Chú trọng bảo quản nông sản sau thu hoạch, mở rộng thị trường xuất khẩu

Theo K.V(t/h)/dangcongsan.vn

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), dự kiến sản lượng thu hoạch các loại cây ăn trái tại các địa phương phía Nam trong quý I/2022 đạt hơn 1,8 triệu tấn, trong đó riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 69%...

Chế biến xoài xuất khẩu ở ĐBSCL. (Ảnh: Báo Hậu Giang)
Chế biến xoài xuất khẩu ở ĐBSCL. (Ảnh: Báo Hậu Giang)

Các loại cây ăn trái có sản lượng thu hoạch trái nhiều, gồm thanh long, chuối, xoài, mít, bưởi, cam, dứa và sầu riêng, với tổng sản lượng hơn 1,35 triệu tấn. Trong tháng 1/2022, các địa phương phía Nam sẽ thu hoạch hơn 113.100 tấn thanh long, 86.000 tấn chuối, 515.500 tấn xoài, 504.640 tấn bưởi, 481.200 tấn dứa, 476.000 tấn mít, 357.350 tấn cam và hơn 198.880 tấn sầu riêng…

Do lượng trái cây cần thu hoạch và tiêu thụ hiện nay là rất lớn. Trong khi đầu ra xuất khẩu một số loại trái cây có phần gặp khó, nên cần đẩy mạnh các hoạt động bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại nội địa, nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm rà soát, thống kê kỹ diện tích, sản lượng từng loại trái cây đang bước vào thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch để có giải pháp đẩy mạnh kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ nông dân tiêu thụ kịp thời.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có khoảng trên 300 nghìn ha trồng cây ăn trái, chiếm gần 40% diện tích trồng cây ăn trái của cả nước, hằng năm cung cấp cho thị trường vài triệu tấn quả. Các tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn trong khu vực là Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Đồng Tháp…; các loại cây ăn trái có diện tích lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm chuối, xoài, cam, nhãn, dứa, bưởi, sầu riêng, thanh long, chôm chôm, quýt… khu vực này cũng là nơi có nhiều giống cây ăn trái bản địa ngon nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, vú sữa Lò Rèn, sầu riêng Chín Hóa, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, quýt hồng, sa pô lồng mứt…

Những năm gần đây Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là vùng trồng cây ăn trái chủ lực cung cấp trái cây cho nhiều tỉnh, thành phố trong nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong cung cấp trái cây nguyên liệu cho xuất khẩu tươi và chế biến. Các loại trái cây như xoài, nhãn, thanh long, bưởi, chuối, khóm… sản xuất từ Đồng bằng sông Cửu Long được thị trường ưa chuộng, kể cả xuất khẩu.

Các chuyên gia đánh giá tiềm năng trái cây Đồng bằng sông Cửu Long trong cung cấp nguồn hàng xuất khẩu còn lớn, không chỉ phục vụ các thị trường xuất khẩu truyền thống mà còn xuất đi các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Cơ hội gia tăng giá trị xuất khẩu trái cây trong những năm tới chủ yếu do nguồn cung hàng rau quả có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực như sản xuất rau quả an toàn theo quy trình GAP, chất lượng rau quả được nâng lên, Việt Nam tăng cường đàm phán với các nước như Mỹ, Úc,... thị trường được mở rộng.

Để trái cây của Đồng bằng sông Cửu Long tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần giúp xuất khẩu rau quả của Việt Nam duy trì ở mức cao và ổn định là phải sắp xếp, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, sản phẩm trái cây sản xuất ra đảm bảo an toàn thực phẩm, dễ truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo cung ứng quanh năm. Đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trái cây Đồng bằng sông Cửu Long mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long cần tích cực chủ động tìm kiếm các đối tác để ký hợp đồng liên kết lâu dài, chặt chẽ với nhà vườn, ưu tiên thu mua các sản phẩm tại các vườn có chất lượng, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm; phối hợp với Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài để xác định nhu cầu và thực hiện các chương trình quảng bá sản phẩm trái cây Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng nhằm phát triển thêm thị trường mới; cập nhật các thông tin xuất khẩu nhanh chóng, kịp thời, thường xuyên, trên cơ sở này điều hòa sản xuất trong nước, góp phần ổn định giá cả.

Với nhu cầu nhập khẩu hàng dự báo tăng tại nhiều quốc gia và doanh nghiệp nước ta đang khai thác hiệu quả các FTA, nhất là FTA thế hệ mới, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nước ta đã và sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội và điều kiện để gia tăng mạnh. Tuy nhiên, để phát triển xuất khẩu bền vững, đòi hỏi nước ta cũng cần quan tâm tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn và hạn chế. Đáng chú ý, hiện xuất khẩu một số loại nông sản vẫn còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường. Lượng nông thủy khẩu xuất khẩu dạng tiểu ngạch còn chiếm tỷ trọng lớn, nhất là xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc mới cho nhập khẩu chính ngạch 9 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm: thanh long, dưa hấu, vải, chôm chôm, măng cụt, nhãn, xoài, mít, chuối.

Trong khi đó, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 109,79 tỉ USD trong năm 2021, tăng 30,4% so với năm trước. Nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để đẩy mạnh xuất khẩu các loại nông sản và hàng hóa chính ngạch vào thị trường này. Đồng thời, tích cực thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành động của người dân, doanh nghiệp đổi mới tư duy sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển xuất khẩu chính ngạch, bền vững. Tiếp tục xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cần tận dụng các cơ hội từ FTA để đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Chú ý khâu bảo quản, chế biến nông sản và phát triển các sản phẩm chế biến sâu từ những loại nông sản thế mạnh của nước ta để bảo quản lâu, đưa xuất khẩu ở các thị trường ở xa và nâng cao được giá trị.

Trung Quốc là thị trường lớn, ở gần và hiệu quả cho xuất khẩu nhiều loại nông sản của nước ta. Theo thống kê, có khoảng 70% các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, đây là hạn chế cần khắc phục. Việc tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này đang là yêu cầu cấp thiết để tránh các rủi ro.