Cắt giảm thuế có “cứu” kinh tế Mỹ khỏi suy thoái?
Nếu mối quan ngại dịch bệnh quá lớn khiến người dân Mỹ đối phó bằng cách chỉ “ở im trong nhà” và cắt giảm chi tiêu thì cắt giảm thuế sẽ không giúp cứu nền kinh tế khỏi nguy cơ suy thoái.
Cắt giảm thuế, quỹ lương không phải phương thuốc bách bệnh
Washington đang đưa ra nhiều hành động quyết liệt hơn trong đối phó với dịch Covid-19 và tránh nguy cơ dịch bệnh này có thể gây ra suy thoái kinh tế. Nhưng có rất ít lý do để nghĩ rằng, các hoạt động kích thích kinh tế theo cách truyền thống có thể giải quyết được các vấn đề, trong đó lớn nhất lúc này là một cuộc khủng hoảng sức khỏe do Covid-19 gây ra.
Giới chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp hôm thứ Ba với các nhà lập pháp phía đảng Cộng hòa đã đưa ra đề xuất đưa thuế quỹ lương về 0% kéo dài từ nay đến cuối năm. Việc cắt giảm thuế quỹ lương - một trong những quyết sách trung tâm mà Tổng thống Donald Trump muốn Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng phê chuẩn - sẽ không thuyết phục được người dân Mỹ vốn đang lo lắng vì dịch Covid-19 có thể an tâm tiến hành các chuyến bay, vi vu trên các tàu du lịch hay đơn giản là thoải mái đi mua sắm hay vào các rạp chiếu phim lúc này.
Và mặc dù nó ít nhiều có ý nghĩa đối với Washington trong nỗ lực tạo ra một gói kích thích, nhưng sẽ không khôn ngoan khi coi đó là “một phương thuốc chữa bách bệnh” cho tất cả những gì đã và đang làm suy yếu nền kinh tế và thị các trường tài chính của Mỹ hiện nay. Mức độ thiệt hại của nền kinh tế phần lớn sẽ được quyết định bởi quỹ đạo của dịch Covid-19 sẽ diễn ra như thế nào.
"Nếu dịch lây lan theo kịch bản xấu nhất, trong đó các lĩnh vực chính của nền kinh tế đều phải tạm ngừng hoạt động thì tác động của kích thích kinh tế sẽ rất hạn chế. Mọi người sẽ rất lo sợ khi ra khỏi nhà", Brian Gardner, Giám đốc công ty nghiên cứu Keefe, Bruyette & Woods nhận định.
Nhưng điều đó không có nghĩa là Washington chỉ nên “đứng khoanh tay nhìn”. Theo các chuyên gia kinh tế, một gói kích thích được thiết kế cẩn thận, nhanh chóng được ban hành có thể giúp giảm bớt tác động của dịch. Nhận định nguy cơ một cuộc suy thoái là khó tránh khỏi nhưng ông David Kelly, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Quỹ JPMorgan cho rằng, kích thích tài khóa có thể giúp rút ngắn giai đoạn suy thoái. “Kích thích tài khóa đủ mạnh có thể rút ngắn thời kỳ suy thoái, nhưng sẽ không ngăn chặn được nó diễn ra. Tôi chỉ e ngại là kích thích đó có thể không đến kịp thời", chuyên gia này nói.
Cần nhiều giải pháp nữa
Những nỗ lực mới nhất nhằm thúc đẩy các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ của Tổng thống Trump đã phần nào giúp tâm lý thị trường tài chính Phố Wall ổn định trở lại khi các chỉ số chứng khoán tăng mạnh vào phiên ngày thứ Ba (10/3). Tuy nhiên, chỉ số chung của toàn thị trường vẫn báo hiệu diễn biến sẽ tiêu cực trong cả năm nay, phản ánh những lo ngại nghiêm trọng rằng dịch Covid-19 sẽ gây ra suy thoái. Và thực tế thị trường đã mau chóng quay lại đà giảm điểm mạnh phiên ngày thứ Tư, đặc biệt sau khi thông tin WHO chính thức ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch và Tổng thống Trump tuyên bố cấm toàn bộ các việc đi lại từ các nước châu Âu tới Mỹ trong 30 ngày, có hiệu lực từ ngày 13/3.
