Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia

PV.

(Tài chính) Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức cấp Nhà nước Vương quốc Campuchia, ngày 24/12/2014, Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang đã dành thời gian thăm và động viên Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC) và Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh.

Buổi gặp gỡ giữa Chủ tịch nước với các Doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Capuchia được diễn ra trong không khí cởi mở, ấm áp. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch AVIC đã báo cáo kết quả tình hình hợp tác kinh tế Việt Nam – Campuchia và tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2015-2020 của Hiệp hội. Nhiều đề xuất, kiến nghị cũng được đại diện một số Doanh nghiệp đã có quan hệ làm ăn lâu dài tại Campuchia như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam… thẳng thắn đóng góp, kiến nghị. Tại buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia, chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chứng kiến Lễ ký thoả thuận hợp tác công tác giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia với AVIC.

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gặp gỡ các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Campuchia - Ảnh 1
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chủ tịch AVIC phát biểu tại buổi gặp gỡ. Nguồn: bidv.com.vn

Kể từ khi AVIC được thành lập năm 2009, đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam và Campuchia có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Dòng vốn đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tăng mạnh về số dự án và vốn đầu tư. Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào Campuchia. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm với tốc độ bình quân trên 30%/năm. Việt Nam đứng thứ 3 trong hợp tác thương mại với với Campuchia; Khách du lịch Việt sang Campuchia không ngừng tăng qua các năm và Việt Nam đứng đầu trong số các nước có lượng khách lớn nhất đến Campuchia.

Đến nay, Việt Nam có hơn 50 dự án lớn hoàn thành đưa vào hoạt động tại Campuchia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước bạn. Các dự án doanh nghiệp (DN) Việt Nam đầu tư vào Campuchia tập trung ở các lĩnh vực Campuchia có tiềm năng như: Dự án trồng cây cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Năm Sao Campuchia; Bệnh viện Chợ rẫy Phnom Penh; Dự án Nhà máy sản xuất phức hợp đường, ethanol và nhiệt điện; lĩnh vực tài chính; các dự án trong lĩnh vực hàng không và viễn thông…

Thương mại song phương Việt Nam – Campuchia trong giai đoạn 2009 - 2014 đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Mức tăng bình quân trong 5 năm 2009 - 2013 đạt 30%/năm, dự kiến kim ngạch XNK Việt Nam – Campuchia năm 2014 đạt khoảng trên 3,5 tỷ USD; Đến hết tháng 9/2014, số lượng khách du lịch Việt Nam đến Campuchia đạt 632 nghìn lượt, tương đương cùng kỳ 2013, và bằng 74% mức thực hiện cả năm 2013 (chiếm gần 20% tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia). Dự kiến đến hết năm 2014, số lượng khách du lịch của Việt Nam đến Campuchia đạt khoảng 800 nghìn lượt khách.

Cùng với hoạt động đầu tư, kinh doanh, DN Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng người dân Campuchia thông qua thực hiện an sinh xã hội. Hoạt động này góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân Campuchia, đặc biệt là với người dân tại các vùng biên giới gặp nhiều khó khăn.

Theo mục tiêu kế hoạch của Chính phủ 2 nước, phấn đấu đến năm 2020 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vào Campuchia đạt 6 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2013. Trong đó, năm 2015 đạt từ 4 đến 4,2 tỷ USD. Việt Nam giữ vị trí là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Campuchia. DN Việt Nam tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh Campuchia có tiềm năng lớn. Riêng về thương mại và du lịch sẽ tạo nhiều đột phá: Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đến năm 2020 đạt 6.5 tỷ USD, trong đó năm 2015 đạt 5 tỷ USD, gấp 1,9 lần so với năm 2013; Khách du lịch hai chiều Việt Nam - Campuchia tăng trưởng trên 30%/năm, đạt 2.5 triệu lượt vào năm 2020 và 1,6 triệu lượt vào năm 2015.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch Hiệp hội AVIC kiến nghị: “Đề nghị Chính phủ 2 nước chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng các chiến lược hợp tác song phương dài hạn, để tiếp tục kết nối bền chặt hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia. Sớm rà soát các hiệp định kinh tế giữa hai nước đã ký kết và có hướng dẫn cụ thể, hiệu quả triển khai các hiệp định. Trước mắt, sớm hoàn thiện các thủ tục để Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước và Nghị định thư sửa đổi hiệp định này sớm có hiệu lực chính thức; sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Tiếp tục thực hiện và hoàn thành sửa đổi bổ sung Hiệp định Thương mại và Hiệp định về mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở khu vực biên giới. Thống nhất quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng cửa khẩu (đường giao thông, hệ thống chợ, kho ngoại quan…) và có các cơ chế thông thoáng về thủ tục hải quan. Mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng ưu đãi thuế quan… Thành lập Tổ công tác liên Bộ có sự tham gia của AVIC và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia; Tổ công tác sẽ giải quyết hoặc kiến nghị Chính phủ hai nước kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp”.

