Trung Quốc tiếp tục thận trọng với chính sách tiền tệ

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng vào năm 2022.

Khoản cho vay \mới của Trung Quốc đạt kỷ lục 19,95 nghìn tỷ NDT (3,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2021, tăng 1,6% so với 19,63 nghìn tỷ NDT vào năm 2020. Nguồn: AFP
Khoản cho vay \mới của Trung Quốc đạt kỷ lục 19,95 nghìn tỷ NDT (3,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2021, tăng 1,6% so với 19,63 nghìn tỷ NDT vào năm 2020. Nguồn: AFP

Theo dữ liệu do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố mới đây, khối lượng cho vay của các ngân hàng mới ở Trung Quốc trong tháng 12 giảm nhiều hơn so với dự kiến so với tháng trước, nhưng cho vay cho cả năm 2021 đã lập kỷ lục, do PBoC duy trì chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại.

Cụ thể, các ngân hàng tại Trung Quốc đã mở rộng khoản vay 1,13 nghìn tỷ Nhân dân tệ (177 tỷ USD) trong tháng 12, giảm từ 1,27 nghìn tỷ NDT vào tháng 11 và không đạt được kỳ vọng của các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự đoán.

Tuy nhiên, khoản cho vay mới của các ngân hàng đạt kỷ lục 19,95 nghìn tỷ NDT (3,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2021, tăng 1,6% so với mức 19,63 nghìn tỷ NDT vào năm 2020 - kỷ lục trước đó và tương đương với tổng sản phẩm quốc nội của Vương quốc Anh.

Trả lời trên truyền thông, Sheana Yue, nhà kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics cho biết: “Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới do các nỗ lực tăng cường, nhằm giảm chi phí đi vay và thúc đẩy cho vay. Điều đó cho thấy, các nhà hoạch định chính sách vẫn muốn cân bằng giữa mong muốn làm dịu suy thoái kinh tế với lo ngại về mức nợ cao. Do đó, chúng tôi kỳ vọng, lượng cho vay chỉ tăng nhẹ, điều này không có khả năng tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong tăng trưởng kinh tế”.

Năm 2021, nền kinh tế Trung Quốc đã có một khởi đầu mạnh mẽ khi các hoạt động tiếp tục phục hồi sau đợt suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra vào năm 2020. Nhưng đà phục hồi đó đã chậm lại trong những tháng gần đây do thị trường bất động sản suy thoái, hạn chế ô nhiễm công nghiệp và chiến lược Zero - COVID triển khai nghiêm ngặt. Về mặt tiêu dùng, chiến lược Zero-COVID do Bắc Kinh thực hiện đã thay đổi đáng kể hành vi của người tiêu dùng. Với những hạn chế đi lại khác nhau được áp dụng, giờ đây mọi người chủ yếu chỉ đi du lịch khi cần thiết. Nhiều người cũng đã giảm các hoạt động giải trí của họ.

Vì thế, để củng cố đà tăng trưởng đang diễn ra, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng vào tháng 12/2021, động thái này đã giải phóng 1,2 nghìn tỷ NDT thanh khoản dài hạn, nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, PBoC cũng cắt giảm 25 điểm cơ bản đối với lãi suất cơ bản để hỗ trợ khu vực nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ.

Hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng, RRR sẽ cắt giảm nhiều hơn nữa trong năm nay nếu các mục tiêu kinh tế chưa đạt như kỳ vọng. Tuy nhiên, dự kiến này sẽ không có nhiều đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc, đặc biệt là khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có vẻ sẽ sớm bắt đầu tăng lãi suất, điều này có thể dẫn đến dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi.

Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định hàng đầu của nước này cho biết,  quốc gia sẽ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chủ động và chính sách tiền tệ thận trọng vào năm 2022. Do đó, Trung Quốc sẽ giữ các hoạt động kinh tế trong phạm vi hợp lý vào năm 2022. Đặc biệt trong bối cảnh sự suy thoái tài sản dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm nay, với sự lan rộng của biến thể Omicron gần đây đã đặt ra một thách thức mới.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản, có rất ít dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong vài quý tới. Ở hầu hết các thành phố lớn, doanh số bán bất động sản đã giảm mạnh, trong đó giá nhà ở là điểm nhấn cho đà suy yếu này. Ngoài ra, việc mở rộng các thử nghiệm về thuế bất động sản có thể ảnh hưởng đến thị trường nhà ở trong trung hạn. Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương cũng nhắc lại rằng “nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ”, cho thấy việc tài trợ bất động sản vẫn đang được các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ. Điều này cũng ngụ ý rằng, chính sách tiền tệ khó có thể được nới lỏng ồ ạt vì lịch sử cho thấy, nếu chính sách này diễn ra thì cuối cùng sẽ thúc đẩy thị trường nhà ở tăng nóng..

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết trong một lưu ý trước đó rằng: “Nợ đối với tổng sản phẩm quốc nội đã giảm mạnh 10% vào năm 2021, nhưng với tốc độ tăng trưởng giảm xuống dưới vùng an toàn của các nhà hoạch định chính sách, họ rõ ràng đã chuyển hướng sang một chế độ nới lỏng hoàn toàn”.

Dữ liệu của PBoC cũng cho thấy, cung tiền (M2) đã tăng 9% so với một năm trước, cao hơn mức dự báo 8,7% trong cuộc thăm dò của Reuters. Dư nợ cho vay bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng 11,6% trong tháng 12/2021 so với một năm trước đó và so với mức tăng 11,7% trong tháng 11.

Tăng trưởng tổng dư nợ tài chính xã hội (TSF), một thước đo về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế tăng nhanh lên 10,3% trong tháng 12 so với một năm trước đó và từ 10,1% vào tháng 11. TSF bao gồm các hình thức tài trợ ngoại bảng tồn tại bên ngoài hệ thống cho vay thông thường của ngân hàng, chẳng hạn như phát hành lần đầu ra công chúng, các khoản vay từ các công ty ủy thác và bán trái phiếu. Vào tháng 12, TSF đã giảm xuống 2,37 nghìn tỷ Nhân dân tệ từ 2,61 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào tháng 11.

Hao Zhou là chuyên gia kinh tế cấp cao về thị trường mới nổi tại ngân hàng Commerzbank bày tỏ hy vọng, chi tiêu tài khóa có thể được tăng tốc vào năm 2022, cho thấy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ cung cấp một số hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái tài sản.

“Nếu việc phát hành trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương có thể tăng đáng kể trong quý đầu tiên, thì hỗ trợ tài khóa sẽ có hiệu lực trong vài quý tiếp theo. Tuy nhiên, do nhu cầu cơ bản vẫn còn yếu nên triển vọng kinh tế của Trung Quốc hiện tại vẫn còn nhiều thách thức”, vị chuyên gia dự báo.