Chú trọng phát triển vùng kinh tế, khu kinh tế và kinh tế biển
Đó là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đưa ra trong Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Theo đó, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng, nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, vùng liên tỉnh, vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu chế xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng tài nguyên.
Xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch huy động và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư của các thành phần kinh tế nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương và ứng phó hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết hình thành các vùng kinh tế chuyên ngành quy mô lớn với các nhóm sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng và giữa các địa phương trong việc huy động các nguồn lực, đầu tư xây dựng, khai thác các công trình hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, liên vùng.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật để phát huy hiệu quả các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Phát triển các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng có ý nghĩa đối với cả nước và liên kết trong khu vực. Tăng cường tính liên kết giữa các khu kinh tế.
Tăng cường hợp tác liên vùng, liên tỉnh, liên kết, đồng bộ về các chính sách, chỉ đạo điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch, về xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; khai thác, sử dụng và bảo vệ bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vùng động lực, các khu kinh tế, khu công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các khu vực, địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và phía Tây các tỉnh miền Trung.
Chính phủ cũng sẽ ban hành các cơ chế, chính sách để phát triển mạnh, có hiệu quả các ngành kinh tế biển và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí, cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo. Tập trung kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường biển. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc khai thác hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên biển.
Xây dựng các khu kinh tế ven biển; cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Tạo điều kiện và khuyến khích người dân định cư lâu dài trên các đảo.