Riêng đối với Chính phủ Việt Nam, ý kiến các doanh nghiệp tập trung đề nghị xem xét ban hành sửa đổi các nghị định, cơ chế tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài, cải tiến theo hướng thông thoáng nhanh gọn về thủ tục cấp hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư ra nước ngoài; Chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, hình thành quỹ đầu tư nước ngoài, để hỗ trợ cho các dự án trọng điểm mà DN Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia, Lào, Myanmar; Có cơ chế hỗ trợ các DN Việt Nam trong việc miễn giảm thuế xuất nhập khẩu đối với sản phẩm được đưa về Việt Nam chế biến; Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát tiến độ triển khai dự án được giao triển khai theo hiệp định, hiệp ước của hai nước. Xem xét thu hồi, giao cho doanh nghiệp khác có năng lực, kinh nghiệm triển khai các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan; Chỉ đạo hệ thống ngân hàng tăng cường hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp về tài chính triển khai đầu tư các dự án cũng như cung cấp dịch vụ tài chính; Tiếp tục xây dựng quy định thông thoáng, rõ ràng về việc cho phép các nhà đầu tư Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Với Chính phủ Campuchia, các kiến nghị đề xuất hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo an toàn và khẳng định quyền hợp pháp các giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia; Có chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước (thông qua chính sách thuế, chống hàng giả…) xem xét cấp tô nhượng đất kinh tế để mở rộng canh tác trồng mía, trồng cây công nghiệp theo quy mô dự án; Chỉ đạo các ngân hàng Campuchia phối hợp với các ngân hàng Việt Nam tham gia đồng tài trợ vốn cho những dự án lớn, có hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội cao; Tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng thương mại Việt Nam hoạt động tại Campuchia trên các khía cạnh như giới hạn cho vay, kinh doanh ngoại hối, tiếp tục hình thành và phát triển thị trường vốn; Quy hoạch và định hướng phát triển đầu tư theo từng lĩnh vực ngành nghề cụ thể, có tiềm năng thế mạnh như thủy điện, khai khoáng, trồng cây công nghiệp. Chỉ giao các dự án tại khu vực biên giới cho các DN Việt Nam và Campuchia thực hiện, không giao cho đối tác nước thứ ba; Có cơ chế giải quyết cho thuê lao động nước ngoài đối với các dự án yêu cầu lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao; Hỗ trợ và cho phép các DN Việt Nam có dự án đầu tư liên quan đến đất đai được tiến hành thuận lợi, nhất là các dự án trong lĩnh vực trồng cây cao su được Chính phủ Campuchia cấp phép và cấp đất trước ngày 7/5/2012.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp gỡ, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang ghi nhận và đánh giá cao vai trò của các nhà Đầu tư Việt Nam sang Campuchia cũng như vai trò của AVIC. Chủ tịch nước cũng khẳng định những kết quả đạt được về đầu tư, thương mại và du lịch của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sang Campuchia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của Campuchia trong những năm qua. Từ đó, góp phần thực hiện bồi đắp mối quan hệ hữu nghị giưa 2 nước và nhân dân 2 nước Việt Nam- Campuchia.

Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã đến thăm hỏi, động viên cán bộ nhân viên, y, bác sĩ và bệnh nhân Bệnh viện Chợ Rẫy Phnompenh. Đây là dự án bệnh viện đa khoa liên doanh giữa Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh với đối tác tại Campuchia. Bệnh viện mới khai trương hoạt động từ 13/01/2014 với qui mô ban đầu là 200 giường bệnh/tổng số 500 giường bệnh. Bệnh viện tiếp nhận nguồn vốn vay từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia cho đầu tư ban đầu và duy trì hoạt động thường xuyên. Đây là bệnh viện được trang bị nhiều thiết bị khám chữa bệnh hiện đại nhất tại Campuchia hiện nay. Tại đây, Chủ tịch nước đã gặp gỡ nói chuyện với đội ngũ y bác sĩ bệnh viện, thăm quan bệnh viện, thăm hỏi và tặng quà bệnh nhân nghèo. Chủ tịch nước cũng chứng kiến Hiệp Hội các nhà Đầu tư Việt Nam sang Campuchia trao tặng số tiền 150.000USD ủng hộ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo Bệnh viện Chợ Rẫy – Phnompenh.