Ý tưởng phải có một gói kích thích kinh tế lớn để đối phó với dịch Covid-19 có lẽ mới chỉ xuất hiện gần đây, bởi chỉ mới tuần trước, ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump, đã tỏ ra không mấy vui vẻ khi nói về điều này. "Câu chuyện tôi đang cố gắng kể ra ở đây là một câu chuyện về các hình thức hỗ trợ vi mô có mục tiêu một cách kịp thời, chứ không phải theo cách ném tiền vô tội vạ vào để giải quyết vấn đề - điều mà chưa bao giờ phát huy tác dụng trong quá khứ. Vì chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ thoát khỏi điều này (dịch Covid-19) trong vòng vài tháng", ông Kudlow nói với các phóng viên. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn và hoảng loạn trên thị trường những ngày qua đã buộc Nhà Trắng phải đối mặt với thực tế. Và Tổng thống Trump hiện đang phải thúc đẩy Quốc hội thông qua một gói kích thích kinh tế lớn "đáng kể".
Nói với Bloomberg News mới đây, ông Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ nhận định, có tới 80% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và kêu gọi một hành động mạnh mẽ từ Washington. “Rủi ro càng tăng cao nếu không hành động”, ông Summers nói. Áp lực hiện nay là làm thế nào để Tổng thống Trump có thể thuyết phục được Quốc hội Mỹ - vốn đang bị chia rẽ sâu sắc - phải hành động nhanh chóng.
"Nếu họ có thể thông qua một gói kích thích đủ nhanh, đủ lớn thì sẽ giúp khôi phục lòng tin, và chúng ta có thể vượt qua giai đoạn này mà không nhất thiết phải trải qua suy thoái", Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics nhận định. Mục tiêu của gói kích thích không nhất thiết là khiến mọi người sẽ bay hoặc lên tàu du lịch nhiều hơn. Thay vào đó, mục tiêu quan trọng hơn là để thúc đẩy lòng tin của các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ gia đình đang sống dựa vào tiền lương. "Một khi niềm tin được nâng lên, nền kinh tế cũng cất bước cùng", Zandi nói.
Có những hoài nghi về tác động của việc cắt giảm thuế quỹ lương - một “vũ khí” kích thích ưa thích của ông Trump. "Việc cắt giảm thuế quỹ lương sẽ không giúp ích gì nếu bạn không có việc làm. Do đó, phải giải quyết vấn đề tiềm ẩn đằng sau đó là có khá nhiều người đang lo sợ tiêu dùng”, Danielle DiMartino Booth, CEO và chiến lược gia trưởng của Quill Intelligence, bình luận.
Một vấn đề cần quan tâm khác là một số người thậm chí có thể không nhận thấy mức thu nhập của họ tăng (nhờ giảm thuế lương). "Đó là một sự cắt giảm thuế “tàng hình”. Đây là những gì chúng ta học hỏi được từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tức là nó không mang lại ý nghĩa nhiều về cảm xúc," chuyên gia Zandi nói.
Và ngay cả với những người Mỹ nhận ra thu nhập tăng nhờ giảm thuế thì có thể họ vẫn không sẵn sàng mạo hiểm để vào các nhà hàng hay trung tâm mua sắm vào thời điểm hiện nay. “Hiệu ứng của giảm thuế có thể bị giảm bớt bởi nhu cầu giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc xã hội khi dịch bệnh lan rộng", Lewis Alexander, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại Nomura, viết trong một lưu ý gửi tới khách hàng vào thứ Ba vừa qua.
Thay vì cắt giảm thuế quỹ lương, các chuyên gia cho rằng biện pháp hiệu quả nhất lúc này là nên hướng đến hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch. Chẳng hạn, theo chuyên gia Zandi, Washington nên cắt giảm séc trực tiếp cho những người Mỹ có thu nhập bị gián đoạn bởi dịch. Hay các xét nghiệm và các chi phí y tế khác liên quan đến Covid-19 nên được Chính phủ liên bang chi trả. Và với thực tế những người cao tuổi có nguy cơ cao nhất bị ảnh hưởng của dịch thì Chính phủ liên bang nên tăng quy mô séc phúc lợi xã hội. “Đây là những đối tượng bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch. Họ rất sợ hãi, nên nếu làm được điều đó sẽ tác động rất lớn đến lòng tin", chuyên gia này cho biết.
Tất nhiên, còn có một cách khác thậm chí còn giúp ông Trump có thể thúc đẩy nền kinh tế nhanh hơn và không cần chờ đến Quốc hội hành động. Đó là Tổng thống Trump có thể giảm bớt việc gây áp lực đối với các nền kinh tế khác và các công ty đa quốc gia, bằng cách ngay lập tức dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc và các nước khác trên thế giới. Hành động cứu trợ như vậy sẽ giúp giảm khoảng 70 tỷ USD thuế cho các DN và hộ gia đình. Nếu là người quyết định, Zandi cho biết đây sẽ là giải pháp đầu tiên mà chuyên gia này chọn vào lúc này.