Chứng khoán châu Á kết thúc chuỗi 9 phiên tăng điểm

Theo gafin.vn

(Tài chính) Chỉ số của khu vực chấm dứt đợt tăng dài nhất tính đến nay với giá cổ phiếu viễn thông và công nghệ giảm mạnh nhất.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương giảm 0,6% xuống 138,51 điểm với giá cổ phiếu của 6/10 nhóm ngành giảm. Các công ty công nghệ của châu Á thua lỗ đã khiến chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất trong 2 tháng tính đến ngày 4/4 do giới đầu tư giảm bớt nắm giữ cổ phần tại các công ty dịch vụ Internet.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,69% xuống 14.808,85 điểm trong khi đó yên tăng giá 2 ngày liên tiếp, giao dịch ở 103,16 JPY/USD. Ngân hàng Nhật Bản bắt đầu 2 ngày họp chính sách từ ngày hôm nay. Theo thăm dò của Bloomberg, ngân hàng có thể sẽ tăng gấp đôi chương trình mua các quỹ ETF trong đợt thực hiện thứ 2 của biện pháp nới lỏng tiền tệ.

Ngoài ra, một số chỉ số chính của các nước trong khu vực cũng giảm. Trong đó, giảm mạnh nhất là chỉ số NZX của New Zealand giảm 0,9%, chỉ số Straits Times và Hang Seng đều giảm 0,6%. Trong khi đó, chỉ số Taiex của Đài Loan giảm ít nhất với 0,1% và chỉ số S&P/ASX 200 của Úc giảm 0,2%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lại tăng 0,1%.

Theo số liệu của Bloomberg, khối lượng giao dịch của các chỉ số cơ bản tại Úc và Nhật Bản thấp hơn 23% so với mức trung bình 30 ngày.

Tuần trước chỉ số chứng khoán châu Á Thái Bình Dương đã tăng lên cao nhất trong hơn 2 tháng do số liệu của Mỹ cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau giai đoạn khủng hoảng vì thời tiết khắc nghiệt và Trung Quốc lên kế hoạch kích thích kinh tế trong bối cảnh suy thoái đe dọa đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Trước tốc độ tăng trưởng việc làm hiện tại của Mỹ với bảng lương tháng 3 tăng thêm 192.000 công việc, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm chương trình mua trái phiếu và xem xét việc tăng lãi suất.

Richard Gibbs, chuyên gia kinh tế học toàn cầu tại ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Úc - Macquarie Group, dự đoán, Fed sẽ tăng lãi suất vào quý đầu của năm 2015 dựa trên những số liệu kinh tế công bố gần đây của Mỹ.

Theo khảo sát của Bloomberg News, Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) sẽ tăng cường chương trình mua quỹ ETF hàng năm lên 2 nghìn tỷ yên.

Trước khi cuộc họp chính sách kết thúc vào ngày mai, BOJ - được dự đoán là sẽ giữ nguyên mục tiêu kích thích tiền tệ trong khoảng 60 nghìn tỷ yên đến 70 nghìn tỷ yên - có thể sẽ tăng quy mô chương trình mua trái phiếu hàng năm lên ít nhất 10 nghìn tỷ yên và thời điểm thích hợp nhất để thực hiện chính sách này là vào tháng 7.

Tuy nhiên, dấu hiệu của lạm phát có thể ngăn cản các nhà hoạch định chính sách thực hiện kế hoạch tham vọng này, ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại trước tác động của đợt tăng thuế giá trị gia tăng vào đầu tháng 4.