Chủ dự án chậm đưa đất vào sử dụng có thể bị xử lý hình sự

Theo Nguyễn Nhung/thoidai.com.vn

Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, trong quý II sẽ triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra và công bố công khai các dự án nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có hơn 700 dự án chậm triển khai mà theo luật sư phân tích, chủ đầu tư đã có dấu hiệu của hành vi hình sự: Không nộp tiền thuế đất, gây lãng phí tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng đến đời sống xã hội.

Công khai các dự án chậm tiến độ

Theo Chánh Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Ngọc Điệp phát biểu trong hội nghị tổng kết quý I của Bộ vào ngày 6/4 thì: Quý I/2018, Bộ đã tập trung hoàn thiện, cắt giảm, tháo gỡ các vướng mắc nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường…Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, được triển khai đồng bộ.

Trong quý I đã tiếp nhận, phân loại và xử lý 584 lượt đơn, tương ứng với 298 vụ việc. Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ 10/25 vụ việc Thủ tướng giao…

Bộ cũng sẽ triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các địa phương tập trung rà soát, xử lý và công bố công khai các dự án nhà đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng để lãng phí đất đai; rà soát tình hình hình sử dụng quỹ đất công ích.

Hơn 200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng ở Hà Nội

Thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, hiện có hơn 200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao trên thực địa.

Ngoài ra còn có tới 172 dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng và 72 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (với số tiền nợ hơn 4.700 tỷ đồng).

Nhận định của đại diện Sở Xây dựng TP. Hà Nội cho rằng: Phần lớn các dự án chậm tiến độ đều thuộc dạng bị đình chỉ thi công do “vướng” trong khâu hoàn thiện hồ sơ pháp lý, nguồn vốn và năng lực tài chính của chủ đầu tư.

Sở TN&MT khẳng định, đã xử lý vi phạm hành chính 106 tổ chức, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cũng phát hiện 29 dự án vi phạm quy định về đầu tư xây dựng chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, quy định về mức độ xử phạt hành chính các dự án vi phạm còn quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe: “Tôi kiến nghị phải nâng mức xử phạt hành chính với các chủ đầu tư vi phạm”.

Cũng theo ông Nghĩa, thu hồi đất của các dự án là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, động chạm. Trong khi đó, hành lang pháp lý hiện nay còn thiếu, vẫn chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ về thu hồi đất, gia hạn đối với dự án vi phạm pháp luật đất đai dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều cơ quan.

Ai cũng biết, thực tế tại nội thành, có nhiều dự án sau khi được giao đất, chủ đầu tư đã quây tôn nhưng để “hoang” vài năm, thậm chí cả 10 năm. Nói là để “hoang” nhưng thực chất, quây tôn để chiếm đất và sử dụng trái mục đích như cho thuê làm nhà xưởng, làm gara ô tô, làm nơi bán hàng, cửa hàng sửa, rửa xe…Có nghĩa là chủ đầu tư vẫn kinh doanh được trên đất đó nhưng thực hiện không đúng mục đích của dự án.

Có chủ dự án đầu tư đã không đưa đất vào sử dụng, lại còn chây ỳ không đóng thuế. Có dự án chậm đưa vào sử dụng đất ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong khu vực, gây bất tiện trong sinh hoạt, gây ô nhiễm môi trường sống…

TP. Hồ Chí Minh có hơn 500 dự án “treo”

Số liệu của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh thể hiện, toàn thành phố có hơn 1.200 dự án đang còn hiệu lực triển khai. Tuy nhiên, có đến 502 dự án đang trong tình trạng “đắp chiếu, trùm mền”, chiếm 41,18% số dự án trên địa bàn. Nhiều dự án trong số này đã khởi động cả chục năm, nhưng vẫn “án binh bất động”.

Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trong khu vực dự án. Cụ thể, người dân phường 28, quận Bình Thạnh không thể xây dựng, sửa chữa nhà. Vì đất của họ trong quy hoạch “treo” nhiều năm rồi. Họ ở cũng không được, vì nhà quá dột nát, đi cũng không xong, vì trong quy hoạch bán – mua không thực hiện được.

Cư dân nằm trong vùng quy hoạch để triển khai dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế cũng vậy. Dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế có diện tích gần 900 ha, bao trọn diện tích xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn. Chủ dự án là Công ty Berjaya Land Berhad của Malaysia, được thành phố cấp phép đầu tư từ năm 2008 nhưng sau 10 năm, đến nay dự án vẫn chỉ nằm trên bản vẽ.

Dự án Khu dân cư Tam Bình 2 (khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) được phê duyệt quy hoạch từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai. Hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch “dài cổ” chờ ngày dự án thực hiện. Dự án Ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) được phê duyệt từ năm 2002 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình bố trí vốn để thực hiện.

Thống kê mới nhất của UBND quận 9 cho thấy, trên địa bàn quận có tới 200 ha đất thuộc dự án đang trong tình trạng "trùm mền", dù đã được UBND thành phố giao đất từ lâu.

Có thể bị xử lý hình sự

Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Văn Hưng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Luật, Nghị định quy định rõ chế tài đối với chủ đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng. Thế nhưng, trên thực tế, việc áp dụng chế tài chưa nghiêm dẫn đến tình trạng lãng phí đất công gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội của dự án ngày càng tăng.

Nguyên nhân khách quan thì ai cũng rõ, và chủ đầu tư được quyền xin ra hạn. Thế nhưng, xác định nguyên nhân khách quan – chủ quan để xử lý lại là cả vấn đề đối với cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này.

Dự án được bàn giao đất sạch, đã hoàn thiện thủ tục nhưng chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, làm ảnh hưởng đến môi trường – nếu xác định được, đây là dấu hiệu có thể xử lý hình sự. Tiếp theo, chủ đầu tư đã chậm đưa đất vào sử dụng, lại trốn tránh trách nhiệm đóng thuế, gây lãng phí tài nguyên – chứng minh được, cũng xử lý hình sự.

Chủ đầu tư được giao đất, để đất “treo”, làm người dân trong khu vực chịu ảnh hưởng của dự án không có đất canh tác, đời sống khốn khó hơn trước khi thực hiện dự án, chứng minh được thiệt hại của người dân, đủ chứng cứ, có thể xử lý hình sự được.

Chúng ta chưa thấy trường hợp nào, chậm đưa đất vào sử dụng, gây hiệu quả nghiêm trọng lại bị xử lý hình sự. Chủ đầu tư bị xử lý hình sự liên quan đến dự án Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất Housing Group như bà Châu Nga, chủ đầu tư dự án ở Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội bị bắt vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người mua căn hộ. Thực chất, bà Nga thu tiền của người mua nhưng chậm đưa đất vào sử dụng, không xây được căn hộ…

Theo luật sư Hưng, phải chứng minh được hành vi vi phạm thì sẽ xử phạt được. Dấu hiệu thì có nhưng chứng minh nó lại là việc khác. Và, với các dấu hiệu trên, nếu chứng minh được, nhiều chủ đầu tư bị xử lý hình sự.