Chuẩn hóa thông tin góp phần hiệu quả quản lý tài chính công

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 5/7/2013, tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà, Bộ Tài chính đã phối hợp với Quỹ Tín thác đa biên về hiện đại hóa quản lý tài chính công (MDTF2) tổ chức Hội nghị công bố báo cáo thí điểm đánh giá chi tiêu công và trách nhiệm giải trình tài chính của Việt Nam.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước Võ Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn
Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước Võ Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện Văn phòng Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Kiểm toán Nhà nước; đại diện Sở Tài chính Khánh Hòa. Về phía các nhà tài trợ, có đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), SECO, Đại sứ quán Đan Mạch, UNCEF, ADB, IMF,... và đại diện Thư ký PEFA.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Võ Thành Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, Hội nghị lần này được tổ chức trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép triển khai thí điểm áp dụng “Khung đánh giá kết quả thực hiện quản lý tài chính công (PEFA)”. Theo đó, có thể hoạch định được ưu tiên cũng như lộ trình cải cách hoạt động tài chính công phù hợp với yêu cầu cải cách kinh tế nói chung, yêu cầu mở cửa hội nhập cũng như khả năng nguồn tài lực và vật của đất nước, cần thiết phải có những đánh giá tổng hợp về thực trạng hoạt động của hệ thống tài chính công.

Mục đích chính của Báo cáo đánh giá hệ thống quản lý tài chính công (PEFA) là nhằm cung cấp thông tin cho các bên có liên quan, trước hết là Chính phủ Việt Nam. Về thực trạng hoạt động của hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam trên cơ sở một hệ thống chuẩn mực đánh giá chung, qua đó nhằm hỗ trợ xác định những lĩnh vực cần ưu tiên cải cách.

Thông qua đó đánh giá tổng thể các khía cạnh của hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam như: cách thức lập ngân sách bao gồm cả vai trò của Quốc hội, cách thức huy động thu, cách thức chi tiêu, hạch toán, kết toán và kiểm toán. Với yêu cầu báo cáo phải được đánh giá chính xác, chuẩn mực, khách quan và dựa trên các chỉ số về các hệ thống quản lý tài chính công của quốc gia, đưa ra một đánh giá cơ sở mà dựa vào đó để đo lường, đánh giá những cải thiện, tiến bộ tiếp theo về Quản lý tài chính công của Việt Nam.

Một điểm được các đại biểu rất quan tâm, đó là tiêu chí đánh giá của PEFA chủ yếu tập trung vào hệ thống quản lý tài chính công cấp quốc gia, ở Việt Nam chủ yếu ở Ngân sách trung ương. Ở cấp độ quốc gia, đánh giá này tìm cách nhìn nhận hệ thống quản lý tài chính công một cách bao trùm, bao gồm cả các vấn đề đan chéo và các vấn đề tổng thể, cả về thu ngân sách và toàn bộ chu trình ngân sách từ lập kế hoạch đến thực hiện, kiểm soát, báo cáo và kiểm toán.

Về điểm này, theo lãnh đạo Vụ NSNN, đến nay, với sự nỗ lực của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, với sự hỗ trợ của WB cùng các đối tác phát triển tham gia trong Quỹ Tín thác đa biên về hiện đại hóa quản lý tài chính công (MDTF2) kết quả Báo cáo PEFA cũng gợi ra các ưu tiên cải cách trong tương lai của Chính phủ, đồng thời cung cấp thông tin cho các đối tác phát triển quốc tế trong các hoạt động đối thoại về hợp tác, hỗ trợ các kế hoạch cải cách Quản lý tài chính công của Chính phủ thời gian tới.

Cũng tại Hội nghị, bà Helena Grandao Ramos, Chuyên gia cao cấp về quản lý tài chính công, Ban Thư ký PEFA trình bày về tình hình triển khai PEFA trên toàn cầu, những cải thiện hiện hành, khuyến nghị về công việc sau đánh giá. Bà cho biết, khuôn khổ PEFA được chính phủ hầu hết các quốc gia sử dụng nhằm kiểm soát nghị trình cải cách quản lý tài chính công và hiện nay nhiều hoạt động hiện hành vẫn được tiếp tục như việc hỗ trợ và định hướng cho người sử dụng Khuôn khổ đánh giá, đào tạo tập trung vào phương pháp luận PEFA, giám sát việc triển khai (áp dụng) Khuôn khổ đánh giá, công bố thông tin và kinh nghiệm đánh giá PEFA.

Bà cũng cho biết thêm về những định hướng mới đó là hướng dẫn cách thức sử dụng đánh giá PEFA nhằm cung cấp thông tin hoạch định chương trình cải cách quản lý tài chính công; Rà soát và cập nhật khuông khổ đánh giá, đồng thời ghi nhận nhu cầu về khả năng so sánh theo từng bước; Khuyến nghị các tổ chức nghiên cứu sử dụng Kho Thông tin chung và cơ sở dữ liệu thông tin PEFA; Cơ chế đảm bảo chất lượng và hướng dẫn, hỗ trợ về năng lực để sử dụng PEFA ở cấp địa phương. PEFA giai đoạn 4 (2012-2017) được thiển khai với mục đích cập nhật và đánh giá Khuôn khổ để phản ánh được những điểm mới về chuẩn mực và “thông lệ tốt”, lồng ghép vào các nội dung “làm rõ”. Những công việc sau đánh giá là theo dõi hiệu quả hoạt động; đối thoại về chương trình cải cách quản lý tài chính công; hướng dẫn về trình tự cải cách; theo dõi tiến độ theo thời gian.

Hội nghị công bố báo cáo đánh giá PEFA đã tập trung thảo luận làm rõ việc đánh giá các hệ thống, quy trình và thể chế quản lý tài chính công. Thông qua các ý kiến tham luận, các đại biểu tham dự Hội nghị kỳ vọng Báo cáo đánh giá hệ thống quản lý tài chính công (PEFA) sẽ cung cấp thông tin về hiệu quả hoạt động thực tế của hệ thống quản lý tài chính công của Việt Nam theo một khuôn khổ đánh giá chung đã được chuẩn hóa và qua đó hỗ trợ việc xác định các lĩnh vực ưu tiên cải cách nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý tài chính công, phù hợp với các ưu tiên của Chính phủ cũng như các thông lệ quốc tế.

Báo cáo này cũng cung cấp cho các đối tác phát triển những thông tin tổng thể để cân nhắc về những thông tin tổng thể để cân nhắc về những hoạt động hợp tác và hỗ trợ sắp tới cho các kế hoạch cải cách của Chính phủ.