Nhiều người Trung Quốc vẫn đầu tư “chui” tiền điện tử
Các nhà đầu tư tiền điện tử Trung Quốc vẫn đang tiếp tục giao dịch tiền ảo của mình trên những nền tảng nước ngoài, khi các sàn giao dịch lớn chấm dứt hỗ trợ bằng đồng NDT.
Các nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ Bitcoin và các loại tiền điện tử khác đang tìm cách vượt qua những hạn chế từ việc nghiêm cấm của chính quyền, ngay cả khi hai sàn giao dịch lớn Binance và Huobi đã tuyên bố không hỗ trợ người dùng đại lục mua bán tiền điện tử bằng đồng NDT.
Thông báo của hai sàn giao dịch trên đã được đưa ra vào cuối một năm đầy khó khăn đối với các nhà giao dịch tiền điện tử Trung Quốc, những người phải chứng kiến các cộng đồng trực tuyến đóng cửa, các trang web định giá không hoạt động và các sàn giao dịch lớn cắt đứt dịch vụ. Các biện pháp khắc nghiệt hơn từ các sàn giao dịch được đưa ra sau khi Bắc Kinh quy định rằng, bất kỳ nền tảng tiền điện tử nào ở nước ngoài phục vụ khách hàng đại lục đều là bất hợp pháp.
Huobi và Binance đã vô hiệu hóa các giao dịch bằng đồng NDT của Trung Quốc từ cuối tháng 12. Trên Binance, người dùng Trung Quốc chỉ có thể rút tiền từ tháng 1/2021. Còn Huobi đã ngừng đăng ký mới sử dụng số điện thoại từ Trung Quốc đại lục và sẽ bắt đầu tính phí 0,2% hàng tháng cho bất kỳ tài khoản Trung Quốc nào có số dư vào năm 2022.
Người dùng trước đây có thể mua tiền điện tử bằng NDT thông qua ngân hàng, hoặc được sử dụng phổ biến nền tảng thanh toán trực tuyến. Ít nhất 8 nền tảng khác cũng đã thông báo rằng họ sẽ không còn hỗ trợ mua NDT từ tháng 1/2022. Việc chấm dứt giao dịch mua bán tự do (OTC) bằng đồng NDT trên các nền tảng này đã loại bỏ phương thức giao dịch chính giữa các nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, một số nhà đầu tư giấu tên cho biết, họ vẫn có kế hoạch của mình trong lĩnh vực này, bất chấp rủi ro pháp lý và sự trấn áp về quy định. Theo đó, các phương pháp phổ biến để tiếp tục giao dịch bao gồm sử dụng mạng riêng ảo (VPN), đăng ký địa chỉ Email nước ngoài và chuyển tài sản sang các sàn giao dịch ít tập trung hơn.
“Có nhiều cách để vẫn có thể giao dịch tiền điện tử như sử dụng VPN để vượt qua Great Firewall, đăng ký dịch vụ Email nước ngoài, chọn quốc gia không có hệ thống nhận dạng, vì có rất nhiều quốc gia như vậy”, một nhà đầu tư chia sẻ.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã từng chấp nhận Bitcoin (BTC) vào những năm đầu xuất hiện. Nhưng điều đó đã chính thức thay đổi vào tháng 12/2013, khi các cơ quan quản lý của chính phủ, dẫn đầu là Ngân hàng Trung ương, bắt đầu đưa ra quy định trấn áp Bitcoin tại Trung Quốc, bằng cách yêu cầu các ngân hàng không cung cấp dịch vụ thanh toán hoặc quyết toán cho giao dịch tiền điện tử.
Các động thái dần dần leo thang qua từng năm và có bước nhảy vọt vào năm 2017, khi các nhà chức trách đẩy các sàn giao dịch như Binance và Huobi ra nước ngoài.
Lệnh cấm năm 2017 được thực hiện, đã gây ra sự hỗn loạn tạm thời, vì nhiều sàn giao dịch đình chỉ tiền gửi mà chỉ cho phép rút tiền. Vào thời điểm đó, một số người đã thành lập các nhóm kín tự giao dịch OTC.
Đến giữa năm 2021, một cuộc trấn áp khác tăng cường, khi các nhà chức trách loại bỏ hầu hết các thợ đào Bitcoin ra khỏi đất nước, khiến một cuộc di cư lớn diễn ra. Việc bắt đầu sử dụng tiền điện tử đã ngày càng trở nên khó khăn hơn đối với người Trung Quốc khi người dùng mới không thể đăng ký, cũng như không thể trao đổi tài sản tiền điện tử với tiền fiat.
Một nhà đầu tư khác chỉ ra rằng: “Mọi người có thể sử dụng sàn giao dịch phi tập trung để giao dịch mà không cần bất kỳ trung gian nào, chẳng hạn như ngân hàng hoặc nhà môi giới. Tuy nhiên, có những rủi ro, bởi vì không bên nào đảm bảo tổn thất nếu tài khoản bị tấn công”.
Đến nay, các cơ quan tư pháp Trung Quốc vẫn kiên định, tài sản tiền điện tử không được pháp luật bảo vệ. Vừa qua, một toà án tại Bắc Kinh đã tuyên bố, các hợp đồng khai thác Bitcoin là "vô hiệu" và bác bỏ đơn kiện đòi bồi thường thiệt hại từ một công ty Blockchain. Cụ thể, nguyên đơn có trụ sở tại Bắc Kinh đã chi 10 triệu NDT (1,6 triệu USD) để triển khai các máy khai thác Bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên, nhưng không thu hồi được vốn đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp của nước này đã không công nhận và bảo vệ các lợi ích liên quan đến tiền điện tử.
Sau đó, các cuộc thanh tra tương tự đã diễn ra ở các tỉnh khác. Theo một bài đăng trên trang web của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, tại Chiết Giang, các cơ quan quản lý Kỷ luật và Internet địa phương đã thành lập một đội đặc nhiệm, đột kích vào khoảng 20 tổ chức như các phòng thí nghiệm, trường đại học và phát hiện ra 14 tổ chức đang khai thác tiền điện tử trái phép. Những người liên quan đã bị trừng phạt, còn một số thì bị thu hồi tiền thưởng.