Nhận diện rủi ro tài khóa để hướng tới một nền tài chính công lành mạnh
Tại Hội thảo Quản lý rủi ro tài khóa đối với các dự án Hợp tác công – tư (PPP), do Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức ngày 22/3/2018, nhận diện rủi ro tài khóa để hướng tới một nền tài chính lành mạnh là nội dung chính được bàn thảo sôi nổi.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cùng các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, vụ, cục chức năng thuộc Bộ Tài chính và viện nghiên cứu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, trong những năm qua, cùng với quá trình cải cách về thể chế quản lý kinh tế nói chung, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong cải cách quản lý tài chính công, nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ giác độ bền vững tài khóa trong trung và dài hạn, thu ngân sách trung ương còn gặp nhiều khó khăn; tỷ trọng thu ngân sách nhà nước (NSNN) so với GDP có xu hướng giảm thì quy mô chi NSNN so với GDP vẫn ở mức cao; thâm hụt NSNN ở mức cao, nợ công đã tiệm cận đến ngưỡng an toàn Quốc hội cho phép; áp lực về huy động nguồn vốn và nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng.
“Chính vì vậy, việc theo dõi và quản lý các rủi ro tài khóa có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo tính bền vững tài khóa và an ninh tài chính công. Đây cũng là vấn đề mà Bộ Tài chính ưu tiên triển khai thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ thông qua Chương trình Hỗ trợ tư vấn và phân tích quản lý tài chính công tại Việt Nam”, Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải nhấn mạnh.
Đánh giá về rủi ro tài khóa ở Việt Nam, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho rằng, hiện nay, rủi ro tài khóa ở Việt Nam bao gồm: Rủi ro về kinh tế vĩ mô; rủi ro từ nghĩa vụ nợ trực tiếp và nợ dự phòng; rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu; rủi ro do chính sách. Chẳng hạn như rủi ro từ nghĩa vụ nợ trực tiếp và nợ dự phòng chịu ảnh hưởng từ các khoản vay nợ của Chính phủ do biến động của tỷ giá, lãi suất hay chịu tác động từ hoạt động kém hiệu quả của khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực ngân hàng.
Bên cạnh đó, rủi ro từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở cả cấp trung ương và địa phương nhất là đối với các quỹ có chức năng huy động, đầu tư vốn trên thị trường…
Việt Nam đã bước đầu hình thành được khung pháp lý để quản lý các rủi ro tài khóa. Tuy nhiên, theo ông Trương Bá Tuấn, hiện vẫn còn thiếu một khuôn khổ toàn diện về phân tích, đánh giá và quản lý rủi ro tài khóa. Vì vậy, yêu cầu nghiên cứu, xây dựng một khung quản lý rủi ro tài khóa phù hợp với Việt Nam được đặt ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao năng lực dự báo, phân tích và quản lý rủi ro tài khóa, lựa chọn mô hình phân tích rủi ro tài khóa phù hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm về khung quản lý rủi ro tài khóa và ứng dụng mô hình rủi ro tài khóa, ông James Brumby, Giám đốc Khối nghiệp vụ toàn cầu về quản trị nhà nước, Ngân hàng Thế giới cho rằng, khi Nhà nước phát triển, vai trò của Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan thay đổi từ vai trò hẹp, chủ yếu về giao dịch sang vai trò rộng hơn về chính sách và bảo vệ lợi ích tài chính tổng thể của Nhà nước. Điều đó đòi hỏi quản lý rủi ro tài khóa phải là một phần không thể thiếu trong quản lý và chính sách tài khóa tốt.
Theo ông James Brumby, mô hình hợp tác công – tư (PPP) là một hình thức triển khai dự án đầu tư công nên mọi đề xuất dự án đầu tư cần được sàng lọc về mức độ tương thích và phù hợp với chính sách của quốc gia. Dự án đầu tư cần phải khả thi về kỹ thuật và pháp lý, tuân thủ về môi trường, bền vững về xã hội và khả thi về kinh tế.