Chuẩn bị cho EVFTA: Hoàn thiện pháp lý là ưu tiên hàng đầu

Theo daibieunhandan.vn

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như “đường cao tốc quy mô lớn” kết nối Việt Nam và châu Âu (EU), giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái cho biết, các bộ, ngành đang nỗ lực chuẩn bị, trong đó hoàn thiện khung pháp lý là ưu tiên hàng đầu, để có thể thực thi ngay khi hiệp định có hiệu lực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Phải thay đổi nếu muốn đi trên “cao tốc”

Tại Tọa đàm “EVFTA - đường cao tốc hiện đại nối Việt Nam - EU” ngày 23/3/2020, Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, EVFTA là “con đường cao tốc” và hầu như không có rào cản để kết nối nền kinh tế Việt Nam với EU.

Với con đường này, hàng hóa của Việt Nam có thể đến đích nhanh hơn các đối thủ nhưng không phải loại xe (doanh nghiệp - PV) nào cũng tham gia lưu thông được. Nếu muốn đi trên “cao tốc” ấy, doanh nghiệp phải thay đổi để đáp ứng những điều kiện nhất định, đồng thời, các cơ quan Nhà nước phải có giải pháp tốt để vận hành.

“Hiện tại, dịch Covid-19 lan rộng làm sụt giảm nhu cầu xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ rất lớn, nếu hiệp định này có hiệu lực cùng thời điểm sẽ tạo cú hích rất tốt”, bà Trang nhận định.

Thời gian qua, Việt Nam gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc, nhưng khó chuyển sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU vì những hàng hóa này ngay từ đầu không được thiết kế, sản xuất theo hướng bảo đảm yêu cầu chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo bà Trang, điều kiện về tiêu chuẩn kỹ thuật, hàng rào vệ sinh an toàn thực phẩm là nhóm các quy định áp dụng cho tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Đáp ứng điều kiện xuất xứ hàng hóa là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế quan. EU là thị trường khó tính, quyền áp đặt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật về chất lượng là quyền mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thừa nhận cho các nước thành viên trong đó có EU, Việt Nam.

EVFTA là động lực để hoàn thiện thể chế

Thừa nhận sự phức tạp trong việc thực hiện quy tắc xuất xứ, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) Lương Hoàng Thái cho biết, ngoài việc phải đáp ứng những quy tắc chung của thị trường EU doanh nghiệp còn phải đáp ứng quy tắc riêng cho mỗi nhóm hàng hóa. Trong mỗi quy tắc ấy gồm nhiều yếu tố chi tiết cụ thể.

Ngoài ra, yêu cầu đáp ứng các quy tắc của khách hàng EU còn cao hơn nữa. Do đó, các doanh nghiệp khi nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã không chỉ để vượt qua hàng rào bắt buộc của cơ quan Nhà nước phía EU mà còn là quá trình để chúng ta chinh phục khách hàng.

Thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm 15 - 19% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. “Điều này chứng tỏ nhiều doanh nghiệp quen thuộc với thị trường này. Những kinh nghiệm của doanh nghiệp đi trước cần được lan tỏa cho nhiều doanh nghiệp có thể tìm hiểu, đồng thời làm thay đổi quy trình sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu từ phía EU”, ông Thái khuyến cáo.

Cùng với đó, bà Trang cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng có những quy định pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp xin được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam. Các quy tắc xuất xứ thường rất chi tiết, vì thế các cơ quan liên quan cần biên soạn theo dạng cẩm nang để giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt. Bà Trang nhấn mạnh, các cơ quan quản lý cần có một bộ phận phản ứng nhanh để giúp doanh nghiệp tháo gỡ ngay những khó khăn họ gặp phải.

Ông Thái cho biết, các bộ, ngành đang nỗ lực chuẩn bị để triển khai ngay khi EVFTA có hiệu lực, trong đó hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là ưu tiên hàng đầu. Rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ông Thái nhận định, một số lĩnh vực ban hành văn bản pháp luật để thực thi tương đối chậm so, nếu điều này tiếp tục lặp lại với EVFTA thì sẽ là cản trở lớn.

Theo bà Trang, EVFTA có nhiều quy tắc giống CPTPP, các cam kết về quy tắc là rất ít so với nhu cầu nội tại của chúng ta, vì thế nên nhìn nhận EVFTA như một động lực để chúng ta hoàn thiện thể chế, giúp tận dụng hiệu quả hơn cơ hội mà hiệp định này mang lại.