Doanh nghiệp cần nắm vững quy định của EVFTA để tăng xuất khẩu

Theo Nguyễn Duyên/congthuong.vn

Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Hiệp định Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam (EVFTA) được ví là "con đường cao tốc hướng Tây", kết nối Việt Nam tới một không gian thị trường rộng lớn của Liên minh châu Âu. Nhưng để có thể tận dụng được cơ hội từ EVFTA đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp (DN) cần nắm vững quy định của EVFTA, nhất là về thủ tục xuất xứ hàng hóa.

Chế biến thủy sản xuất khẩu
Chế biến thủy sản xuất khẩu

Kết nối tới thị trường rộng lớn

Hiệp định EVFTA chính thức được ký kết ngày 30/6/2019. Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu đã chính thức phê chuẩn hiệp định, tạo nền tảng mới bền vững cho mối quan hệ Việt Nam - EU. Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu.

Hiện nay, EU là một trong số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này năm 2019 đạt 41,48 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD. EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, giúp Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hà Nội đạt 16,7 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2018, cao hơn mức chỉ tiêu Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội giao (7,5 - 8%). Trong đó EU là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 của TP. Hà Nội (sau ASEAN và Hoa Kỳ) với kinh ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 14,3% (tăng 22,9% so với năm 2018). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: máy móc, thiết bị phụ tùng (đạt 1107 triệu USD, chiếm tỷ trọng 46,2%), dệt may (đạt 432 triệu USD, chiếm tỷ trọng 18,1%), nông sản (đạt 204 triệu USD, chiếm tỷ trọng 8,5%), giầy dép, cặp túi (đạt 170 triệu USD, chiếm tỷ trọng 7,1%), linh kiện điện tử - máy tính (đạt 80 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,4%).

Với việc phê chuẩn hiệp định, ngay lập tức, châu Âu dỡ bỏ 85,6% số dòng thuế, giúp tăng năng lực cạnh tranh cho 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này; Việt Nam xóa bỏ 48,5%, tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ, khơi thông một dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ (Việt Nam chưa có hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao và giá rẻ.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Hiệp định EVFTA khi có hiệu lực sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. Song, hiệp định cũng đặt ra nhiều thách thức với đối với các hàng hóa Việt Nam do EU là một thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu rất lớn.

Cần nắm vững quy tắc xuất xứ hàng hóa

Hiệp định EVFTA được ký kết mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam kết nối với thị trường EU rộng lớn, nhất là ngành dệt may và thủy sản. Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), EVFTA mang lại tiềm năng xuất khẩu sản phẩm may mặc với giá trị trên 100 tỷ USD mỗi năm. Hiện, thuế suất xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất sẽ giảm dần về 0% trong vòng 7 năm, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu may mặc của Việt Nam, tránh việc phụ thuộc vào thị trường Mỹ, Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo cam kết trong EVFTA, các yêu cầu về quy tắc nguồn gốc, xuất xứ sẽ là một thách thức lớn đối với DN dệt may, bởi nguồn nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay vẫn chủ yếu được nhập khẩu. Để được hưởng mức thuế quan ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, hàng dệt may Việt Nam phải đảm bảo nguồn gốc xuất xứ hoàn toàn của Việt Nam hoặc phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc EU và các nước có hiệp định song phương với EU. Nếu đáp ứng được những quy định này, dệt may Việt Nam sẽ phát triển bền vững.

Cùng với đó, DN vừa và nhỏ phải hình thành liên kết chuỗi cung ứng để giảm việc nhập khẩu vải, đảm bảo nguyên tắc xuất xứ, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - cho biết, May 10 đã lên kế hoạch liên kết các chuỗi cung ứng trong nước để sản xuất từ sợi trở đi, để tận dụng các lợi thế trong Hiệp định EVFTA, nhất là chứng minh quy tắc xuất xứ. Cơ cấu xuất khẩu của DN này hiện 35% vào châu Âu, 45% vào Mỹ và chỉ 10% xuất sang Nhật. Ông Thân Đức Việt tin tưởng, thị phần vào châu Âu sẽ tăng khi EVFTA được thực thi, do lượng đặt hàng từ các đối tác tăng cao.

Với ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các ngành xuất khẩu. EU là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17 - 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế xuất khẩu, VASEP cho rằng, Hiệp định EVFTA tạo cơ hội cho thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với EU như Ấn Độ, Thái Lan. Tuy nhiên, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA cũng như tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, trước hết, các DN thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của Hiệp định EVFTA; tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác EU; tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, cần chú trọng liên kết DN với DN (bên cạnh sự liên kết giữa nhà nước - nhà DN - nhà khoa học - nhà nông) nhằm thúc đẩy chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tạo thành chuỗi dây chuyền sản xuất và xuất khẩu cũng như tăng cường lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế.

Mặt khác, để sản xuất hàng hóa trong nước bắt kịp xu thế và tận dụng được cơ hội trong EVFTA, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ là công việc cấp bách hàng đầu để có thể tận dụng được các lợi thế về thuế quan. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để chủ động tham gia EVFTA, các ngành sản xuất trong nước cần tập trung hình thành chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Muốn vậy, cần sớm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo và các DN; hình thành và phát huy hiệu quả các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho DN cũng như hình thành các cụm liên kết vùng để các ngành hàng trong nước tận dụng thế mạnh và lợi thế trong bối cảnh hội nhập.

Ông Nguyễn Thanh Hải nhận định, thị trường EU có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm hàng hóa. Chính vì thế, để tăng cường xuất khẩu vào EU, DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là chủ động nguồn nguyên phụ liệu, đảm bảo hàng hóa Việt Nam thực thi đúng cam kết trong EVFTA. Năm 2018, Sở Công Thương Hà Nội đã biên soạn và phát hành cuốn "Cẩm nang DN về thị trường các nước thành viên Hiệp định EVFTA" để gửi đến các sở, ngành, quận huyện, các hội, hiệp hội và một số đơn vị liên quan của TP. Hà Nội để tuyên truyền đến DN trên địa bàn thành phố nắm bắt thông tin, tận dụng các cơ hội khi Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA.

Về tổng thể, cơ cấu kinh tế của Việt Nam và các nước EU mang tính bổ sung, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp. DN phải tìm hiểu về các cam kết trong EVFTA, cơ hội liên quan đến ngành và lĩnh vực của mình để tận dụng các cơ hội mà EVFTA mở ra. Cùng với đó, phải nâng cao năng lực cạnh tranh về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn châu Âu, hướng tới chuẩn mực quốc tế.