Chứng khoán Mỹ 'rơi' thấp nhất từ 1987, giá dầu và vàng tiếp tục giảm

Theo (TTXVN/Vietnam+)

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trải qua một ngày giao dịch tồi tệ khi chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 1987, chứng khoán Canada chạm đáy thấp nhất trong 4 năm qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trải qua một ngày giao dịch tồi tệ khi chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 1987 sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), giới lập pháp và chính quyền có những bước đi chưa từng có nhằm giảm thiểu những tác động xấu do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra cho nền kinh tế số một thế giới.

Chứng khoán Mỹ trải qua ngày "Thứ Hai đen tối"

Sáng 17/3 (giờ Việt Nam), kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số S&P 500 đã giảm 12%, mất 324,89 điểm xuống còn 2.386.13 điểm. 

Theo S&P Dow Jones Indices, trong vòng một ngày giao dịch, chỉ số S&P 500 đã mất 2.690 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.

Đây là mức giảm lớn nhất của chỉ số này kể từ tháng 12/2018 và là mức giảm lớn thứ ba sau các mức giảm của ngày "Thứ Hai đen tối" năm 1987 và tháng 10/2019.

Tiếp đến, chỉ số Nasdaq cũng ghi nhận mức giảm tương tự, tuột dốc 12,32% (tương đương 970,28 điểm) xuống còn 6.904,59 điểm.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 2.997.1 điểm, giảm 12,93%, xuống 20.188.52 điểm. 

Thị trường chứng khoán Canada chạm “đáy” của 4 năm qua

Trong phiên giao dịch ngày 16/3, chỉ số chứng khoán tổng hợp TSX tại thị trường Canada giảm 9,9% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016.

Nếu so với mức đỉnh đạt được tại phiên 20/2/2020, thì chỉ số này đã giảm tới 31%. Đáng chú ý, cổ phiếu của Air Canada đã giảm giá 28% chỉ riêng trong phiên 16/3 và để mất 62% giá trị tính từ đầu năm tới nay.
 
Giới quan sát cho rằng đây là phản ứng của thị trường, trong bối cảnh những biện pháp của Chính phủ Canada nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ suy thoái.

Thủ tướng Justin Trudeau ngày 16/3 thông báo Canada sẽ đóng cửa biên giới với những người không phải là công dân Canada, hoặc không thường trú ở nước này. Tuy nhiên, quy định mới sẽ không áp dụng đối với các phi hành đoàn, nhân viên ngoại giao và các công dân Mỹ.

Các chuyên gia nhận định làn sóng cắt giảm lãi suất trên quy mô toàn cầu, với đợt hạ lãi suất khẩn cấp trong ngày 13/3 của Ngân hàng trung ương Canada, dường như chưa đủ để có thể trấn an nhà đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Ngân hàng trung ương Canada có thể sẽ hạ lãi suất chủ chốt từ 0,75% xuống 0,25% trước ngày 15/4 tới.

Ngân hàng Hoàng gia Canada (RBC) dự báo kinh tế Canada trong năm 2020 sẽ rơi vào suy thoái, trước sức ép của giá dầu giảm và tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trên quy mô toàn cầu.
 
Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada, bà Theresa Tam cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này tính đến chiều 16/3 (giờ địa phương) đã lên tới con số 407.

 Giá dầu mỏ và vàng thế giới tiếp tục giảm

Thị trường dầu mỏ đang “lâm nguy” với giá dầu WTI tại thị trường New York để tuột mốc 29 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh khi cả thế giới đang gồng mình chiến đấu với dịch COVID-19.

Trong khi đó, sau khi phải nếm trải một tuần tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ, vàng tiếp tục mất giá trong phiên 16/3, do nhà đầu tư muốn bán tháo mọi hàng hóa khi còn có thể.

Còn trong phiên giao dịch ngày 16/3, giá dầu WTI tại thị trường New York (Mỹ) đã để tuột mốc 29 USD/thùng xuống còn 28,70 USD/thùng, trong bối cảnh nhu cầu dầu thô sụt giảm mạnh khi cả thế giới đang gồng mình chiến đấu với dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

Sau khi phải nếm trải một tuần tồi tệ nhất trong gần 4 thập kỷ, vàng tiếp tục mất giá trong phiên 16/3, giảm 2% xuống còn 1.486,5 USD/ounce, do nhà đầu tư muốn bán tháo mọi hàng hóa khi còn có thể.