Chuẩn bị IPO 24 doanh nghiệp đường sắt
Bộ GTVT đã hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) cho 24 đơn vị ngành đường sắt và dự kiến trước 31/12, các đơn vị này sẽ hoàn tất việc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đặt kế hoạch tiến hành CPH 24 công ty TNHH MTV gồm 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, Công ty Xe lửa Gia Lâm và Công ty Xe lửa Dĩ An trong năm 2015.
Theo báo cáo của VNR, các doanh nghiệp này đều chọn hình thức CPH là vừa bán bớt một phần vốn Nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Về cơ cấu vốn điều lệ, đối với 20 công ty quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, vốn Nhà nước nắm giữ 51%, vốn người lao động được mua ưu đãi chiếm từ 35-44%, vốn của các nhà đầu tư khác chiếm từ 5% đến 14%.
Với Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Vận tải đường sắt Sài Gòn, tỉ lệ này là: Vốn Nhà nước 60%, vốn người lao động chỉ chiếm từ 11% đến 12% và vốn của nhà đầu tư khác chiếm hơn 28%.
Đối với Công ty Xe lửa Dĩ An và Công ty Xe lửa Gia Lâm, vốn Nhà nước nắm giữ với tỉ lệ cao là 75%, vốn người lao động chiếm từ 9% đến 19% và vốn các nhà đầu tư khác chiếm từ 6% đến 16%.
Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 25.493 người, nhưng tổng số lao động cần khi doanh nghiệp chuyển sang mô hình cổ phần chỉ còn 23.456, như vậy dôi dư ra 2.037 lao động.
Đây là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp khi giải quyết bài toán chế độ chính sách cho lao động dôi dư.
Theo kế hoạch trên thì chỉ còn 2 tháng nữa để VNR thực hiện các công việc tiếp theo: Chào bán cổ phần, đại hội cổ đông; giải quyết chế độ cho lao động dôi dư… để các công ty đi vào hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 1/1/2016.