Chủ tịch Trung Quốc không hài lòng khi các nước lớn chuẩn bị đảo chiều chính sách tiền tệ

Theo Trung Mến/nhipsongdoanhnghiep.cuocsongantoan.vn

Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo về tâm lý “Chiến tranh Lạnh”, cái mà theo ông sẽ gây tổn hại đến nỗ lực giải quyết những vấn đề chung.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Nikkei
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Nikkei

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày thứ Hai hối thúc các nước lớn cùng hợp tác nhằm giảm thiểu tác động từ các rủi ro kinh tế do đại dịch COVID-19, trong cùng ngày, các số liệu cho thấy động lực tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang yếu dần.

Tham gia Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) theo hình thức trực tuyến mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cảnh báo về tâm lý “Chiến tranh Lạnh”, cái mà theo ông sẽ gây tổn hại đến nỗ lực giải quyết những vấn đề chung, quan điểm này của ông chắc chắn không khiến cho Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ hài lòng.

Một phần quan trọng trong bài phát biểu của ông tập trung vào chính sách kinh tế vĩ mô và chuyển hướng chính sách tiền tệ.

Tại các cuộc họp của Davos, ông Tập nhấn mạnh: “Đại dịch đang chứng minh rằng nó kéo dài, phát sinh thêm nhiều biến chủng và lây nhanh hơn trước đây. Nếu có thêm chính quyền các nền kinh tế lớn hãm phanh hoặc đảo chiều chính sách tiền tệ, sẽ có nhiều tác động tệ hại. Tình hình ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu sẽ chịu tổn hại, các nước đang phát triển sẽ gánh chịu ảnh hưởng tiêu cực”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 giờ đây đã bước sang năm thứ 3, chính phủ các nước sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản của thị trường và duy trì sinh kế cho người dân. Tuy nhiên, các chính sách trên đã khiến cho lạm phát tăng cao, chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn và tình trạng thiếu năng lượng kéo dài.

Một số ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã chuyển hướng sang thắt chặt chính sách tiền tệ, trong đó phải kể đến Hàn Quốc, đồng thời sự chú ý của toàn thế giới đang dồn vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cơ quan đã phát đi thông điệp sẽ nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022.

Bối cảnh chính sách đảo chiều như trên tạo ra nhiều thách thức với Trung Quốc bởi bản thân nước này đang đương đầu với rất nhiều đợt bùng dịch COVID-19 và sự đi xuống của lĩnh vực bất động sản. Các số liệu GDP công bố ngày thứ Hai cho thấy GDP Trung Quốc chững lại trong quý cuối cùng của năm 2021, mức độ tăng trưởng chỉ đạt 4%, thấp nhất tính từ quý 2/2020.

Tăng trưởng kinh tế cả năm 2020 ước tính đạt 8,1% nhờ vào sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh và thặng dư thương mại cao, tuy nhiên, tăng trưởng này có thể không duy trì được khi nền kinh tế của các nước đối tác phục hồi.

Trong khi số liệu GDP cho thấy tăng trưởng cao, ông Tập thừa nhận rằng môi trường nội địa và quốc tế thay đổi đã tạo ra nhiều áp lực lên kinh tế Trung Quốc.

“Các nền kinh tế lớn cần nhìn thế giới như một cộng đồng chung theo cách suy nghĩ có hệ thống trong đó cần đến minh bạch về chính sách và chia sẻ thông tin, đồng thời phối kết hợp các mục tiêu hoạt động cũng như điều chỉnh tốc độ của chính sách tài khóa và tiền tệ để cùng ngăn kinh tế thế giới suy giảm”, ông Tập Cận Bình phân tích.

Đây là lần thứ 3 ông Tập Cận Bình xuất hiện tại WEF. Do đại dịch COVID-19, cuộc họp thường niên của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới thông thường vốn tổ chức tại Davos đã phải tổ chức trực tuyến.