bá Phú, Tham tán thương mại tại khu vực EU-Bỉ, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ cần bố trí thời gian cũng như nguồn lực của mình để tham dự hội chợ ở thị trường sở tại thường xuyên hơn nữa. Việc tham dự hội chợ thường xuyên, ít nhất là 3 năm liên tiếp, sẽ tạo ra khái niệm về sản phẩm mới của mình ở thị trường đó, giúp cho người tiêu dùng làm quen với sản phẩm của mình.

Thực tế hiện nay cho thấy, sự kết nối giữa các tham tán với hiệp hội doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Hoạt động của các tham tán thương mại tại nước sở tại như hội thảo, giới thiệu thị trường nước ngoài, tiếp xúc làm việc chưa nhiều. Một số thương vụ vẫn chưa năng động, tích cực phối hợp với doanh nghiệp để triển khai chương trình xúc tiến. Một trong những hạn chế nữa trong công tác xúc tiến thương mại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là các doanh nghiệp chưa thực sự có một chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài một cách bài bản. Hội chợ, triển lãm là một trong những hình thức giúp doanh nghiệp tạo dựng thương hiệu “trên đất người”.

Nhưng thực tế, một số doanh nghiệp đã không tìm hiểu kỹ thông tin về phong tục, tập quán và sở thích của người tiêu dùng nước sở tại, dẫn đến tình trạng hàng hóa phải mang đi mang về, làm tốn nhiều kinh phí đi xúc tiến. Các doanh nghiệp làm công tác xúc tiến cũng chưa chuẩn bị thông tin đầy đủ để cung cấp cho các đối tác, chưa tìm hiểu đối tác cần gì để đáp ứng nhanh. Việc xây dựng thương hiệu hàng hóa có tiếng tăm ở thị trường nước ngoài cũng chưa được chú tâm.

Từ thực tế ở thị trường Myanmar, tham tán thương mại tại Mianma Vũ Cường cho rằng, khi Myanmar mở cửa thị trường thì chưa có doanh nghiệp có thương hiệu, chi phối thị trường thì doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập thị trường cần xây dựng thương hiệu, theo đà đó mới đứng vững và tăng trưởng ở thị trường này.

Năm 2014, mặc dù nền kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng thị trường xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn mở rộng nếu các doanh nghiệp chủ động hơn nữa với công tác xúc tiến thương mại. Bên cạnh đó thương vụ, đại sứ quán là cầu nối tích cực hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sang khảo sát thị trường, tư vấn đàm phán hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa, quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Tích cực tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm hàng hóa sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác. Các doanh nghiệp muốn mở rộng thị trường cần đầu tư nghiên cứu  về thị trường muốn hợp tác, đi đôi với đó là bảo đảm sự ổn định về chất lượng cũng như nguồn cung sản phẩm để tạo niềm tin, uy tín cho đối tác.