Chứng khoán 2016: Tập trung nâng hạng thị trường
Thị trường chứng khoán năm nay đang đứng trước khả năng bị tác động mạnh trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới dự báo sẽ biến động phức tạp thời gian tới. Các chuyên gia tài chính đều nhất trí khuyến nghị, trọng tâm cần làm ngay là triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán trong nước; đẩy mạnh tiến độ tái cấu trúc tổ chức và phân định thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tăng cường hợp tác quốc tế...
Điểm sáng thu hút vốn đầu tư gián tiếp
Tuy chịu ảnh hưởng từ biến động mạnh của kinh tế thế giới và một số thị trường chứng khoán lớn, song do nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện và một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường đã được triển khai, thị trường chứng khoán trong nước năm qua tăng trưởng ổn định.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng nhận định, TTCK năm qua là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp so với nhiều nước trong khu vực.
Trong đó, điều được các nhà đầu tư đánh giá cao là nhiều chính sách mới đã được triển khai, hỗ trợ tích cực cho công tác tái cấu trúc và thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) như Nghị định 60 đã nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy cổ phần hóa gắn với TTCK; triển khai rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 theo thông lệ quốc tế tốt nhất...
Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc TTCK tiếp tục được triển khai quyết liệt đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, gắn cổ phần hóa với niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường; thu hẹp số lượng tổ chức kinh doanh chứng khoán với chất lượng cải thiện rõ rệt; bảo đảm thị trường phát triển có tổ chức và bảo vệ được quyền lợi của cổ đông.
Ngoài ra, các điều kiện cần thiết cho việc ra đời thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã được chuẩn bị và hoàn thiện, tạo điều kiện phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, đa dạng hóa công cụ giao dịch trên TTCK. Công tác thanh tra, giám sát xử lý vi phạm tiếp tục được tăng cường, đặc biệt trong những thời điểm thị trường biến động mạnh do tác động của giá dầu, tỷ giá...; từ đó hạn chế được nhiều hành vi trục lợi, thao túng thị trường.
Tác động của các yếu tố bên ngoài
Theo Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Dương Văn Thanh, TTCK vẫn tồn tại không ít hạn chế, làm giảm hiệu quả hoạt động và tạo tâm lý e ngại đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Cho đến nay, quá trình triển khai tái cấu trúc TTCK và thu hút dòng vốn nước ngoài còn tương đối khó khăn. Việc tái cấu trúc cơ sở hàng hóa tuy đã được triển khai, nhưng việc giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại DNNN lớn còn chậm, dẫn đến chưa thay đổi về chất sau cổ phần hóa. Vấn đề quản trị trong các doanh nghiệp này chưa thực sự cải thiện làm cho chất lượng đầu vào của TTCK còn ở mức khiêm tốn.
Vấn đề tăng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tuy đã được triển khai thông qua Nghị định 60 nhưng còn nhiều điểm vướng mắc với quy định về đầu tư nước ngoài. Trong khi danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện lại chưa cụ thể làm cho việc triển khai còn nhiều khó khăn.
Thêm vào đó, trước diễn biến khó khăn của kinh tế và thị trường tài chính thế giới, thời gian qua, TTCK trong nước cũng chịu nhiều tác động mạnh bởi các yếu tố bên ngoài. Đặc biệt vào tháng 8.2015, khi đồng NDT phá giá và giá dầu giảm sâu, TTCK trong nước đã giảm gần 15% - đây là đợt sụt giảm lớn nhất.
Hạn chế của TTCK còn xuất phát từ nguyên nhân công tác thanh tra, giám sát, xử lý hành vi thao túng, nội gián gặp nhiều khó khăn do UBCKNN không có quyền yêu cầu các cơ quan, cá nhân cung cấp thông tin; nhiều quy định còn mang tính định tính, khó xác định để xử lý.
Sớm ban hành danh mục doanh nghiệp hạn chế nới room
Trong bối cảnh thị trường thế giới được dự báo tăng trưởng chậm lại và biến động phức tạp thời gian tới, đặc biệt khi các hiệp định tự do thương mại chính thức có hiệu lực, TTCK trong nước sẽ chịu tác động, ảnh hưởng không nhỏ.
Song, để có thể khắc phục những hạn chế và triển khai hiệu quả các quy định mới và ổn định thị trường, các chuyên gia tài chính đều nhất trí cho rằng, điều cần làm ngay là triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán trong nước.
Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt Nguyễn Quang Bảo đề nghị, Bộ Tài chính cần khẩn trương ban hành hướng dẫn cụ thể về việc nới tỷ lệ sở hữu (room) cho khối ngoại của các công ty đại chúng, đưa ra danh mục các loại hình doanh nghiệp bị hạn chế nới room. UBCKNN phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cải cách các thủ tục mở tài khoản thanh toán, góp vốn tại các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, ngoài các hoạt động giám sát tài chính hiện nay, cần tăng cường công tác giám sát trong hoạt động công bố thông tin, bảo đảm đúng, đủ, theo mẫu và dễ hiểu. Đặc biệt, các công ty có quy mô vốn, tài sản lớn và số lượng cổ động trong và ngoài nước lớn phải có công bố thông tin đầy đủ bằng tiếng Anh và dễ truy cập.
Mặt khác, để tăng quy mô, tính thanh khoản và đa dạng hóa cơ sở hàng hóa TTCK, nhiều chuyên gia khuyến nghị, thúc đẩy việc gắn cổ phần hóa, đại chúng hóa với niêm yết và đăng ký giao dịch trên thị trường thông qua tăng tỷ lệ bán đấu giá công khai cổ phần ra công chúng đối với doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, tăng tỷ lệ chào bán với các tổ chức nước ngoài.
Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý vi phạm để cưỡng chế đăng ký giao dịch của doanh nghiệp sau cổ phần hóa và các doanh nghiệp niêm yết không còn đáp ứng đủ điều kiện; tăng cường chất lượng kiểm toán nhằm nâng cao tính minh bạch tài chính của công ty đại chúng.
Có chính sách hỗ trợ về thuế, phí đối với các công ty tuân thủ tốt quy định về quản trị công ty nhằm khuyến khích tính tuân thủ. Ngoài ra, cần tiếp tục hợp nhất, giải thể các công ty chứng khoán yếu kém dựa trên các chỉ tiêu an toàn tài chính; đẩy mạnh tiến độ tái cấu trúc tổ chức và phân định thị trường, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tăng quy mô, thanh khoản, tính hiệu quả, ổn định và bền vững của thị trường.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong năm 2015, chỉ số TTCK tăng 6,1% trong bối cảnh thị trường nhiều nước giảm mạnh, với tổng giá trị huy động vốn đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 28% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Quy mô niêm yết năm 2015 gia tăng tích cực, mức vốn hóa thị trường đạt mức 1.360 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với cuối năm 2014) và tương đương 34% GDP; tổng trị giá niêm yết theo mệnh giá tăng khoảng 24%; hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục có kết quả khả quan, doanh thu, lợi nhuận đều ước tăng trưởng khoảng trên 10% so với năm 2014. Số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,5 triệu tài khoản, tăng 7% so với cuối năm 2014. Giá trị danh mục đầu tư gián tiếp nước ngoài tăng 12,5% so với cuối năm 2014. TTCK tiếp tục khẳng định là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp, Chính phủ và là kênh đầu tư có hiệu quả của công chúng.