Thị trường chứng khoán Việt Nam: Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tạo hứng khởi
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì được sắc xanh khi chỉ số VNIndex tăng nhẹ 0,85%; lên mức 593,02 điểm.Tuy nhiên, lượng mua vào khá dè dặt do nguồn cung giá cao bán ra dứt khoát khiến thanh khoản của thị trường kém sôi động.
Đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu tài chính
Cụ thể, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh bình quân mỗi phiên chỉ đạt 157 triệu đơn vị/ phiên (giảm 17%). Nhóm cổ phiếu tài chính, chẳng hạn như BVH, VCB, CTG… là những cổ phiếu chính đóng góp cho đà tăng của thị trường ở hầu hết các phiên giao dịch. Bên cạnh đó còn có GAS, VIC, VNM, FPT…cũng có sự khởi sắc nhất định. Yếu tố tác động mạnh nhất lên diễn biến của thị trường là thông tin thoái vốn của chính phủ ở một số cổ phiếu quan trọng như VNM, BMP, FPT, VNR, BMI… được phát đi trong phiên giao dịch giữa tuần.
Ngay lập tức, những mã này đều có tín hiệu mua vào từ cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Việc Tcty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thực hiện thoái vốn khỏi 10 DN lớn của VN theo yêu cầu của chính phủ được thị trường đón nhận với trạng thái tích cực. Bởi chỉ cách đây 2 năm đề án tái cơ cấu SCIC được chính phủ chấp nhận có chủ trương SCIC sẽ tiếp tục nắm giữ dài hạn cổ phần của Vinamilk, cùng với 3 doanh nghiệp khác là FPT Telecom, Dược Hậu Giang (DHG) và Cty tái bảo hiểm quốc gia thì đến nay chỉ còn giữ lại DHG. Đáng chú ý là 10 doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn lần này đều là những công ty hàng đầu trong lĩnh vực như: sữa (VNM), bảo hiểm (BMI, VNR), nhựa (BMP, NTP), viễn thông (FPT Telecom)….
Cá biệt có VNM thì căn cứ theo thị giá vốn hiện nay nếu thoái vốn hoàn toàn thì SCICI sẽ thu được số tiền xâp xỉ 2,5 tỉ USD; lãi 16,5 lần so với vốn bỏ ra đầu tư ban đầu. Lý do khiến chính phủ đưa quyết định thoái vốn là dựa trên Quyết định 37 ngày 18/6/2014 của Thủ tướng đã ban hành tiêu chí, danh mục những ngành nghề, lĩnh vực nhà nước nắm giữ vốn thì những DN trên không nằm trong danh mục này, nên phải thực hiện thoái vốn. Hơn nữa, động thái trên còn cho thấy quyết tâm rõ ràng của Chính phủ về việc tái cơ cấu DNNN: nghĩa là thực hiện mở cửa không nắm phần quản lý với những ngành nghề, lĩnh vực mà nhà nước không cần thiết phải nắm giữ để tập trung nguồn vồn cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội như y tế, giáo dục. Quan trọng hơn, đây cũng là cam kết của VN khi ký kết hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có chương về các DNNN vốn là một trong những trọng điểm đàm phán giữa 12 thành viên tham gia.
Cơ hội cho bên mua, nhất là nhà đầu tư ngoại
Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn sẽ diễn ra một cách rõ ràng dựa trên các phương án cụ thể để đảm bảo công khai minh bạch cũng như giá trị thu được một cách trọn vẹn nhất, đem lại lợi ích tối đa cho Nhà Nước. Sự kiện trên diễn ra cùng thời điểm với hướng dẫn tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài theo dự thảo thông tư 74 đang được thực hiện sẽ mở ra cơ hội cho bên mua, nhất là đối với nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn tham gia góp vốn vào những doanh nghiệp tốt như trong danh mục mà SCIC thoái vốn.
Sau một tuần giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp, mặt bằng giá mới đã được thiết lập do được hỗ trợ bởi các thông tin vĩ mô như: đề án tái cơ cấu của SCIC, tỷ giá ổn định trở lại và kết quả kinh doanh quý 3/2015 của các doanh nghiệp đang dần được công bố sẽ giúp thị trường duy trì đà tăng trong các phiên sắp tới.