Chứng khoán "rộng cửa" những tháng cuối năm?


Các công ty chứng khoán (CTCK) đẩy mạnh cuộc đua tăng vốn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang ghi nhận diễn biến khả quan. Dự báo VN-Index có thể vươn lên vùng 1.350 - 1.400 điểm, thậm chí 1.700 điểm vào cuối năm 2024.

Các CTCK dự báo VN-Index tăng mạnh trong những tháng cuối năm.
Các CTCK dự báo VN-Index tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Thống kê trong 5 tháng đầu năm 2024 của VIS Rating, khoảng 1/3 trong số 30 CTCK lớn nhất đã công bố kế hoạch tăng vốn mới tổng cộng khoảng 38 nghìn tỷ đồng trong 12 tháng tới. Đây là kế hoạch tăng vốn rất đáng kể và sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty lên khoảng 20%.

Đẩy mạnh cuộc đua tăng vốn

Với nguồn vốn bổ sung, các CTCK có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các CTCK tăng cường bộ đệm rủi ro.

Kế hoạch tăng vốn phần lớn đến từ các CTCK trong nước quy mô lớn như HCM, SSI, VCI, VND cũng như các công ty có liên kết với ngân hàng như ACBS, MBS, ORS, SHS. Các công ty này đã đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 so với cùng kỳ năm trước ở mức trung bình 30%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc mở rộng hoạt động cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ, cùng với việc các điều kiện kinh doanh của ngành được cải thiện.

Trong số 10 CTCK huy động nguồn vốn mới hiện đã có 4 công ty hoàn tất việc tăng vốn là ACBS, DNSE, HCM và KAFI.

“Đây là kế hoạch tăng vốn rất đáng kể và sẽ giúp tăng tổng vốn chủ sở hữu của các công ty lên khoảng 20%. Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm 2024. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro”, đại diện VIS Rating nhận định.

Đáng chú ý, việc tăng vốn mạnh mẽ trong 5 tháng đầu năm của các CTCK diễn ra trong bối cảnh lãi suất thấp và nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước ngày càng tăng cao.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trên thị trường chứng khoán (TTCK) tăng 36% so với năm 2023, lên mức 24 nghìn tỷ đồng.

Hầu hết các CTCK đều đánh giá chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư hấp dẫn, thu hút dòng tiền của nhà đầu tư trong nước. Do đó, các công ty không ngừng lên kế hoạch tăng vốn nhằm mở rộng dư địa cho vay margin để theo kịp xu hướng thị trường.

“Bối cảnh mới đặt các CTCK vào tình thế phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh, cũng như có nguồn xây dựng hệ thống giao dịch đảm bảo cung cấp được đa dạng sản phẩm”, một chuyên gia nhận xét.

Đạt 1.700 điểm vào cuối năm?

Có thể thấy, chỉ số VN-Index sau khi phục hồi từ vùng đáy 1.165 - 1.170 điểm đã có nhịp điều chỉnh trước khi quay lên khu vực 1.240 - 1.245 điểm. Cùng với đó, thanh khoản bắt đầu có dấu hiệu tăng mạnh trở lại khi dòng tiền ở một số kênh đầu tư khác như vàng bắt đầu chuyển hướng sau những động thái của Ngân hàng Nhà nước.

“Giá vàng miếng hạ nhiệt có thể là yếu tố kích thích TTCK”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường VNDirect Research nhấn mạnh.

Theo nhiều CTCK, VN-Index có nhiều cơ hội tăng trong giai đoạn nửa cuối năm, lên vùng 1.350 - 1.400 điểm, kèm theo đà tăng giá trên diện rộng các cổ phiếu.

Thực tế, một trong những chỉ báo quan trọng xác định xu hướng của thị trường cũng như đánh giá sức mạnh của thị trường là số lượng các cổ phiếu tăng vượt trội so với thị trường, số lượng cổ phiếu tăng trở lại khu vực đỉnh cũ và số lượng cổ phiếu đầu ngành vượt đỉnh mới.

Không khó để thống kê hàng loạt nhóm ngành, từ tài chính, hóa chất, bán lẻ, dầu khí, công nghệ - viễn thông… đã vượt đỉnh của năm cũng như vượt đỉnh lịch sử. Có thể liệt kê một số cổ phiếu lớn như: DGC, FPT, CMG, GMD, CSV, PVS, VCB, REE, CTR, VTP, DRC, PHR, BID, CTG… Việc quay lại đỉnh cũ và vượt đỉnh của TTCK chỉ là câu chuyện thời gian. Thời điểm thuận lợi rất có thể sẽ diễn ra ở giai đoạn cuối năm 2024 và năm 2025.

Mặt khác, bức tranh TTCK Việt Nam nửa cuối năm 2024 được dự đoán sẽ có nhiều gam màu sáng nhờ những tín hiệu tích cực từ các yếu tố vĩ mô.

Trong nước, GDP năm 2024 được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng từ 5,8 - 6% so với năm ngoái. Hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều có tín hiệu khả quan.

Trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã và đang cân nhắc rất nhiều về thời điểm hạ lãi suất, mặc dù quan điểm hiện tại vẫn là giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong quý II/2024. Khả năng điều chỉnh lãi suất lần đầu dự kiến có thể diễn ra vào ngày 17 - 18/9 tới. Điều đó có nghĩa là kỳ họp Ủy ban Thị trường mở của Fed diễn ra vào ngày 11 - 12/6/2024 và 30 - 31/7/2024 sẽ không có tuyên bố nới lỏng chính sách tiền tệ nào được đưa ra. Thời điểm hạ lãi suất có thể được hoãn với thời gian kéo dài khi số liệu lạm phát của nước này vẫn chưa hạ nhiệt về mức mục tiêu 2%, ngoại trừ thị trường lao động có dấu hiệu yếu hơn.

Theo nhóm phân tích của Chứng khoán VPS, trong tất cả các kịch bản, từ cơ sở cho đến lạc quan đều cho thấy, việc Fed sẽ hạ lãi suất trong quý III có xác suất cao hơn. Nếu chính sách tiền tệ của Mỹ đảo chiều và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu tích cực dần vào giai đoạn cuối năm 2024, khả năng cao TTCK sẽ diễn biến tích cực hơn.

Trường hợp TTCK Mỹ và thế giới đã tăng về vùng đỉnh cũ và vượt đỉnh, nhiều khả năng TTCK Việt Nam cũng sẽ có pha tăng tốc tốt hơn, VN-Index có khả năng đạt 1.350 - 1.400 điểm ngay trong quý III tới.

Thậm chí, ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ PYN Elite Fund đến từ Phần Lan cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang trong xu hướng đi lên chậm từ mức đáy nửa cuối năm 2022 đến nay. Và với những tín hiệu tích cực đang rõ nét, VN-Index có khả năng cao sẽ đạt 1.700 điểm vào cuối năm 2024.

Theo Hải Giang/vnbusiness.vn