Chứng khoán - Dấu ấn nổi bật về nền kinh tế thị trường của Việt Nam
19 năm hình thành và phát triển, ngành Chứng khoán Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế của mình, đóng góp quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) và công cuộc đổi mới nền kinh tế đất nước, đặt một dấu ấn nổi bật cho việc khẳng định nền kinh tế thị trường của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế.
Xây dựng kênh huy động vốn cho phát triển đất nước
Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng kênh huy động vốn phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Chính phủ đã chủ trương xây dựng và phát triển TTCK từ đầu những năm 1990.
Theo đó, sau một thời gian chuẩn bị, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã được thành lập ngày 28/11/1996 theo Nghị định số 75/CP của Chính phủ, là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK.
Trên cơ sở pháp lý đầy đủ với vị thế là cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, UBCKNN đã khẩn trương kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự với cơ cấu tổ chức ban đầu gồm có 7 đơn vị để tích cực triển khai xây dựng và đưa vào vận hành TTCK.
Đến ngày 20/07/2000, Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (nay là Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh) đã được khai trương và sau đó vận hành chính thức ngày 28/7/2000 với 2 mã cổ phiếu. Tiếp đến, ngày 8/3/2005, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội (nay là Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội) cũng chính thức khai trương và đi vào hoạt động.
Với việc từng bước xây dựng và phát triển, sự ra đời TTCK trong giai đoạn này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời góp phần xây dựng đồng bộ các loại thị trường, tạo môi trường cho sự vận động năng động và có trật tự của cơ chế thị trường.
Hoạt động TTCK nước ta đã có sự phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Số lượng công ty niêm yết tăng từ mức 2 công ty ban đầu năm 2000 lên 678 công ty hiện nay và 225 công ty đăng ký giao dịch trên Upcom. Tổng Mức vốn hóa thị trường tăng từ 0,28%% GDP năm 2000 lên mức 33% GDP hiện nay. Giá trị dư nợ trái phiếu tăng từ 4,5%GDP năm 2005 lên mức 22%GDP.
Tính chung, quy mô TTCK chiếm khoảng trên 55% GDP đã góp phần định hình hệ thống tài chính hiện đại trên nền tảng hài hòa giữa TTCK và thị trường tiền tệ - tín dụng.
Huy động gần 2 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế
Trong gần 20 năm qua, với vai trò của cơ quan quản lý trong việc xây dựng, phát triển, quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, UBCKNN đã nỗ lực thúc đẩy TTCK Việt Nam không ngừng phát triển và hoàn thiện.
Thống kê của UBCKNN cho thấy, giá trị vốn huy động qua TTCK đến nay đã đạt gần 2 triệu tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2010 – 2015, mức huy động vốn qua TTCK đã đạt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với giai đoạn 2005-2010) đóng góp bình quân 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (có lúc gần 30%) và huy động khoảng 15 tỷ USD vốn đầu tư gián tiếp.
Đặc biệt, TTCK đã trở thành kênh phân phối chính của hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, huy động vốn cho NSNN với lượng vốn huy động từ các đợt đấu thầu TPCP tới nay ước đạt 833 nghìn tỷ đồng, trong đó huy động trong giai đoạn 2010-2015 đạt gần 800 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 18 lần so với giai đoạn 2005-2010.
Một kết quả quan trọng nữa phải kể đến, đó là việc TTCK đã thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao tính công khai, minh bạch và quản trị công ty.
TTCK đã góp phần vào việc cổ phần hóa khoảng 3.378 DNNN giai đoạn 2001 – 2010 và 266 DNNN cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2011 đến nay, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt đối với DNNN niêm yết với tổng tài sản tăng bình quân 12%/năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng 16%/năm, lợi nhuận tăng khoảng 8,6% năm.
Tính minh bạch, quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết cũng hơn hẳn so với các loại hình doanh nghiệp khác đã và đang được áp dụng như chuẩn mực chung, góp phần nâng cao tính minh bạch của cả nền kinh tế.
Hiện nay, TTCK Việt Nam cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế, với việc đã có trên 1,5 triệu tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài tại các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ... đã góp phần phát triển nhiều doanh nghiệp niêm yết thành các doanh nghiệp có thương hiệu quốc tế và quảng bá hình ảnh kinh tế Việt Nam.
Có thể thấy rằng, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, UBCKNN đã ngày càng khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong việc xây dựng, vận hành và quản lý TTCK Việt Nam không ngừng phát triển, ngày càng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tiến trình cổ phần hoá và tái cấu trúc DNNN.
Đồng thời góp phần huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao tính công khai, minh bạch và tăng cường quản trị công ty của các doanh nghiệp; góp phần hoàn thiện cơ chế thị trường.