Chứng khoán Mỹ khởi sắc sau sắc lệnh mới của Tổng thống Donald Trump
Chuyên gia nhận định việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã giúp cải thiện niềm tin của thị trường.
Ngày 10/8, thị trường chứng khoán Mỹ đã đồng loạt tăng điểm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu ngày, chỉ số Dow Jones đã tăng 158,41 điểm (0,58%) lên 27.591,89 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng ở mức 0,23% và 0,17% lên 3.359,04 điểm và 11.029,76 điểm.
Các nhà đầu tư hiện đang thận trọng theo dõi diễn biến đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào cuối tuần này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang.
Chuyên gia phân tích Joshua Mahony của IG nhận định việc Tổng thống Trump ký sắc lệnh mở rộng gói hỗ trợ thất nghiệp cho người dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã giúp cải thiện niềm tin của thị trường.
Trước đó, Tổng thống Trump thông báo ông đã ký 4 sắc lệnh hành pháp nhằm hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh.
Sắc lệnh thứ nhất liên quan tới hỗ trợ người mất việc trong cuộc khủng hoảng COVID-19, theo đó mỗi người dân Mỹ thất nghiệp sẽ được nhận khoản tiền hỗ trợ 400 USD/tuần.
Ba sắc lệnh còn lại, gồm sắc lệnh hỗ trợ khoản vay của sinh viên, kéo dài hạn trả nợ tiền nhà và miễn nộp thuế tiền lương cho người dân Mỹ có thu nhập ít hơn 100.000 USD/năm.
Quyết định ký một loạt các sắc lệnh được Tổng thống Trump đưa ra trong bối cảnh các quan chức Nhà Trắng và lãnh đạo đảng Dân chủ không đạt được tiến bộ trong cuộc đàm phán kéo dài gần 2 tuần về dự luật cứu trợ COVID-19 mới do một loạt những bất đồng liên quan tới mức trợ cấp thất nghiệp cũng như tổng giá trị của gói trợ cấp mới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính quyền Tổng thống Trump và quốc hội có thể đạt được một thỏa thuận về tăng cường viện trợ kinh tế ngay trong tuần này, nếu các nghị sỹ đảng Dân chủ có sự nhượng bộ hợp lý.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Bộ trưởng Mnuchin cho biết hai bên vẫn có thể thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận cho gói viện trợ lớn hơn và dự luật này nên được thông qua.
Dù không tiết lộ thời điểm đàm phán có thể nối lại, song ông khẳng định nếu như đạt được thỏa thuận hợp lý, thì đàm phán có thể nối lại ngay trong tuần này.