Chú trọng quản lý rủi ro tài khóa đối với các dự án PPP

PV.

Với áp lực về huy động nguồn vốn và nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng phát triển đất nước, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, Việt Nam rất coi trọng việc huy động các nguồn vốn thông qua các mô hình PPP. Tuy nhiên, cần nhận diện rõ hơn các rủi ro tài khóa, đặc biệt là các rủi ro từ các dự án PPP để từ đó đưa ra các biện pháp, phương thức để đánh giá và quản lý rủi ro, hướng tới một nền tài chính công lành mạnh, an toàn, bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: hpa.gov.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: hpa.gov.vn

Trong điều kiện vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) đang là một xu thế tất yếu trên thế giới. Tại Việt Nam, với áp lực về huy động nguồn vốn và nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay, việc huy động các nguồn vốn thông qua các mô hình PPP rất được coi trọng và bắt đầu triển khai trong vài năm trở lại đây.

Chẳng hạn, tính đến tháng 9/2017, tính riêng TP. Hồ Chí Minh, đã có 23 dự án đã hoàn tất ký kết hợp đồng với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 71.127 tỷ đồng. 130 dự án khác đang được TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai với tổng mức đầu tư dự kiến là 395.847 tỷ đồng.
Tuy nhiên, huy động nguồn vốn PPP cũng kéo theo những rủi ro nhất định đối với nền kinh tế nói chung và an ninh tài chính, tài khóa nói riêng. Do vậy, việc quản lý các rủi ro tài khóa là một trong những giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng nhằm đảm bảo tính bền vững tài khóa và an ninh tài chính công trong quá trình thu hút các dự án PPP.
Tại Hội thảo “Quản lý rủi ro tài khóa đối với các dự án hợp tác công - tư” ngày 22/3/2018 tại Hà Nội do Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức, ông James A. Brumby - Giám đốc Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước, Ngân hàng Thế giới cho rằng, PPP là một hình thức triển khai dự án đầu tư công. Để giảm thiểu rủi ro và tăng tính hiệu quả của dự án PPP, mọi đề xuất dự án cần được sàng lọc về mức độ tương thích và phù hợp với chính sách của quốc gia, chú trọng hiệu quả kinh tế và tính khả thi về kỹ thuật, pháp lý, tính tuân thủ về môi trường, bền vững về xã hội.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng khuyến nghị Việt Nam cần lồng ghép PPP tốt hơn vào cơ chế quản lý đồng tư công, chú trọng quản lý rủi ro tài chính và bền vững tài chính của PPP, cải thiện chất lượng dự án thông qua quy trình cạnh tranh hơn.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án PPP, ông Ludovic Delplanque, Cán bộ chương trình của Ngân hàng Thế giới cho rằng nguyên tắc chính là từng rủi ro cần được phân bổ, cùng với quyền đưa ra quyết định liên quan, sao cho tối đa hóa được tổng giá trị dự án. Chính phủ hỗ trợ cho rủi ro về thu của các dự án PPP, hỗ trợ về rủi ro tỷ giá (nhấn mạnh việc huy động vốn hỗn hợp, cả nội tệ và ngoại tệ); hỗ trợ trong trường hợp hợp đồng PPP bị chấm dứt sớm.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, để quản lý hiệu quả các rủi ro tài khóa, cần sớm nghiên cứu, xây dựng một khung quản lý rủi ro tài khóa phù hợp với Việt Nam (xác định và lượng hóa rủi ro, biện pháp giảm nhẹ rủi ro, lập dự phòng rủi ro và xử lý những rủi ro còn lại).
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng cần nâng cao năng lực dự báo phân tích và quản lý rủi ro tài khóa; Lựa chọn mô hình phân tích rủi ro tài khóa phù hợp; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và phù hơp với các chuẩn mực thống kê được thừa nhận chung. Đồng thời, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị liên quan và tăng cường kỷ luật tài khóa, công khai và minh bạch thông tin; thúc đẩy trách nhiệm giải trình.
Trong khi đó, ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, rủi ro tài khóa nên được nhận diện sớm và đầy đủ và ngay từ khi lập dự án. Cần xác định rõ những nguyên tắc, mục tiêu của từng dự án; Đánh giá hiệu quả dự án và xác định thứ tự ưu tiên trong lựa chọn dự án; có đơn vị đánh giá độc lập để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Bà Vũ Quỳnh Lê -  Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại khuyến nghị cần sớm nghiên cứu một số hình thức bảo lãnh tại Việt Nam (bảo lãnh doanh thu tối thiểu, chênh lệch tỷ giá), đồng thời phát triển thị trường tài chính và các công cụ tài chính về bảo hiểm và bảo lãnh...